20/01/2016 16:19
(NLĐO) - Mặc dù nhà báo bị hành hung đã cung cấp hình ảnh, băng ghi âm thể hiện việc ông Long đánh và xúc phạm danh dự người làm báo nhưng Công an TP Sóc Trăng chỉ xử lý hành chính.
Ngày 20-1, Báo Người Lao Động nhận được thông báo về việc không khởi tố vụ án hình sự do Cơ quan CSĐT Công an TP Sóc Trăng (Sóc Trăng) chuyển đến.
Theo nội dung thông báo, sau khi tiến hành xác minh tố giác, tin báo về tội phạm, xét thấy hành vi của Trần Duy Long không cấu thành tội phạm nên Cơ quan CSĐT Công an TP Sóc Trăng đã ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự số 06, ngày 28-12-2015.
Thông báo không khởi tố vụ án hình sự của Công an TP Sóc Trăng đối với hành vi của ông Long
Trước đó, vào chiều 3-11, sau khi nhận được thông tin các nhà thầu phụ đến công trình Bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng để đòi nợ khoảng 10 tỉ đồng đối với nhà thầu chính là Tổng Công ty Phát triển hạ tầng đô thị UDIC, ông Trần Công Tuấn, trưởng Văn phòng đại diện Báo Người Lao Động khu vực ĐBSCL đã đến hiện trường tìm hiểu sự việc một cách khách quan thì ông Cao Đình Thanh (người của UDIC) đã lệnh cho bảo vệ khóa cổng, cấm không cho bất cứ ai vào.
Thấy ông Tuấn chụp ảnh trước cổng, ông Thanh xúi ông Trần Duy Long (cũng là người của UDIC) ra giật máy ảnh, đấm vào mặt và dùng những lời lẽ thô tục xúc phạm danh dự người làm báo.
Lúc này, một cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Sóc Trăng đi ngang qua đã đến yêu cầu ông Long dừng lại. Tuy nhiên, ông Long quay sang định hành hung cả cảnh sát hình sự khiến người này phải hô lên: “Tôi là cảnh sát hình sự”. Ông Long quát to: “Mày là cảnh sát hình sự vậy thẻ ngành đâu. Mày công an tên gì?”. Sau đó, ông Long và ông Thanh vào trong và tiếp tục khóa cửa.
Ông Long đưa tay giật máy ảnh và đánh vào mặt ông Trần Công Tuấn
Lát sau, một vài thanh niên xăm mình đến và được ông Thanh kêu bảo vệ mở cổng cho vào. Ông Thanh chỉ tay về hướng phóng viên và bảo: “Tụi bây đập thằng đó cho tao! Có gì tao chịu trách nhiệm”.
Sau khi sự việc xảy ra, ông Thanh tỏ ra hào hứng cùng các đồng nghiệp rằng mình đã được lên trang bìa, được nổi tiếng vì chuyện nhà báo bị đánh.
Toàn bộ các chứng cứ trên, ông Trần Công Tuấn đã cung cấp đầy đủ cho Cơ quan CSĐT Công an TP Sóc Trăng. Vì thế, ngày 23-12-2015, ông Kha Minh Khởi, cán bộ điều tra của Cơ quan CSĐT Công an TP Sóc Trăng đã mời ông Tuấn trở lại trước cổng công trình Bệnh viện Sản - Nhi Sóc Trăng để dựng lại hiện trường.
Thế nhưng, điều khó hiểu là ông Khởi chỉ yêu cầu ông Tuấn chỉ tay xuống đất để thể hiện vị trí mình bị ông Long hành hung cho công an chụp hình rồi xong. Phóng viên các báo có mặt tại hiện trường đã yêu cầu ghi lại hình nhưng không được ông Khởi đồng ý.
Trong khi đó, ông Long thoải mái dùng điện thoại ghi lại hình ảnh các phóng viên.
Công an TP Sóc Trăng gọi ông Tuấn đến hiện trường chỉ để chỉ tay vào vị trí xảy ra vụ việc rồi về
Theo điều tra của chúng tôi, sau khi sự việc xảy ra, Công an TP Sóc Trăng đã 2 lần mời cán bộ cảnh sát hình sự của Công an tỉnh Sóc Trăng lên lấy lời khai và người này khẳng định việc ông Long đánh ông Công Tuấn là có thật. Chứng kiến sự việc, người này nhảy vào can ngăn thì suýt bị ông Long hành hung. Thế nhưng, không hiểu lý do gì, ông Long vẫn không bị xử lý hình sự về bất kỳ hành vi nào.
Trong khi đó, ông Long thoải mái đứng ghi hình các phóng viên có mặt tại hiện trường
Chiều ngày 20-1, trao đổi với chúng tôi qua điện thoại, thượng tá Lê Thanh Tùng, phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP Sóc Trăng, cho rằng do hành vi của ông Long không đủ yếu tố cấu thành tội phạm hình sự nên đã giao cho công an phường ra quyết định xử lý hành chính.
Thanh Sang
No comments:
Post a Comment