09:54 AM, 20-01-2016
(ĐSPL) - Liên quan đến vụ án buôn lậu, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đưa hối lộ, môi giới hối lộ này, đã có 27 công chức của Cục Hải quan tỉnh An Giang dính án.
Báo Lao động cho hay, chiều 19/1, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lê Dũng, Trần Thị Bích Tuyền, Hứa Châu cùng đồng phạm can tội “buôn lậu”, “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “đưa hối lộ”, “môi giới hối lộ”, “lợi dụng chức vụ quyền hạn khi thi hành công vụ” và “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại TPHCM và tỉnh An Giang”.
Vụ trọng án về kinh tế này có đến 46 bị can, trong đó nhiều giám đốc Cty và đặc biệt là 30 bị can nguyên là cán bộ công chức hải quan (trong đó có đến 27 người nguyên là cán bộ công chức Cục Hải quan tỉnh An Giang và 3 nguyên là cán bộ Hải quan TPHCM).
Hàng loạt cán bộ công chức Hải quan An Giang "dính" vụ buôn lậu, lừa đảo... hơn 80 tỉ đồng - Ảnh minh họa
Theo báo Người đưa tin, tài liệu của cơ quan điều tra cho thấy, tháng 4/2011, lợi dụng chính sách của Nhà nước trong việc quản lý hàng xuất khẩu, cũng như hoàn GTGT với các mặt hàng xuất khẩu cho các doanh nghiệp, Lâm Tuấn Phát - Giám đốc Công ty cổ phần Cảnh Phong bàn với Trần Thị Bích Tuyền - Giám đốc Công ty cổ phần Đại Đắc thực hiện hành vi lập hồ sơ xuất khẩu khống sang Campuchia, mục đích tạo dựng bộ hồ sơ xuất khẩu hàng hóa rồi sử dụng làm thủ tục xin hoàn thuế GTGT để chiếm đoạt tiền Nhà nước.
Tuyền và Phát bàn nhau tìm cách quan hệ với Công ty TPCN Sài Gòn do Lê Dũng (còn gọi là Lê Phi Long) làm giám đốc để thỏa thuận lập ký các hợp đồng mua hàng với giá trị hàng hóa chưa có thuế GTGT (tiền hàng trước thuế), cộng 25% tiền thuế GTGT nhằm tạo dựng bộ hồ sơ xuất khẩu cho Công ty TPCN Sài Gòn xin hoàn thuế GTGT.
Để có nguồn tiền, hàng luân chuyển, hợp thức hóa việc mua bán giả tạo, Lâm Tuấn Phát bàn bạc thỏa thuận với Hứa Châu- Công ty Lâm Kim Ngọc dùng nguồn hàng và tiền của công ty này. Nguồn thuốc lá của Hứa Châu là nguồn hàng đầu vào cho Công ty TPCN Sài Gòn, từ đó Công ty TPCN Sài Gòn làm thủ tục xuất khống cho Công ty Dang Toung Mine.
Từ tháng 2/2011 đến tháng 11/2012, Công ty TPCN Sài Gòn đã lập và ký khống 69 hợp đồng mua hàng trong nước với giá trị hàng hóa là 892 tỷ đồng, tiền thuế GTGT tương ứng 81 tỷ đồng để xuất khẩu, trong đó có 67 hợp đồng mua hàng giả tạo với Cty TNHH Lâm Kim Ngọc ghi trị giá hàng hóa sau thuế là 883,6 tỷ đồng, trong đó thuế GTGT 80,3 tỷ đồng.
Một hợp đồng khống mua dầu ăn của Công ty Đại Đắc Tài ghi trị giá hàng sau thuế 6,5 tỷ đồng, thuế GTGT tương ứng 593 triệu đồng. Một lô hàng bột ngọt với trị giá hàng sau thuế 2 tỷ đồng, tương ứng thuế GTGT 185 triệu đồng.
Ngoài ra, Lê Dũng - Giám đốc Công ty TPCN Sài Gòn còn ký lập 127 bộ hồ sơ xuất khẩu cho Trần Thị Bích Tuyền (đại diện Cty Blue CT Campuchia) chưa được giải quyết hoàn thuế có số tiến thuế GTGT là 64,6 tỷ đồng, trong đó 45,6 tỷ đồng là tiền thuế GTGT từ các hợp đồng mua bán thuốc lá với Hứa Châu (Cty Lâm Kim Ngọc).
Công ty TPCN Sài Gòn đã chuyển trước cho Công ty Lâm Kim Ngọc (ngay khi ký hợp đồng giả tạo) để chia trước 75% tiền thuế GTGT, tương đương 34,2 tỷ đồng. Số tiền này của Công ty TPCN Sài Gòn đã mất, không thể thu hồi.
Cũng theo báo Lao động, trong hàng loạt cán bộ công chức hải quan tỉnh An Giang (27 bị can), thì có cả bị can nguyên là Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang – Nguyễn Văn Biên; Nguyễn Phi Công và Thái Thanh Nguồn đều nguyên là Chi cục phó Chi cục Hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang cùng “dính chàm” trong vụ án này.
Đối với 24 nguyên công chức hải quan cửa khẩu Khánh Bình, tỉnh An Giang bị khởi tố bị can trong vụ án này, biết rất rõ Cty CP TPCN SG không xuất hàng sang Campuchia, mở tờ khai khống… nhưng vẫn lập hồ sơ “thông quan” khống để nhận tiền của Cty CP TPCN SG.
Chính vì vậy, toàn bộ hàng hóa trong các container xuất khẩu thay vì thuốc lá, dầu ăn, bột ngọt như khai báo thì biến thành gạo, mỳ ký thậm chí là trấu, ung dung qua cửa khẩu.
HẠNH VŨ (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment