Wednesday, January 20, 2016

Đại hội Đảng: Tham nhũng cản trở đổi mới

Nam Nguyên, phóng viên RFA 2016-01-20  
000_Hkg10247503-622.jpg
Ảnh chụp bên ngoài Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam hôm 18/01/2016. AFP  

Chìa khóa mở cánh cửa cải cách

Nền kinh tế Việt Nam sau 30 năm đổi mới đã hết động lực phát triển, đất nước thực sự tụt hậu khá xa so với khu vực. Các chuyên gia kỳ vọng gì về đổi mới lần hai, trong bối cảnh Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 12 diễn ra từ 20-28/1/2016 để bầu chọn ban lãnh đạo mới.
Phát biểu từ Hà Nội ít giờ trước khi Hội nghị Trù bị Đại hội Đảng diễn ra hôm thứ tư, Phó Giáo sư Tiến sĩ Ngô Trí Long đề cập tới điều gọi là chìa khóa để mở cánh cửa cải cách:
Lòng dân cảm thấy chưa thật sự tập trung chống tham nhũng. Một khi mục tiêu làm trong sạch đội ngũ bộ máy nhà nước, cũng như chống được tham nhũng thì mọi vấn đề khác tôi nghĩ sẽ tạo điều kiện, tạo đà tốt cho kinh tế phát triển.
-TS Ngô Trí Long
“Chủ đề của Đại hội này thứ nhất là làm trong sạch bộ máy Đảng, hiện nay vấn đề tham nhũng đã đưa ra nhất nhiều biện pháp giải pháp nhưng vẫn chưa được ngăn chặn chưa được đẩy lùi. Cho nên lòng dân cảm thấy chưa thật sự tập trung chống tham nhũng. Một khi mục tiêu làm trong sạch đội ngũ bộ máy nhà nước, cũng như chống được tham nhũng thì mọi vấn đề khác tôi nghĩ sẽ tạo điều kiện, tạo đà tốt cho kinh tế phát triển. Khi đó chắc chắn cuộc đổi mới kinh tế sẽ đi vào quỹ đạo theo đúng qui luật của kinh tế thị trường, qua bước đầu thì nhiệm vụ cấp bách trọng tâm cần phải đi rất nhiều bước, nhưng bước quan trọng là làm trong sạch bộ máy của Đảng. Chống được tham nhũng một cách có hiệu quả triệt để thì từ đó mới có thể thực thi những biện pháp có hiệu quả. Nhưng chống tham nhũng chưa làm xong trong bộ máy Đảng và Nhà nước, thì đó chính là rào cản lớn nhất cho sự phát triển kinh tế Việt Nam.”
Ngày 18/1/2016 trên mạng tin Zing.vn, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, đề cập tới xu hướng thay đổi quan niệm về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và nội hàm của khái niệm này. Đặc biệt cần hoàn thiện thể chế để tạo ra kinh tế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập. Theo lời TS Nguyễn Đình Cung trên Zing.vn, để đạt được điều này thì kinh tế tư nhân phải là chủ đạo, là động lực. Các thị trường khác phải hoàn thiện đầy đủ, một thị trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng. Đó chính là thị trường. Về xã hội, nhà nước sử dụng các nguồn lực để thực hiện chính sách xã hội.
000_Hkg10247711-400.jpg
Trung tâm Hội nghị Quốc gia Việt Nam hôm 20/01/2016. AFP PHOTO.
Đối vấn đề cần làm rõ nội hàm của kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trước khi bước vào đổi mới lần thứ hai, hoặc nói cách khác là giai đoạn thứ nhì của đổi mới. PGSTS Ngô Trí Long nhận định:
“Hiện nay, ngay những cán bộ cấp cao cũng khẳng định, dù anh theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa hay kinh tế thị trường thuần túy, thì điều cốt lõi vẫn là phải thực hiện đúng quy luật của kinh tế thị trường, đó là bản chất tôn trọng kinh tế thị trường…”
Cùng về vấn đề làm thế nào để tiến tới kinh tế thị trường đầy đủ, một khi Việt Nam kiên định trong Hiến pháp là đi theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành hiện sống và làm việc ở Hà Nội trình bày ý kiến:
“Vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa đối với tôi chỉ là cái thuật ngữ trong vấn đề quản lý của Đảng Cộng sản thôi chứ không phải là bất di bất dịch. Cái mà hướng tới một nền kinh tế thị trường, tôi thấy Việt Nam đã nhiều lần đi các nơi yêu cầu lãnh đạo của các cường quốc công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, thì hiện nay chưa hoàn thiện đầy đủ điều kiện để được công nhận. Nhưng cái hướng tới vẫn là kinh tế thị trường, chứ vấn đề xã hội chủ nghĩa tôi cho là chuyện thời đại một thời gian nào đó sẽ thay đổi thôi, chứ không còn cách nào khác.”

Nhận thức mới về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa

Tại cuộc họp báo sáng 18/1/2016 ở Hà Nội trước thềm Đại hội Đảng 12, khi trả lời báo chí về khả năng một cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam, Ông Thuận Hữu, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân cho biết: Về kinh tế, dự thảo nêu lên việc tích cực đổi mới mô hình tăng trưởng, hoàn thiện thể chế phát triển kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Văn kiện cũng nâng cao và thống nhất nhận thức trong toàn Đảng về kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa.
Không hiểu là có chủ đích hay không, khi dự thảo văn kiện Đại hội Đảng được ông Thuận Hữu trích dẫn đã bỏ hai từ định hướng. Cụ thể trước kia luôn gọi là kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và bây giờ là kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Đây có thể là một nhận thức mới về nội hàm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm là như thế còn nội hàm thì chưa được giải thích rõ ràng.
-TS Huỳnh Thế Du
Trước thềm Đại hội Đảng, TS Huỳnh Thế Du, Giám đốc đào tạo Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright TP.HCM, khi trả lời chúng tôi đã trình bày cách nhìn của ông về vấn đề này:
“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khái niệm là như thế còn nội hàm thì chưa được giải thích rõ ràng. Nếu mà chúng ta có một cách luận giải về định hướng xã hội chủ nghĩa một cách đơn giản, coi như là vì mục tiêu công bằng cho xã hội. Có nghĩa là mục tiêu của Việt Nam là dân giàu nước mạnh, công bằng dân chủ văn minh. Kinh tế thị trường tập trung vào việc để người dân làm giàu… công bằng dân chủ văn minh… nếu tập trung vào đó thì ổn.”
Đáp câu hỏi của chúng tôi là, yếu tố nhân sự được quyết định trong Đại hội Đảng Cộng sản VN lần thứ 12 có ảnh hưởng tới tiến trình cải cách xu hướng tiến tới nhà nước kiến tạo và  cuộc đổi mới lần 2 ở Việt Nam hay không. PGSTS Ngô Trí Long nhận định:
“Vai trò của nhà nước và thị trường như thế nào thì sẽ được làm rõ, có nghĩa là thực tế trong bối cảnh kinh tế hội nhập rồi, nếu anh không tuân thủ những qui luật của thị trường thì chắc chắn anh sẽ bị loại khỏi và đồng thời sẽ có những rào cản rất lớn cho sự phát triển kinh tế. Cho nền dù muốn đội ngũ nào tiếp cận đi chăng nữa, thì đều phải chấp hành thực hiện cái đó, vai trò kiến tạo của nhà nước rồi sẽ phải được thực thi. Nói cách khác trong kinh tế thị trường nó là bà đỡ giữ vai trò kiến tạo, chứ Nhà nước không thể tham gia trực tiếp vào hoạt động kinh doanh. Nó sẽ được thực thi thôi, nhưng căn bản là sự thực thi sẽ tiến hành như thế nào, nhanh hay chậm là vấn đề cần phải xem xét.”
Cho đến ngày Việt Nam tiến hành Đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12, khu vực kinh tế nhà nước vẫn đang tồn tại 800 doanh nghiệp lớn nhỏ, nhưng lại chi phối 50% nguồn lực quốc gia. Giải quyết khối u độc quyền và quyền lợi nhóm thật sự không dễ dàng để tiến tới nhà nước kiến tạo và kinh tế thị trường thực sự.
Qua các cuộc phỏng vấn, chúng tôi ghi nhận ý kiến chung là, Ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Việt Nam hình thành sau Đai hội 12, dù là ai cũng không thể đảo ngược tiến trình cải cách. Tuy nhiên có sự đồng thuận là mọi công cuộc đổi mới cần có lãnh đạo có tinh thần cải cách khởi xướng và được nhiều người ủng hộ để thực hiện.

No comments:

Post a Comment