Theo VOA-20.01.2016
Các chuyên gia cho rằng những nhà lãnh đạo mới của các nước ở Châu Á, như Việt Nam, Đài Loan và Philippines, sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức về kinh tế và an ninh trong năm 2016. Thông tín viên đài VOA Liên Hoàng tường thuật từ Sài Gòn.
Tuần này, những người cộng sản ở Việt Nam và Lào sẽ chọn các nhà lãnh đạo để điều hành đất nước trong 5 năm tới. Tại Đài Loan, việc cử tri bầu ra vị nữ tổng thống đầu tiên đã khiến Trung Quốc đưa ra lời cảnh báo là mối hy vọng độc lập của Đài Loan là “ảo tưởng.” Tại Philippines, hết ứng cử viên này tới ứng cử viên khác bị tố cáo là không hội đủ điều kiện để dự tranh trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
Nói một cách khác, năm 2016 có thể là một năm có nhiều sóng gió cho khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Và điều này không phải chỉ giới hạn trong phạm vi chính trị bầu cử. Các nhà lãnh đạo mới sẽ phải lèo lái đất nước vượt qua nhiều cơn sóng gió, từ kinh tế tăng trưởng chậm lại ở nhiều nước cho tới những liên minh an ninh mỗi ngày một phức tạp hơn.
Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Sài Gòn về mối quan hệ Việt-Mỹ, ông Evan Medeiros, giám đốc Tập đoàn Âu Á, nói “những mảng kiến tạo của kinh tế khu vực, chính trị khu vực, và an ninh khu vực sẽ thay đổi một cách đáng kể và lâu dài trong năm 2016.”
Tại một cuộc hội thảo mới đây ở Sài Gòn về mối quan hệ Việt-Mỹ, ông Evan Medeiros, giám đốc Tập đoàn Âu Á, nói “những mảng kiến tạo của kinh tế khu vực, chính trị khu vực, và an ninh khu vực sẽ thay đổi một cách đáng kể và lâu dài trong năm 2016.”
Ông cho rằng các nền kinh tế Châu Á Thái Bình Dương sẽ phải tìm kiếm nguồn tăng trưởng mới. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những nước lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Thời kỳ GDP tăng trưởng với tốc độ chóng mặt đã không còn nữa. Và trong vấn đề này, Trung Quốc vừa là một triệu chứng vừa là nguyên nhân. Tình trạng suy thoái toàn cầu làm giảm đi số khách hàng của hàng hoá do Trung Quốc sản xuất và điều đó khiến cho Trung Quốc phải giảm bớt số lượng nguyên vật liệu nhập khẩu, như quặng sắt của Australia và tha đá của Indonesia. Những yếu tố khác, như tình trạng nợ nần mỗi lúc một nhiều và một vụ bong bóng nhà đất, cũng làm cho tình hình bất ổn gia tăng, với sự tuột dốc của thị trường chứng khoán Trung Quốc trong những tháng vừa qua và hôm thứ ba chính phủ ở Bắc Kinh loan báo tăng trưởng GDP xuống tới mức thấp nhất trong vòng 25 năm.
Các nền kinh tế tăng trưởng với tỉ lệ cực thấp
Không phải mọi người đều đồng ý với ông Medeiros là Châu Á cần có những đầu máy tăng trưởng mới. Trong những năm gần đây, khi kinh tế toàn cầu bị trì trệ, phong trào “tăng trưởng zero” đã phục sinh. Những người ủng hộ phong trào cho rằng các nền kinh tế không thể tiếp tục tăng trưởng mãi mãi, mà phải ổn định đủ để mang lại một cuộc sống có phẩm chất và lâu bền cho đa số dân chúng.
Ông Seongwon Park, một nhà nghiên cứu của Viện Chính sách Khoa học và Công nghệ Nam Triều Tiên, cho biết trên trang blog của ông hôm chủ nhật vừa qua rằng một cuộc khảo sát cho thấy hầu hết dân chúng ở Nam Triều Tiên muốn có một tương lai được gọi là “khử tăng trưởng.”
Một số người xem Nhật Bản là một tấm gương của một nền kinh tế ở trong tình trạng ổn định.
Một số người xem Nhật Bản là một tấm gương của một nền kinh tế ở trong tình trạng ổn định.
Kinh tế gia Ed Dolan nói “Tuy không có tăng trưởng, Nhật Bản dường như có thể xử lý tốt hơn nhiều vấn đề cấp thiết của cuộc sống, kể cả vấn đề chăm sóc sức khoẻ, tuổi thọ, an toàn công cộng, và an ninh cá nhân, so với nền kinh tế của Mỹ, là nước giàu hơn và tăng trưởng nhanh hơn.”
Đầu tư cho sức cạnh tranh
Tuy nhiên, hầu hết các nước láng giềng ở Châu Á không giàu có như Nhật Bản hay Nam Triều Tiên. Để phát triển nền kinh tế của mình, nhiều nước ở vùng này, từ Campuchia cho tới Miến Điện, đang đầu tư vào các dự án xây dựng đường sá và hải cảng, giáo dục và huấn luyện, và những hoạt động nhằm nâng cấp sức sản xuất dựa trên kỹ thuật.
Bà Joycelyn Trần, Giám đốc cao cấp ở Đông Nam Á của Walmart Global Sourcing, cho biết bà muốn những nước như Việt Nam nhận được sự chuyển giao kiến thức và công nghệ để trở thành những nước cung ứng hàng hoá cho Walmart. Bà nói rằng Việt Nam cần làm nhiều việc để đào tạo những người tài giỏi, từ việc mở thêm các lớp dạy tiếng Anh cho tới việc dạy nghề để cho công nhân biết cách sử dụng máy móc.
“Điều mà chúng tôi hy vọng đạt được là nâng các nhà sản xuất và các nhà cung ứng tới các tiêu chuẩn có thể làm cho Việt Nam có sức cạnh tranh cao,” bà Trần cho biết như vậy tại cuộc hội thảo ở Sài Gòn. Bà nói thêm rằng “Có một sự cạnh tranh quốc tế. Hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam phải sánh vai với những sản phẩm của Nhật Bản hoặc của Mỹ hoặc của bất kỳ quốc gia nào khác.”
Những tác động về mặt an ninh
Các nhà phân tích cho rằng sự thịnh vượng có được trong thời gian gần đây đã tạo ra những tác động về an ninh. Nó cho phép các chính phủ chi tiêu nhiều hơn cho máy bay, tàu bè và vũ khí. Trong khía cạnh đó, các nước có lẽ được hưởng lợi từ hai xu thế rất khác nhau: một mặt, nền kinh tế bị trì chậm của Trung Quốc có nghĩa là ảnh hưởng, mà nước này dựa vào tiền bạc để có được, có thể sẽ giảm đi; mặt khác, quân đội của các nước láng giềng đang tìm cách tăng cường quan hệ với nhau để tìm cách ứng phó với Trung Quốc.
Ông Medeiros cho rằng “Sự tính toán về các mối quan hệ an ninh ở Châu Á đang nhanh chóng vượt khỏi mô hình ‘trung tâm-nan hoa’ truyền thống,” trong đó Hoa Kỳ nằm ở giữa và kết nối với Australia, Nhật Bản, Philippines, Nam Triều Tiên và Thái Lan.
Ông nói “Đó là cách thức ứng phó của thế kỷ 20 về động lực an ninh ở Châu Á Thái Bình Dương.”
Ông Medeiros dự đoán là những mối quan hệ hợp tác quân sự đa dạng hơn sẽ xuất hiện, với những sự nối kết khác nhau, như Việt Nam với Ấn Độ hoặc Nhật Bản với Australia. Ông cho rằng dù thế nào đi nữa thì năm 2016 vẫn là một năm có nhiều thách thức đối với Châu Á.
No comments:
Post a Comment