Trần Thị Hải Ý (Danlambao) - "Nói đến đạo đức Hát Xê Em, người ta nhớ ngay tới 8 chữ "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" trong Khổng giáo, nhưng sao thiếu chữ Sỉ? Trong hai ấn bản Hát Xê Em toàn tập, 1980 (10 tập) và 2000 (12 tập) không có chữ Sỉ. Kể cả chục cuốn Giáo trình chính thống về tư tưởng Hát Xê Em trong tủ sách của ông ngoại để lại cũng không một lần nhắc tới chữ Sỉ! Sỉ (dấu hỏi): hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng. Vô sỉ: không biết xấu hổ."
*
Thưa các đồng chí (đ/c) trung ương,
Thưa các đ/c đại biểu,
Như chúng ta đã biết, Hội nghị trung ương lần thứ 14 đã thành công tốt đẹp. Về khâu nhân sự chủ chốt cho đảng hội khóa 12 này, Hội nghị đã "làm việc khẩn trương, nghiêm túc, thật sự dân chủ và trách nhiệm cao"; đã biểu quyết với "số phiếu rất tập trung". Nói gọn là thành công rực rỡ!
Thưa các đ/c,
Trước khi bắt đầu cuộc biểu quyết dứt điểm theo tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa (Ếch Hát Xê En) cho kỳ đảng hội 12, tôi xin nhắc sơ các đ/c là ngày 27/06/2006, khi nhậm chức Thủ tướng nhiệm kỳ 1, đ/c Nguyễn Tấn Dũng đã hứa trước đảng viên chúng ta, trước nhân dân là sẽ “kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng, đ/c ấy xin từ chức ngay". Lịch sử và hệ lụy về tham nhũng, thất thoát trong mấy "quả đấm thép" Vinashin, Vinalines, Bô-xít Tây Nguyên nói riêng hiện vẫn còn đó.
Nay, sau 10 năm đứng đầu chính phủ, đ/c Dũng đang sống những giờ phút cuối cùng của nhiệm kỳ 2, để lại món nợ công Hai triệu bốn trăm bảy mươi lăm ngàn tỷ đồng tức tương đương 110 tỷ USD và tham nhũng đã biện chứng thành quốc nạn, thành ung thư, thành nguy cơ chính làm suy vong đảng ta vốn đạo đức, văn minh và chế độ Ếch Hát Xê En vốn ưu việt của ta. Hơn nữa, mới đây đ/c Dũng còn hứa với tôi cùng BCT, BCH TƯ bằng văn thư hẳn hoi là đ/c “Xin Không Tái Cử” trong đảng hội XII-2016 này, có thể vì tự ý thức đã trọng tuổi, ngụ ý là đ/c Dũng đã dứt khoát xin ngưng thường trực phục vụ đảng. Là người đại diện đảng và nhân danh BCT, BCH TƯ tôi chuẩn thuận nguyện vọng hợp thời hợp lý hợp tình của đ/c Dũng.
Và để tránh làm mất thời giờ của đại hội, tôi chân thành giản dị đề xuất các đ/c hiện diện, nhân kỳ đảng hội 12 này, chúng ta đồng giương cao thẻ đảng, chúc cho đ/c Dũng sớm được hưởng thú điền viên bên đứa cháu ngoại Mc Lênin ngộ nghĩnh, tương tự đ/c Nguyễn Thánh Gióng an nhàn bên chòi trông tổ yến; hoặc tích cực hơn, noi gương đ/c Truyền Bến Tre lấy "lao động thối cả móng tay" làm lẽ sống lúc cuối đời.
Tiếp theo, kính mời đ/c UV BCT, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lên phát biểu.
*
Thưa các đ/c trung ương,
Thưa các đ/c đại biểu,
Trước khi bắt đầu cuộc biểu quyết dứt điểm, cụ thể theo tinh thần dân chủ xã hội chủ nghĩa (Ếch Hát Xê En) cho kỳ đại hội này, tôi cũng xin nhắc các đ/c là, khi nhậm chức Tổng Bí thư vào ngày 19/01/2011, đ/c T$ chuyên ngành xây dựng đảng Nguyễn Phú Trọng đã 67 tuổi, hôm đó đ/c có bày tỏ trước đảng viên chúng ta, trước nhân dân lòng “tri ân với những người do quá tuổi đã không ứng cử vào Ban chấp hành Trung ương khóa mới để tạo điều kiện và cơ hội cho những người trẻ”. Nay, 5 năm sau dưới sự xây dựng của đ/c TBT Trọng, đảng ta biện chứng ra đa phe, đạo đức Hồ Chí Minh (Hát Xê Em) vĩ đại hoá thành đạo đức đa... lô. Tuy nhiên, dù nay đã 72 tuổi, song vì đ/c Trọng là "người miền Bắc, biết lý luận Ếch Hát Xê En, lại không có tham vọng quyền lực" mặc dù cả đời đ/c ấy chỉ chuyên ngành mưu sinh bằng quyền lực chính trị, do đó tôi chân thành đề xuất toàn thể đảng hội chúng ta nên nhất trí đại 100% cho đ/c Trọng tái đắc cử trên ghế TBT ít nhất qua đến thế kỷ 22, ấy vì có như thế vừa giữ vững vai trò lãnh đạo của đảng ta, vừa phòng chống thế lực diễn biến hoà bình trong và ngoài đảng, vừa khớp mõm bè lũ cờ vàng bị dải phóng khắp nơi và, quan trọng nhất là may ra trả hết món nợ 110 tỷ USD, cũng như Xê En Ếch Hát được hoàn thiện trên "đất nước Hát Xê Em"!
Thưa các đ/c,
Trong thư gửi TBT Nguyễn Phú Trọng, BCT và BCH TƯ ngày 10/12/2015, bản thân tôi có hứa "TÔI XIN KHÔNG TÁI CỬ" trong kỳ đảng hội XII này. Đó là sự thật. Tôi nay vẫn cương quyết không xin tái cử, không bởi tôi cũng đã tròm trèm 67 - theo đảng quy là tuổi đã "hoàn thành nhiệm vụ", phải về, học tập làm nguyên là hay Thái thượng hoàng. Tôi theo đảng vô rừng từ năm 12 tuổi. Từ đó đảng sở hữu linh hồn tôi. Trước nay, tôi chưa bao giờ xin xỏ đảng bất cứ điều gì, mà chỉ biết cúc cung bịt mắt, bịt tai, bịt não phục tùng sự phân công anh minh của đảng. Đảng đặt đâu, tôi ngồi đó. Hồi mới vỡ giọng, đảng cho tôi ăn, tôi ăn; đảng biểu tôi ngủ, tôi ngủ. Và trăm linh tinh nhiêu khê khác. Rồi từ khi quen mui đặc quyền đặc lợi, đảng lệnh tôi lên, tôi lên; đảng truyền tôi xuống, tôi xuống. Đảng định hướng tôi chửi, tôi chửi (te tua bất luận kẻ đó là ai). Đảng quyết tôi về, tôi về; nay giả sử đảng bấm tôi ở lại, đùn tôi lên đỉnh để đảng tiếp tục ấy ấy lên đầu hơn 90 triệu sinh linh mít đặc khốn khổ khốn nạn này thì tôi sẵn sàng răm rắp chấp hành ý đảng, kệ mẹ lòng dân. Đó cũng là sự thật. Biết làm sao bây giờ!
*
Nói đến đạo đức Hát Xê Em, người ta không thể không nhớ ngay tới 8 chữ "cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư" trong Khổng giáo made in Tàu phù, nhưng sao thiếu chữ Sỉ? Trong hai ấn bản Hát Xê Em toàn tập - 1980 (10 tập) và 2000 (12 tập) không có chữ Sỉ. Kể cả chục cuốn Giáo trình chính thống về tư tưởng Hát Xê Em trong tủ sách của ông ngoại để lại cũng không một lần nhắc tới chữ Sỉ! 恥 (Sỉ, dấu hỏi): hổ thẹn (Avoir honte, indignité), tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng. Vô sỉ: không biết xấu hổ (theo 1/ Huình Tịnh Paulus Của: Đại Nam Quốc Âm Tự Vị, Tome 2, trang 296 * Nxb Imprimerie Rey, Curiol & Cie, Saigon 1896; 2/ JFM Génibrel: Dictionnaire Annamite-Français, trang 695 * Nxb Imprimerie de la Mission à Tân Định, Saigon 1898; 3/ Thiều Chửu: Hán-Việt tự điển, trang 204 * Nhà in & Nxb Đuốc Tuệ, Hà Nội 1942 và 4/ Nguyễn Kim Thản (chủ biên): Từ điển Hán-Việt hiện đại, trang 123 * Nxb Thế Giới, Thành Hồ 1996. Lưu ý: Từ điển Tiếng Việt (xb tại HN năm 2002, trang 826) và Từ điển Bách khoa Việt Nam (tập 3 N-S, xb tại HN năm 2003, trang 757): không có chữ Sỉ (dấu hỏi, độc lập).
Vô Danh thị có lưu lại đoản văn như sau (1): [Liêm, sỉ (2) là tính rất hay của loài người, vì người mà không liêm thì cái gì cũng lấy, không sỉ thì việc gì cũng làm. Người mà đến thế là người bỏ đi, không khác gì giống vật. Nhất những bậc đứng chủ trương việc nhà, việc nước mà vô liêm, vô sỉ thì nhà phải suy bại, nước phải nguy vong.
Nghĩ cho kỹ, thì Sỉ cần hơn Liêm: người vô liêm làm những việc bất nghĩa, căn nguyên cũng ở vô sỉ mà ra.
Khổng nói: “Hành kỷ hữu sỉ” nghĩa là nghĩ mình biết làm xằng là xấu hổ. Thầy Mạnh nói: “Nhân bất khả vô sỉ” nghĩa là người ta không biết xấu hổ thì không được.
Than ôi! Thế mà ngày nay, nhân tình phản trắc, phong tục suy đồi, người ta quên cả liêm, sỉ. Không kể chi người thường, thậm chí đến bọn sĩ phu cũng chan chan như thế cả. Ôi! Nếu cho là sự xấu hổ chung cho cả nước, cũng không phải là nói ngoa.
Tuy vậy, mùa đông rét mướt, tùng, bách vẫn xanh; mưa gió tối tăm, gà sống vẫn gáy. Đời tuy hôn mê, vẫn có người tỉnh: Ai?
Thực đã là một tiếng than cho đời mà ngán cho cái con người. Người đời bây giờ có phải đa số là người “vô liêm sỉ”, “bất tri sỉ” không? Nếu quả thật vậy thì người ta ngậm ngùi than thở là chí phải. Là kẻ hậu sinh, nhưng ít nhiều HY em cũng hiểu rằng Liêm, Sỉ là nền tảng của đạo làm người ở bất cứ đâu, ở bất cứ thời đại nào. Ở đời còn có Sỉ thì hiếu, để, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm còn được; chớ liêm, sỉ đã mất, nhất là sỉ, thì còn gì là luân thường đạo lý, và mong cậy vào đâu nữa. Con người mà đã đến vô sỉ thì tuy mặc quần lót, bận sơ-mi trắng, khoác vét đen, thắt cà vạt, mang giày da, đeo kiếng cận…, nhưng xử sự như con chim, con muông, thì còn cái gì là kiêng nể, là không dám làm!] (1).
(Mót lại từ những gì đã loáng thoáng đọc qua và lõm bõm nhớ được, 20/01/2016)
________________________________________
(1) Ninh nêm lại từ sách Cổ học tinh hoa, T2, bài 63 trang 105, 106 – Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc và Từ An Trần Lê Nhân * Xuất bản lần đầu tại Hà Nội năm 1926, Nxb Tinh Hoa Miền Nam tái bản tại Hoa Kỳ năm 1978.
(2) Liêm: tính phân minh ngay thẳng, không lấy của bất nghĩa. Sỉ (dấu hỏi): hổ thẹn, tự mình lấy làm khó chịu, nhục nhằn trong lòng.
No comments:
Post a Comment