- Vào năm 2007, dự án đường Nguyễn Công Trứ được phê duyệt với chiều rộng nền đường 21m (mặt đường 14m, hè đường 3,5m x 2). Tuy nhiên, sau đó, UBND tỉnh Hà Tĩnh yêu cầu thực hiện đúng theo "quy hoạch" là 35m nên dự án đã bị dừng lại cho đến nay.
Và suốt 26 năm qua (kể từ năm 1989 tới năm 2015) với lý do "khó khăn về kinh phí" nên đường Nguyễn Công Trứ cũ (đoạn từ đường Phan Đình Phùng đến đường Hải Thượng Lãn Ông) có chiều dài gần 600m vẫn chỉ là quy hoạch "treo".
Dừng rồi "treo"
Nằm cách trung tâm hành chính UBND tỉnh Hà Tĩnh chỉ vài trăm mét, đường Nguyễn Công Trứ là một trong những tuyến đường xương sống của TP Hà Tĩnh.
Có hơn 100 hộ dân của 2 phường Tân Giang và Bắc Hà cư ngụ dọc tuyến đường.
Năm 1989, UBND tỉnh Nghệ Tĩnh đã có quy hoạch để đường Nguyễn Công Trứ để phù hợp với "bộ mặt" đô thị ngày một phát triển.
Không có chỗ thoát, nước thải sinh hoạt của các hộ dân tràn ra cả lòng đường. Xung quanh là những căn nhà lụp xụp vì không được sửa chữa.
|
Theo đó, tuyến đường sẽ được nâng cấp, mở rộng với chỉ giới 35m (trong đó mặt đường rộng 14m, lề đường 10,5m x 2).
Ông Phạm Tiến Sinh, Trưởng ban quản lý công trình xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh cho hay, năm 2007, dự án đường Nguyễn Công Trứ được TP phê duyệt thi công, nhưng có thay đổi so với quy hoạch ban đầu, cụ thể, chiều rộng nền đường còn lại 21m (mặt đường 14m, hè đường 3,5m x 2).
“Khi dự án chuẩn bị triển khai thì UBND tỉnh Hà Tĩnh có văn bản yêu cầu phải thi công…đúng với quy hoạch ban đầu là 35m nên phương án làm 21m phải dừng.
Tiếp đó, TP cũng đã tổ chức nhiều cuộc họp bàn thi công đường Nguyễn Công Trứ, là làm theo quy hoạch cũ (35m) hay 21m, nhưng không thống nhất được phương án”, ông Sinh nói.
Còn theo ông Trần Ngọc Thơ, Trưởng ban bồi thường, hỗ trợ và tái định cư TP Hà Tĩnh, năm 2007, đơn vị cùng với ban ngành liên quan thành lập đoàn tiến hành đo đạc, kiểm đếm diện tích đền bù.
Lòng đường hẹp trong khi phương tiện giao thông đông khiến cho việc di chuyển khó khăn.
|
Tuy nhiên, đoàn làm theo quy hoạch là 35m chứ không phải 21m như thông tin ban quản lý công trình xây dựng cơ bản TP Hà Tĩnh cung cấp.
Kinh phí dự toán chừng 84 tỷ đồng, nhưng chủ yếu là tiền đền bù, giải phóng mặt bằng còn tiền xây lắp chỉ hơn 20 tỷ đồng.
“Thế nhưng, sau đó, cũng không thấy dự án triển khai. Trong suốt 26 năm, chúng tôi chỉ tiến hành kiểm đếm, đo đạc lần duy nhất vào năm 2007”, ông Thơ chia sẻ.
Không thể thi công theo quy hoạch 35m
Lý giải về sự "chênh" giữa 2 số liệu (35m với 21m), ông Phạm Tiến Sinh nói, có thể khi ấy kế hoạch mở rộng đường Nguyễn Công Trứ thành 21m đã dừng thì đoàn kiểm đếm bồi thường mới đo đạc.
Tiếp đó, năm 2010, TP Hà Tĩnh quyết định sẽ mở rộng đường Nguyễn Công Trứ theo đúng quy hoạch 35m. Nhưng khi tính toán kinh phí hơn 100 tỷ đồng, trong khi TP không "xoay" đủ tiền nên không thể làm.
Ngôi nhà đã xuống cấp nghiêm trọng với những vết nứt lớn nhưng nà Phạm Thị Ninh vẫn không thể sửa chữa, bởi ngôi nhà đã nằm trong quy hoạch.
|
Qua nhiều năm, đoạn đường dài 600m vẫn không thể thi công trong khi chi phí thi công (nhất là giải phóng mặt bằng) đã tăng cao, càng thêm khó khăn.
Được biết, đây là một trong những tuyến đường có giá đền bù giải phóng mặt bằng cao nhất của tỉnh Hà Tĩnh. Năm 2007, giá đất dọc đường Nguyễn Công Trứ là khoảng 6 triệu đồng/m2, nhưng hiện tại, con số đã tăng gấp đôi, 14 triệu/m2.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Trưởng phòng TN&MT TP. Hà Tĩnh thông tin, nếu mở theo quy hoạch 35m, ngoài khó khăn về vốn còn có vị trí tái định cư (những hộ dân chủ yếu sống bằng kinh doanh, buôn bán).
"Thời điểm này mở rộng đường Nguyễn Công Trứ thành 35m là không thể thực hiện được, bởi kinh phí quá lớn (trên 100 tỷ)", ông Hùng khẳng định.
Hơn 20 năm qua, người dân phường Tân Giang và Bắc Hà luôn trông mong chính quyền thi công tuyến đường Nguyễn Công Trứ nhưng nó vẫn mãi là quy hoạch "treo".
Họ buộc phải chấp nhận sống trên tuyến đường không có hành lang, không có mương thoát nước, mặt đường xuống cấp, nhiều nơi trở thành bãi đỗ xe "bất đắc dĩ", cảnh tượng nhếch nhác, mất mĩ quan đô thị tràn ngập khắp tuyến đường.
Chỉ tay vào căn nhà cấp 4 lụp xụp, xung quanh tường là những vết nứt lớn, bà Phạm Thị Ninh (SN 1958, trú tổ 4, phường Tân Giang) bức xúc, ngày trước còn sống, mẹ của bà cũng chỉ mong họ làm đường để sửa chữa ngôi nhà cho khang trang. Nay, bà đã mất, mà đường vẫn chưa làm. Đến nơi thờ tự cũng không được tử tế.
“Nhà nằm trong quy hoạch nên muốn làm gì cũng không được. Hệ thống thoát nước thì không có, mấy hộ gia đình phải góp tiền đào mương. Nếu đường không làm được nữa thì TP cũng phải đưa nhà chúng tôi ra khỏi quy hoạch. Chứ cứ im lặng thì khổ cho dân lắm”, bà Ninh ngán ngẩm.
Còn ông Trương Quang Hiếu - Chủ tịch UBND phường Tân Giang cho biết, mỗi lần họp hội đồng, tiếp xúc cử tri, người dân luôn phản ánh những bức xúc liên quan tới thi công đường Nguyễn Công Trứ.
“Phường biết rõ những khó khăn của người dân nhưng không thể làm gì được, quy hoạch là ở TP. Chúng tôi cũng mong con đường sớm được thi công cho dân bớt khổ”, ông Hiếu chia sẻ.
06/08/2015 10:03
Văn Đức
No comments:
Post a Comment