Thursday, August 6, 2015

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đừng đổ thừa cho báo chí!

Giữa cơn bão dư luận về thông tin “tượng đài 1.400 tỷ”, lãnh đạo tỉnh Sơn La đã lên tiếng phủ nhận.  Tuy nhiên, cách mà những người đứng đầu tỉnh này giải thích lại theo kiểu bào chữa quanh co và cuối cùng là quay ra đổ thừa cho báo chí.
Những ngày đầu tháng 8, báo chí, mạng xã hội xôn xao với thông tin “Sơn La xây tượng đài 1.400 tỷ”. Kèm theo đó là những bình luận, những phản ứng gay gắt cho rằng, trong điều kiện địa phương còn nghèo, đời sống nhân dân khó khăn thì việc xây dựng này là lãng phí và chưa cần thiết.
Nhiều người còn làm những phép tính đại loại như: 1.400 tỷ đồng sẽ xây được 7 bệnh viện cấp tỉnh, 40 trường học, 70 cây cầu treo, 700 trạm y tế cấp xã, 14.000 căn nhà tình nghĩa…
Nhiều người còn tính toán số tiền này nếu dùng ngân sách tỉnh thì mỗi hộ dân phải “gánh 7 triệu đồng”.
Nói như vậy để thấy, sự quan tâm của người dân đến vấn đề này rất lớn. Mối quan tâm này càng lớn hơn khi người được xây tượng là Bác Hồ - người mà sinh thời luôn đề cao sự giản dị, tiết kiệm, chưa từng mong muốn được xây tượng đài, khắc bia đá.
Phó Chủ tịch Sơn La Nguyễn Quốc Khánh tại buổi họp báo.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đã có phần trách cứ truyền thông, báo chí rằng thông tin không chính xác, không khách quan…Khi làn sóng phẫn nộ đang lên cao thì lãnh đạo tỉnh Sơn La đã kịp đăng đàn giải thích, bác thông tin xây tượng đài 1.400 tỷ đồng.  Phó Chủ tịch Sơn La Nguyễn Quốc Khánh cho rằng: Đây là một “cụm công trình” trong đó có cả tượng đài. Tuy nhiên, tổng giá trị vẫn là 1.400 tỷ đồng.
Lãnh đạo tỉnh Sơn La còn “mạnh dạn” phát biểu rằng: Số tiền 1.400 tỷ đồng bao gồm cả việc di chuyển, xây dựng Trung tâm hành chính tỉnh.
Tuy nhiên, khi lật lại Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La, chúng tôi không thấy có một chữ nào nói về “trung tâm hành chính”.
Nghị quyết số 127/NQ-HĐND của Hội đồng Nhân dân tỉnh Sơn La ra ngày 8/7/2015 do Chủ tịch Hoàng Văn Chất ký ghi rất rõ ràng “Thông qua đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường tại thành phố Sơn La”.
Nghị quyết “Thông qua đề án xây dựng Tượng đài Bác Hồ với đồng bào các dân tộc Tây Bắc gắn với Quảng trường tại thành phố Sơn La”.


Tổng mức đầu tư: Khoảng 1.400 tỷ đồng. Nguồn vốn ghi rõ: “Từ ngân sách nhà nước; ngân sách tỉnh và các nguồn vốn hợp pháp khác.”Phần mục tiêu và nhiệm vụ của nghị quyết này đều đề cập đến hạng mục công việc chính là xây dựng tượng Bác Hồ. Trong phần “Nội dung và quy mô đầu tư xây dựng” có ghi các hạng mục: Tượng Bác Hồ, Quảng trường, Đền thờ Bác, Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ, Bảo tàng tổng hợp, khu nhà đón tiếp và khuôn viên cây xanh…
Trong Nghị quyết này, không có một chữ nào nói về “trung tâm hành chính” như lãnh đạo tỉnh Sơn La phát biểu.
Xin nói rõ thêm một chút để bạn đọc hiểu về vai trò của Hội đồng Nhân dân hiện nay. Theo các quy định mới, Hội đồng Nhân dân có vai trò rất lớn, rất thực chất và không hề “hình thức” như trước đây. Hội đồng nhân dân hiện nay giữ vai trò là “tay hòm chìa khóa” trong việc quyết sách và chi tiêu của các địa phương.
Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân có vai trò tiên quyết, vậy nên, không có chuyện, một việc lớn như “di dời trung tâm hành chính” lại không có trong Nghị quyết của Hội đồng Nhân dân.
Nếu Hội đồng Nhân dân không ra nghị quyết thì có “thách kẹo”, chính quyền tỉnh Sơn La cũng không “dám làm”.
Vậy nên, nếu Phó chủ tịch Sơn La lý giải rằng “Nghị quyết 127 không thể hiện việc di dời hay xây dựng Trung tâm hành chính của tỉnh” thì xin chắc chắn một điều rằng cái gọi là “trung tâm hành chính tỉnh” ấy không nằm trong đề án.
Trung tâm hành chính của một tỉnh là một việc trọng đại, một khối tài sản “to đùng” chứ đâu phải chuyện con sên bò trong ruộng lúa.
Không có một chữ nào trong Nghị quyết 127 nói về việc xây "trung tâm hành chính tỉnh"

Rồi khi báo chí, cộng đồng phản ứng, thì lãnh đạo tỉnh này lại tuyên bố thêm: Có cả việc di dời trung tâm hành chính tỉnh.Việc xây tượng đài Bác Hồ là chủ trương đúng, thể hiện sự tôn kính với Người. Chủ trương này đã được Trung ương phê duyệt. Tuy nhiên, có vẻ như "nhân dịp" được phê duyệt xây tượng đài Bác, lãnh đạo tỉnh Sơn La lại muốn xây thêm quảng trường và các công trình khác cho hoành tráng.
Nghị quyết ghi rõ nguồn vốn gồm ngân sách nhà nước, ngân sách tỉnh và các nguồn vốn khác,  nhưng trong cuộc họp báo, lãnh đạo Sơn La chủ yếu nhấn mạnh đến nguồn vốn “xã hội hóa” tức là kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp.
Kêu gọi “xã hội hóa” thì cũng là tiền. Ai dám chắc là để kêu gọi được doanh nghiệp đóng góp, tỉnh sẽ không phải đổi chác bằng các ưu đãi chính sách, đổi bằng khu đất này, dự án nọ. Ai dám chắc là không có tình trạng “bóp chỗ này, nặn chỗ kia”, rút ruột công trình, bớt xén thi công để có tiền đóng góp…
Đề ra một chủ trương không đúng đắn và không hợp lòng dân, đáng ra, việc đầu tiên của lãnh đạo tỉnh Sơn La là nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại và nếu sai thì xin lỗi người dân, dừng triển khai. Việc làm thể hiện sự cầu thị chắc chắn sẽ được người dân ghi nhận hơn nhiều so với việc đi giải thích kiểu tiền hậu bất nhất và đổ thừa cho báo chí!
 H.T
Nguồn:Năng lượng Mới

No comments:

Post a Comment