Thursday, August 6, 2015

Đảng điên lên vì báo chí và mạng xã hội

Phạm Trần (Danlambao) - Đã có bằng chứng Ban Tuyên giáo của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN) thất bại trong kế hoạch kìm kẹp người làm báo và khống chế các mạng xã hội trước thềm Đại hội đàng XII dự trù vào tháng 01/2016.

Những điều này xuất hiện trong một bài viết của ông Nguyễn Thế Kỷ, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương và tại cuộc Tọa đàm quan tâm đến mặt trận đấu tranh tư tưởng chống các tin xấu của các thế lực được gọi là “thù địch” và “cơ hội chính trị” trong nước tung ra trước Đại hội đảng XII.

Dưới con mắt xoi bói của Ban Tuyên giáo và những người làm công tác tuyên truyền thì các loại tin này nhằm gây hoang mang, xuyên tạc để lũng đoạn hàng ngũ đảng, bịa đặt nói xấu lãnh đạo, gây bất mãn, nghi ngờ trong nội bộ, tạo “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên để gây bạo động chống đảng hòng chuyển Việt Nam sang hướng đi khác không còn Cộng sản.

Vì vậy trước hết báo chí phải được tổ chức lại để kiểm soát, đồng thời toàn dân phải cảnh giác chống các lại tin độc hại đang phát tán trên các mạng xã hội, bloggers và báo chí của người Việt ở nước ngoài.

Ban Tuyên giáo và Làng Báo

Bài viết của ông Nguyễn Thế Kỷ trên Tạp chí Tuyên giáo điện tử ngày 01/08/2015 mang tựa đề “Quy họach phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025 - Quan điểm, mục tiêu, biện pháp thực hiện”. Theo ông thì Đề án này do Bộ Thông tin và Truyền thông soạn thảo, bổ sung và hoàn tất sau 10 năm “chuẩn bị công phu” đã được trình ra Hội nghị Trung ương 10 từ ngày 05 đến ngày 12-01-2015. 

“Tuy nhiên”, theo ông Nguyễn Thế Kỷ thì, “việc thực hiện Đề án, từ cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí; cơ quan chủ quản báo chí đến cơ quan báo chí đang đặt ra nhiều vấn đề cần nhận thức rõ, chỉ đạo tập trung và thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.”

Lý do Phó Trưởng ban Tuyên giáo, cơ quan trách nhiệm bảo vệ tư tưởng đảng viên và dư luận quần chúng không đi ra ngòai chủ trương và đường lối của đảng đưa ra vì: “Bên cạnh những thành tích, ưu điểm đã nêu, hoạt động báo chí của ta thời gian qua cũng bộc lộ những yếu kém, khuyết điểm mà Chỉ thị 22-CT/TW của Bộ Chính trị khóa VIII, Thông báo kết luận 162-TB/TW của Bộ Chính trị khóa IX, Thông báo kết luận số 41-TB/TW của Bộ Chính trị khoá X, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI và một số văn kiện khác của Đảng, Nhà nước nêu ra chậm được khắc phục, có mặt, có lúc đáng lo ngại.”

Tại sao lại có tình trạng đảng nói một đàng, báo của nhà nước làm một nẻo trong một nước không có báo tư nhân và quyền tự do ngôn luận của người dân bị loại ra khỏi vòng pháp luật từ lâu?

Chuyện này không lạ vì từ mấy năm qua đã có nhiều báo tự động xé rào và tự lách luật để kiếm ăn bằng cách “thương mại hóa”, ra thêm ấn bản phụ để lấy quảng cáo và không còn tuyệt đối trung thành với công tác tuyên truyền để dạ dầy khỏi bị teo. Có nhiều báo đã chạy theo các tin giật gân, khai thác tối đa các vụ án mạng xã hội, đời tư nghệ sĩ để câu độc giả mà sống.

Vì vậy, ông Nguyễn Thế Kỷ đã nói huỵch toẹt ra rằng: “Một bộ phận không nhỏ người làm báo, kể cả một số cán bộ lãnh đạo cơ quan báo chí, văn học, nghệ thuật chưa quán triệt đầy đủ, sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí; trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo. Đã xuất hiện trên một vài tờ báo, tạp chí, cuốn sách những bài viết vô tình hay cố ý đi chệch định hướng chính trị: hoài nghi, phê phán hoặc phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; đòi xem xét lại hoặc xóa bỏ Điều 4 của Hiến pháp; tán thành, cổ vũ quan điểm đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập; đòi lật lại một số vấn đề lịch sử đã được kết luận; đưa thông tin không đúng, thậm chí xuyên tạc lịch sử.”

Đây là cáo buộc rất nghiêm trọng và phản ảnh một tình trạng “đòi xét lại” trong đội ngũ báo chí và giới làm văn học nghệ thuật.

Ai cũng biết khi giới cầm bút đòi đảng từ bỏ Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh để chấp nhận đa nguyên đa đảng và thực hành dân chủ đưa đất nước tiến lên là họ đã nhìn ra tình trạng lạc hậu và chậm tiến của đất nước sau 30 năm đổi mới là do giới Lãnh đạo cứ khăng khăng bám lấy thứ Chủ nghĩa Cộng sản ngoại lai đã hết thời.

Tiêu biểu hàng đầu trong số họ là Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng, người đã buộc các Ủy vên Trung ương tương lai của khoá đảng XII phải ưu tiên “tuyệt đối trung thành với chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh”.

Ông Trọng là người có bằng Tiến sĩ Chính trị học (chuyên ngành Xây dựng Đảng) mà sau 24 năm ngày Thế giới Cộng sản tan rã năm 1991 ở chính nơi nó ra đời và lớn lên là nước Nga, vẫn còn hão huyền tin vào thứ chủ nghĩa phá sản ấy thì ông có lạc hậu và chậm tiến không?

Đó chính là lý do tại sao bài viết của Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã tiết lộ: “Một số cơ quan báo chí chưa bám sát nhiệm vụ chính trị của đất nước, của ngành, địa phương, đoàn thể mình. Chưa quan tâm đúng mức đến việc nêu gương, cổ vũ nhân tố mới, điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt, tạo khí thế, niềm tin để thực hiện các quyết sách lớn của Đảng và Nhà nước. Sa đà khi phản ánh hoặc chọn in sách, báo các vụ án, mặt tiêu cực, mặt trái và non yếu của xã hội, thậm chí tiết lộ bí mật quốc gia, tạo tư liệu, chứng cứ để các thế lực thù địch khai thác, vu cáo, đả kích ta về các vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo.”

Khi viết oang oang như thế, chẳng lẽ ông Nguyễn Thế Kỷ không biết hay cố tình làm ngơ những mặt trái của xã hội, trong đó có tình trạng tham nhũng đã vô phương cứu chữa và sự chia quyền, tranh ăn của các nhóm lợi ích trong đảng và nhà nước đang phá nát cương thường và đạo lý xã hội như thế nào ư?

Các “thế lực thù địch”, nếu có, đâu cần phải đợi đến báo đài nói ra mới biết đất nước và con người Việt Nam bây giờ đang sống giở, chết dở như thế nào?

Tai mắt của các mạng báo xã hội và người dân không muốn bị che mắt cúi đầu theo đảng đang có mặt ở khắp nơi và đã nhìn thấy mọi thứ nhố nhăng đang nhảy múa tranh sống với dân. Chẳng lẽ họ cũng thuộc hàng ngũ “thế lực thù địch” hay “cơ hội chính trị” hoặc “tay sai diễn biến hòa bình” như Tuyên giáo vu cáo hay sao?

Vì vậy luận điệu hù họa báo chí đã “tiết lộ bí mật quốc gia” của ông Nguyễn Thế Kỷ chẳng qua chỉ là những chuyện “ai cũng biết cả rồi, khổ lắm nói mãi”!

Ông Nguyễn Thế Kỷ còn trách người làm báo: “Khi trình bày, thể hiện nội dung, không chú ý cân nhắc liều lượng, mức độ, thời điểm, tiêu đề bài viết, mặt lợi hại của thông tin.

Nhận thức một số khái niệm, vấn đề trong hoạt động báo chí như quyền tự do báo chí; quyền tự do ngôn luận trên báo chí; thông tin trung thực về mọi mặt của tình hình đất nước và thế giới và việc xâm phạm lợi ích của nhà nước, tập thể và công dân chưa được mọi người hiểu một cách đúng đắn rõ ràng, dẫn đến tình trạng lạm quyền, không đề cao trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Các vấn đề: “thương mại hóa” hoạt động báo chí; xây dựng các tập đoàn truyền thông; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng trong cơ quan báo chí; chính sách tài chính, thuế, tiền lương, tiền thưởng, quỹ phúc lợi, quảng cáo, kinh doanh trong hoạt động báo chí; phương pháp lãnh đạo, quản lý báo chí; kể cả việc bổ sung, sửa đổi Luật Báo chí và văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, không theo kịp bước phát triển phong phú, sôi động, có phần phức tạp của báo chí.”

Làm báo là thông tin đa chiều. Mặt phải, mặt trái và mặt “thói quen không nói thật” của cán bộ lãnh đạo cũng cần phải được viết ra để cho độc giả thẩm định, góp ý. Nhà nước CSVN đã nhiều lần nhắc nhở báo chí của đảng phải tuyên truyền cho chủ trương và đường lối của nhà nước, nhưng nhà nước này rất ít khi dám nói thật mà còn bưng bít thông tin như đã chứng minh trong quan hệ với Tàu cộng từ cuộc chiến Hoàng Sa 1974 đến chiến tranh Biên giới (từ 1979-1987) và Trường Sa năm 1988.

Những cuộc biểu tình tuần hành tự phát của dân chống Tàu cộng xâm lược ở Sài Gòn năm 1997 cho đến các cuộc xuống đường ở Hà Nội lên án Bắc Kinh bành trướng xâm chiếm biển đảo của Việt Nam ở Biển Đông từ năm 2012 có bao giờ được Ban Tuyên giáo cho phép báo đài tự do thông tin?

Thậm chí các buổi lể tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc ở Hòang Sa thời Việt Nam Cộng Hòa, mặt trận Biên giới Tàu-Việt và ở Trường Sa thời CSVN diễn ra ở tượng đài Lý Thái Tổ cạnh Hồ Gươm và Đài Tử sỹ ở Hà Nội còn bị phá hoại, phỉ báng trước con mắt của người phương Bắc thì Ban Tuyên giáo biến đâu mất mà không cổ võ cho báo đài đưa tin?

Những người như ông Nguyễn Thế Kỷ và Đinh Thế Huynh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương và ngay cả Tổng Bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng có dám đối thoại với nhân dân về hành động “giấu mặt” mà không biết xấu hổ này không?

Do đó, không ngạc nhiên khi thấy bài viết của Nguyễn Thế Kỷ tiếp tục lu loa bịa chuyện để hù họa rằng: “Các thế lực thù địch, phản động tác động, lợi dụng báo chí và một số nhà báo không vững vàng về bản lĩnh chính trị để xâm nhập, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình”, trong đó có các hoạt động dưới hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, hội thảo, nghiên cứu, liên kết về báo chí và các vấn đề khác.’”

Khi viết như thế thì ông Nguyễn Thế Kỷ có nhớ đã 11 lần Hội đồng Lý luận của đảng CSVN và ban Tuyên truyền Trung ương của Trung Quốc đã họp hàng năm để trao đổi và thảo luận về công tác tư tưởng, qủan lý và phát triển đảng, xã hội của hai nước?

Tại sao Việt Nam phải kết nối và thảo luận với Tàu cộng về tất cả mọi lĩnh vực, kể cả Quốc phòng và Ngoại giao mà có đề phòng bị “xâm nhập” qua các “hoạt động dưới hình thức đào tạo, bồi dưỡng, tham quan, hội thảo, nghiên cứu, liên kết về báo chí và các vấn đề khác’”?

Quy hoạch hay nắm đầu?

Vì những bất cập của báo chí mà Ban Tuyên giáo và Bộ Thông tin và Truyền Thông khẳng định phải thay đồi để làm tốt hơn. Nhưng tốt hơn chưa hẳn đã phục vụ người dân nhiều hơn mà chỉ cho đảng.

Bằng chứng như ông Nguyễn Thế Kỷ cho biết: “Để xây dựng và thực hiện có kết quả Đề án, trước hết, cần quán triệt quan điểm sau đây: (1) “Báo chí là tiếng nói của Đảng, Nhà nước, của tổ chức chính trị - xã hội và là diễn đàn của nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật; phải đảm bảo tính tư tưởng, tính chân thật, tính nhân dân, tính chiến đấu và tính đa dạng của các hoạt động báo chí”.

Chuyện này xưa như trái đất. Đã có bao giờ báo đài ở Việt Nam không lấy mục tiêu tuyên truyền, nhiều khi xuyên tạc sự thật theo lệnh đảng là chính?

Nhưng khi tự phô trương báo chí là “diễn đàn của nhân dân” mà lại “ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước” thì nền báo chí này chỉ đáng gọi là “tay sai”.

Vì vậy khi bài viết nhấn mạnh đến nhiệm vụ “định hướng thông tin” cho báo chí là đảng đã cướp mất quyền tự do báo chí của người làm báo, dù họ có là đảng viên hay không. Hành động lạm quyền và hạn chế này đã chứng minh trong trận tuyến báo chí tham gia chống tham nhũng. Bằng chứng cho thấy có rất ít vụ tham nhũng bị khám phá tự nguyện bởi các nhà báo. Thậm chí báo chí còn không được phép thông tin khi chưa có phép của cơ quan điều tra hay tòa án, dù nhiều cán bộ thanh tra đã “ăn chia” với kẻ tham nhũng để được nhẹ tội mà báo chí đâu có được vào cuộc điếu tra cho ra manh mối?

Do đó, khi ông Nguyễn Thế Kỷ đề ra phướng án báo chí “tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội” thì cũng chi để bôi bác cho có lệ mà thôi, bởi vì quá khứ đã chứng minh ngược lại.

Ngoài những tiêu điểm nêu trên, Đề án Quy họach còn cổ võ người làm báo cần:“Phản bác có hiệu quả những thông tin, quan điểm sai trái, phản động, thù địch, bảo vệ vững chắc trận địa tư tưởng của Đảng; tiếp tục phát huy tiềm lực và ưu điểm, khắc phục các yếu kém, khuyết điểm, nâng cao chất lượng tư tưởng, văn hóa, mở rộng đối tượng độc giả.”

Nhưng “phản động, thù địch là ai”, hay đang nằm ngay trong nội bộ đảng? Những lệnh của Tuyên giáo không cho phép báo chí nêu đích danh tầu Trung Quốc mà chỉ được phép viết “tầu lạ” hay “tầu nước ngoài” đã tấn công, đâm chìm tầu cá Việt Nam đánh bắt ở Hòang Sa-Trường Sa và ngay sát bờ biển Đà Nẵng, Vũng Tàu, Bình Định, Phú Yên là của ai, ông Nguyễn Thế Kỷ có dám nói ra không?

Vì thế nếu Đề án “Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí đến năm 2025” chỉ nhằm nắm đầu người làm báo bỏ vào rọ lôi đi theo đường lối “e sợ trước ngoại bang” Tàu cộng để “nạt người rong nhà” thì thà đừng có còn hơn để bị nhân dân chửi cho một trận.

Thông tin độc hại ở đâu?

Cùng lúc Ban Tuyên giáo bàn về Quy họach báo chí thì một cuộc tọa đàm để gọi là“Nâng cao hiệu quả phòng, chống thông tin xấu độc, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng” do Báo Quân đội nhân dân và Trung tâm Phát thanh-Truyền hình Quân đội phối hợp tổ chức, tham luận cũng đã diễn ra.

Các tham luận viên thuộc mọi thành phần Quân đội và Dân sự thuộc diện Giáo sư, Tiến sỹ và Tuyên giáo cũ và tại chức.

Phát biểu gần như giống nhau, tiêu biểu như Thiếu tướng, PGS, TS, NGND (Nhà giáo Nhân dân). Nguyễn Bá Dương, Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng: “Mưu đồ đen tối của các thế lực thù địch, phản động, bọn cơ hội chính trị là đẩy mạnh việc tung tin xấu độc, làm ô nhiễm bầu không khí chính trị ở nước ta trước, trong và sau đại hội Đảng các cấp nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng, lái nước ta đi chệch hướng xã hội chủ nghĩa. Nham hiểm, ác độc hơn, chúng sử dụng mọi thủ đoạn có thể để cố tình gây mâu thuẫn trong nội bộ ta, chia rẽ sự đoàn kết thống nhất giữa Đảng với Nhà nước, giữa Đảng, Nhà nước với Quân đội và Nhân dân, làm rối loạn môi trường chính trị để dễ bề thúc đẩy "tự diễn biến","tự chuyển hóa" trong nội bộ Đảng, Nhà nước và Nhân dân, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tiến tới xóa bỏ chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta, thủ tiêu thành quả cách mạng mà nhân dân ta bằng xương máu, mồ hôi, công sức của mình xây đắp nên; hướng lái nước ta đi theo quỹ đạo tư bản chủ nghĩa.”

Quả là ghê gớm nếu đúng như lời dọa dẫm, hù họa của ông Nguyễn Bá Dương, nhưng giải pháp mà ông Dương cống hiến cho đảng cũng chả ra gì.

Ông đề xướng: “Một trong những giải pháp quan trọng, góp phần tạo sức đề kháng trước thông tin xấu độc là chúng ta cần hết sức chủ động, tích cực ngăn chặn, đẩy lùi, bác bỏ các thông tin sai trái, độc hại do các thế lực thù địch gây ra với nhiều thể loại; đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức, nâng cao hơn nữa chất lượng giáo dục chính trị nhằm củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, văn hóa của Đảng trong quân đội, đặc biệt chăm lo công tác xây dựng bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ quân đội ta hiện nay.”

Đến phiên ông Thiếu tướng Trần Hoài Trung, Cục trưởng Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị thì tự khoe: “Với chức năng, nhiệm vụ của Cục Tuyên huấn là cơ quan tham mưu chiến lược cho Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng và Tổng cục Chính trị (TCCT) các biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo về công tác tư tưởng, văn hóa trong quân đội, chúng tôi quán triệt và thực hiện nghiêm túc phương châm lấy “xây” để “chống”, lấy “cái đẹp, dẹp cái xấu”, tham mưu xây dựng các văn bản chỉ đạo, nhằm tạo ra sân chơi lành mạnh, bổ ích góp phần ngăn chặn sự xâm nhập của các văn hóa phẩm và thông tin xấu độc xâm nhập vào đơn vị.

Cụ thể như: Tham mưu chỉ đạo các đơn vị tích cực hưởng ứng và thực hiện tốt các hoạt động xây dựng môi trường văn hóa trong các đơn vị quân đội... ban hành tiêu chuẩn “Đơn vị có môi trường văn hóa tốt”; năm 2000 ban hành dẫn số 934 (ngày 15-11-2000) về tiếp tục đẩy mạnh Cuộc vận động “Xây dựng môi trường văn hóa” trong các đơn vị quân đội gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc” và đến tháng 8-2012 TCCT đã chỉ đạo toàn quân tổ chức sơ kết 5 năm (2007-2012) “Cuộc vận động xây dựng môi trường văn hóa” gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”).

Tiến sĩ Cao Đức Thái, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quyền con người thì cho rằng: “Phương thức tung tin xấu độc của các thế lực thù địch ở trong và ngoài nước hiện nay chủ yếu là dựa vào một số loại hình báo chí, nhất là các trang thông tin điện tử (website), mạng xã hội (social network) và nhiều hãng thông tấn nước ngoài... Loại hình thông tin thường là bài viết, bình luận, phỏng vấn, đặc biệt là đăng tải các “Tuyên ngôn”, “Tuyên bố”, “Kiến nghị”, “Thư ngỏ” đến lãnh đạo các cấp (kèm theo danh sách người gửi). Nội dung của những thông tin thường là cường điệu mặt trái của xã hội, xuyên tạc đường lối chính sách, pháp luật; hạ thấp, thậm chí bôi nhọ Đảng cộng sản Việt Nam... Trong những nội dung này người ta thường xuyên tạc rằng “khái niệm phòng, chống “Diễn biến hòa bình” (DBHB) chỉ nhằm bảo vệ mô hình cũ của CNXH. Mục tiêu mà người ta mong đạt đến là xóa bỏ chế độ xã hội XHCN, xóa bỏ vai trò lãnh đạo duy nhất của Đảng đối với nhà nước; đặc biệt là xóa bỏ nhiều quy định pháp luật. Ngoài ra, người ta còn không chấp nhận nhiều quy định trong Luật báo chí, Nghị định quản lý internet...”

Nói thế rồi ông Cao Đức Thái lên tiếng dạy khôn báo chí: “Để nâng cao tính hiệu quả trong cuộc đấu tranh phòng, chống DBHB, báo chí nói chung, người cầm bút nói riêng cần “vượt qua chính mình”, nhận thức đúng mục tiêu của cách mạng, phân tích đúng bản chất của những hiện tượng thoái hóa của xã hội và luôn khẳng định đó không thuộc về mục tiêu của Đảng, bản chất của xã hội.

Báo chí không được né tránh những vấn đề mà người dân đang bức xúc. Báo chí phải như người bạn sẵn sàng “chia sẻ” với suy nghĩ, hoàn cảnh của người dân, dám đương đầu với thực tế. Tất nhiên báo chí không tô hồng, càng không được bôi đen thực tế. Báo chí không nên “câu view”, “câu like” bằng những vụ án, sự kiện vụn vặt, giật gân của “người nổi tiếng”, bằng hình ảnh “nóng” của “hot girl”… nhưng cần có cách thể hiện hấp dẫn người đọc bằng hình thức mới mẻ và nội dung sâu sắc, tránh lý luận chay. Đặc biệt, nội dung các bài viết cần kết hợp những vấn đề chính trị với xử lý những sự kiện “cập nhật” “ nóng”. Hiện nay đang nổi lên 3 vấn đề lớn được xã hội quan tâm: a) Đó là bảo vệ chủ quyền biển đảo; b)-Đó là chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức theo Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI); c) Đó là bảo vệ Cương lĩnh Đại hội XI đồng thời phát triển dân chủ, trong đó có hoàn thiện thể chế, cơ chế, nâng cao vai trò tham gia quản lý Nhà nước và xã hội của người dân, các tổ chức xã hội, các cơ quan quyền lực các cấp.”

Phát biểu điển hình tiếp theo là của PGS, TS Trương Ngọc Nam, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Ông nói: “Thông tin xấu độc là những thông tin bịa đặt, sai sự thật, bóp méo sự thật, xuyên tạc sự thật, hoặc có một phần sự thật nhưng được đưa tin với dụng ý xấu, phân tích và định hướng dư luận bằng những luận điệu phản động, sai trái. Thông tin do các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tạo nội dung và truyền bá nhằm mục tiêu chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta.”

Cuộc tọa đàm diễn ra trước thềm Đại hội đàng XII cho thấy đảng CSVN nói chung và Ban Tuyên giáo của đảng nói riêng cũng như Tổng Cục Chính trị quân đội đang lo xoắn vó lên về những tin sai, tin đúng lẫn lộn đang lan rộng ở Việt Nam trong khi các Ban, ngành đảng tổ chức đại hội địa phương và trung ương để chọn người tham dự Đại hội Trung ương.

Hiện tượng “chạy vào Trung ương” đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảnh giác đề phòng, nhưng liệu có ngăn được các phe nhóm lợi ích cài người vào thao túng Đại hội hay không?

Và liệu các “thế lực thù địch” và “diễn biến hòa bình” có xơ múi gì trong việc chọn người cho khóa đảng XII hay chỉ bị sử dụng như một chiêu bài cho các phe cánh tranh dành nhau? 

(08/015)

No comments:

Post a Comment