Thursday, August 6, 2015

Vợ Việt kiều bị bắt ở Việt Nam: Công an 'ép cung'

NHA TRANG, Việt Nam (NV) - Có dấu hiệu “ép cung” trong vụ bắt ông Bùi Văn Tánh ký giấy nhận tội “cướp ghe, vượt biển ra nước ngoài” từ 25 năm trước, theo lời kể của người nhà đương sự.


Ông Bùi Văn Tánh, Việt kiều về nước mới biết “bị truy nã 25 năm” và bị bắt. (Hình: baokhanhhoa.com.vn)

Như tin nhật báo Người Việt đã đưa, ông Bùi Văn Tánh, Việt kiều sống tại Mỹ, vừa về thăm quê hương thì bị công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ về hành vi “cướp ghe, vượt biển ra nước ngoài” từ 25 năm trước.

Chiều Thứ Tư, 5 Tháng Tám, phóng viên Người Việt đã liên lạc được với chị Phượng Đặng, là vợ của ông Tánh, hiện đang sống tại Houston, Texas, để tìm hiểu thêm một số thông tin liên quan đến sự việc này.

Theo lời chị Phượng, vào lúc 11 giờ trưa Thứ Hai, 3 Tháng Tám, chị nhận được điện thoại ông Tánh gọi cho biết “vừa mới được thả ra sau khi bị công an phường và tỉnh giữ mười mấy tiếng.”

“Chồng tôi kể hôm đó đang ngồi ở nhà ăn cơm thì công an tới mời lên phường để trình báo visa từ Mỹ về, kiểu như ở Mỹ về thì phải ra phường khai báo. Anh ấy theo họ lên phường thì họ giữ passport luôn và ép cung anh. Họ nói nếu anh không khai, không nhận tội thì không cho về. Anh nói họ làm dữ lắm. Sau mấy tiếng ở phường, anh nói anh chỉ đi vượt biên không có cướp tàu gì thì họ đưa anh lên công an tỉnh,” vợ ông Tánh thuật lại.

Cũng theo lời chị Phượng, “Khi đó họ đưa anh vô phòng và làm dữ lắm, đá bàn, hăm he muốn đánh anh. Chồng tôi kể họ ép anh phải ký nhận tội lấy tàu, nếu không ký thì nhốt anh luôn. Mà thực sự thì năm đó anh đi đông người lắm, người ta tổ chức anh đi thôi chứ đâu có lấy tàu ai đâu. Trong khi anh chỉ muốn về nhà ngay để được ở gần ông già vì ông già sắp mất, nếu bị nhốt ở đây mà ông già gần tắt thở thì làm sao chăm sóc ông được, thế nên anh sợ quá anh ký để được về.”

Chị Phượng nói, “Hiện giờ anh Tánh được về nhà rồi, nhưng công an không cho ra khỏi vùng Nha Trang, và họ giữ passport, không trả lại.”

Chị Phượng, 44 tuổi, hiện làm thợ may tại nhà, cho biết lý do ông Tánh về thăm nhà là vì “ba chồng tôi sắp mất, má thì bệnh nặng.”

“Cách đây hơn 5 năm, chồng tôi đã về thăm nhà một lần rồi, vì gia đình ba má và anh chị em anh còn ở bên đó. Lần trước về cũng ở đó, không có chuyện gì hết. Lần này thì lại bị bắt,” chị kể.

Chị cho biết gia đình ông Tánh đang tìm luật sư giúp đỡ, đồng thời cũng đã báo lên tòa Tổng Lãnh Sự Mỹ tại Sài Gòn.

“Tòa tổng lãnh sự nói nếu trong trường hợp mình không nhận tội thì cho dù công an không trả passport thì tổng lãnh sự vẫn có thể cấp passport cho về Mỹ. Nhưng vì anh Tánh đã ký tên nhận tội hình sự thì bên tổng lãnh sự không nhúng tay vô được. Nhưng nếu họ nhốt anh nữa thì tổng lãnh sự sẽ ra giúp,” chị Phượng cho biết.

Nhật báo Người Việt có gọi về cơ quan ngoại giao của Hoa Kỳ tại Việt Nam để tìm hiểu, nhưng không ai chịu cho biết thông tin cụ thể.

Ban đầu, phóng viên gọi cho tòa đại sứ ở Hà Nội thì họ nói vì sự việc xảy ra ở Nha Trang, nên trách nhiệm thuộc tòa tổng lãnh sự ở Sài Gòn.

Khi gọi đến nơi này, một nữ nhân viên nói tiếng Việt cho biết, “Chúng tôi chưa liên lạc được gia đình. Và chúng tôi không thể tiết lộ thông tin gì hơn. Đọc báo có nghe nói vụ ông Tánh bị bắt, có được gia đình báo, nhưng phía Việt Nam chưa báo gì cả.”

Khi phóng viên hỏi tên và chức vụ, nữ nhân viên này không chịu nói.

Khi được yêu cầu nói chuyện với giới chức cao hơn, nữ nhân viên này cho biết tất cả đi họp, không ai tiếp được.

Sau đó, cô này cho một số điện thoại khác. Khi gọi đến, lại có một phụ nữ khác trả lời điện thoại và cho biết không thể trả lời được và cũng không cho biết danh tánh.

Khi được yêu cầu nói chuyện với cấp trên, phụ nữ này chuyển điện thoại cho một người khác. Người này là đàn ông, nói rằng, “Em chỉ làm ở tổng đài không biết ai để chuyển vào.”

Rồi người đàn ông này cúp điện thoại.

Trả lời thêm câu hỏi của phóng viên về việc “gia đình ở Việt Nam và ông Tánh có biết gì về lệnh truy nã ông Tánh không,” chị Phượng cho rằng, “Không ai biết gì hết. Mà nghĩ cũng lạ, nếu họ có lệnh truy nã thì làm sao họ cấp visa cho anh về? Mà nếu có thì ngay từ lần đầu về đã phải bị bắt rồi chứ? Mà anh Tánh đi từ năm 1981 nhưng sao thấy nói lệnh truy nã năm 1990?”

Người vợ nói như muốn khóc, “Chồng tôi nhát lắm, trong người anh không khỏe, nên tụi nó hù là anh sợ rồi. Hồi xưa giờ có bao giờ dính dáng gì đến cảnh sát công an gì đâu, nên anh sợ lắm. Ở bên đó, bây giờ nghe nói anh nằm một chỗ thôi, không biết đến khi nào mới trở lại Mỹ được, giống như vô thời hạn. Chỉ còn biết chờ mướn luật sư xem sao.”

“Cộng đồng có thể giúp được gì cho chồng tôi trở về không? Mình ở bên này không biết bên đó họ làm gì, gia đình cũng chẳng quen biết ai để mà chỉ đường đi nước bước thế nào,” người vợ nói với giọng đầy lo âu.

Chị Phượng cũng cho biết thêm ông Tánh làm nghề sửa xe hơi, và không biết chữ nhiều “vì hồi xưa ở quê, chỉ học hết lớp 1 thôi.”

Chị Phượng cho phóng viên Người Việt số điện thoại để liên lạc với ông Tánh ở Việt Nam.

Tuy nhiên, khi phóng viên gọi đến thì được biết cha ông Tánh “đang hấp hối, gia đình lu bu quá, sẽ nói chuyện thêm sau.”
08-05- 2015 8:36:47 PM
Ngọc Lan/Người Việt
Liên lạc tác giả: ngoclan@nguoi-viet.com

No comments:

Post a Comment