(Dân trí) - Mấy hôm nay, trên các diễn đàn nổ ra cuộc tranh luận về thùng trà đá từ thiện trên đường Giải Phóng, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội bị phường tịch thu. Người nói thu là đúng, người bào thu là sai.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Phó giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Hoàng Linh cho rằng: “Không phải cứ làm từ thiện là có quyền hôm nay đặt bình nước, ngày mai để can nước, ngày kia để téc nước ra đó”. Còn những người bảo vệ thùng nước từ thiện, lại cho rằng thu như vậy là không phải đạo.
Ai cũng có cái đúng nếu xét từ góc nhìn của mình. Nhiều người cho rằng, thùng nước đá đặt bên lề đường có ảnh hưởng gì, gây hại gì mà tịch thu, trong lúc bản thân nó giúp được người đi đường. Còn phía giữ gìn trật tự, kỷ cương thì lại khác, đã dẹp lòng lề đường thì phải dẹp hết, không thể chừa một cái thùng nước, dù nó là từ thiện. Du di cho một thùng nước, sẽ dẫn đến du di cho nhiều cái thùng khác.
Câu nói “làm từ thiện cũng phải đúng pháp luật” là chuẩn xác. Bởi vì, bất luận trong trường hợp nào, pháp luật cũng phải đặt lên trên, lên trước. Chưa kể, đối với thùng nước từ thiện, có người còn đặt vấn đề không nên, xét về chuyện vệ sinh, rất dễ lây lan dịch bệnh. Việc giữ gìn trật tự đường phố, mỹ quan đô thị, tôn trọng quy định của pháp luật là cái chung, cái lớn. Cho nên, việc tịch thu thùng nước là cần thiết. Có điều, đã dọn dẹp lòng lề đường thì phải “sạch”, nếu tịch thu thùng nước mà bỏ lọt cả cái quán nước thì không công bằng.
Còn cái gậy của cảnh sát giao thông Đà Nẵng thì sao?
Nhiều ý kiến khen ngợi về sự ứng xử của cảnh sát giao thông Đà Nẵng với du khách. Lái xe các địa phương khác đến thành phố này đều được cảnh sát giao thông giúp đỡ, hướng dẫn tận tình, nếu vi phạm lỗi không cố ý, do chưa quen đường, thì chỉ bị nhắc nhở.
Nhưng cũng có ý kiến ngược lại, đã luật thì phải nghiêm, bất cứ ai vi phạm cũng phải xử như nhau. Về nguyên tắc, không ai có quyền cho rằng minh không biết luật và “mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật”.
Quan điểm trên rất đúng xét về góc nhìn pháp luật. Tuy nhiên, với điều kiện giao thông Việt Nam, cũng cần phải có sự thông cảm với lái xe. Hệ thống đường xá của nhiều thành phố ở Việt Nam rất phức tạp, đường nhỏ, chật chội, nhiều loại biển cấm, số nhà lộn ngược lộn xuôi rất khó tìm địa chỉ. Tại TPHCM, ngay cả người dân địa phương nhưng cũng gặp những trường hợp bị nhầm vì có những thay đổi biển chỉ dẫn đột xuất do công trình xây dựng hoặc nhiều lý do khác.
Chính vì giao thông như vậy cho nên lái xe rất dễ mắc phải những lỗi mà không phải do cố tình vi phạm. Đối với những lỗi đó, cảnh sát giao thông nhắc nhở, hướng dẫn là rất đúng. Việc này không chỉ đối với Đà Nẵng mà cảnh sát giao thông cả nước nên hành xử như vậy, cũng không chỉ đối với khách du lịch, mà với mọi người.
Luật cần phải nghiêm, nhưng nhắc nhở và hướng dẫn đối với những trường hợp do vô tình thì không phải là không nghiêm, mà còn có tác dụng giáo dục người dân hơn là xử phạt. Có những nơi, không ít chỗ như được tạo ra để phạt lái xe thì cũng có những nơi, cảnh sát giao thông ứng xử hợp tình, hợp lý và chú trọng giáo dục ý thức tuân thủ pháp luật hơn là xử phạt. Tất nhiên không thể du di với những vi phạm cố ý, lỗi nặng.
Luật thì phải nghiêm, nhưng luật cũng cần sự thực thi từ bộ óc và trái tim con người. Nếu không thì chỉ cần dùng “rô – bôt”, không cần cảnh sát giao thông.
Lê Chân Nhân
No comments:
Post a Comment