Gia Minh, biên tập viên RFA, Bangkok 2015-08-06
Từ trái: Bà LSQ Hoa Kỳ Rena Bitter, Mẹ Nấm, Malinowski, Phạm Bá Hải, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Ngọc Chênh, Trương Minh Đức (Sài Gòn, ngày 5/8/2015) Từ trái: Bà LSQ Hoa Kỳ Rena Bitter, Mẹ Nấm, Malinowski, Phạm Bá Hải, Huỳnh Thục Vy, Huỳnh Ngọc Chênh, Trương Minh Đức (Sài Gòn, ngày 5/8/2015) -Courtesy FVPOC
Trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Dân chủ-Nhân quyền và Lao động, ông Tom Malinowski vào hôm qua ngày 5 tháng 8 có buổi ăn tối với một số nhà hoạt động Việt Nam tại tư gia của tổng lãnh sự Mỹ tại Sài Gòn.
Gia Minh liên lạc với một số nhà hoạt động có mặt trong cuộc gặp và được họ cho biết một số điểm đáng chú ý trong phần trình bày sau.
Công đoàn độc lập: trở ngại TPP!
Ba nhà hoạt động có giấy mời và đến được buổi ăn tối với ông Tom Malinowski tại nhà của tổng lãnh sự Hoa Kỳ Rena Bitter mà chúng tôi liên lạc được trong ngày 6 tháng 8 gồm nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh, ký giả- cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Đức và cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải.
Cả ba đều chia sẻ vấn đề tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương- TPP của Việt Nam được chính những nhà hoạt động tại Việt Nam nêu ra với ông Tom Malinowski và trở ngại được chính ông này thừa nhận là việc thành lập công đoàn độc lập cho giới công nhân trong nước.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chênh cho biết lại về điểm này:
“Có nhiều điều nhưng trong đó có một điểm tôi nhớ là bảo vệ quyền lợi cho người lao động. Vấn đề công đoàn độc lập vẫn còn những trắc trở. Nhiều anh em có ý kiến TPP mang nhiều cái lợi cho chính quyền Việt Nam, cho nước Việt Nam. Thế nhưng ông trợ lý bộ trưởng nói rằng nếu có lợi cho chính quyền Việt Nam thì họ đã ký rồi. Vẫn có điều kiện này khác không lợi cho họ ví dụ vấn đề công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên chính vì điều đó mà người ta vẫn chưa ký. Đó là trở ngại.”
Ký giả, cựu tù nhân lương tâm Trương Minh Đức cho biết:
Ông trợ lý bộ trưởng nói rằng nếu có lợi cho chính quyền Việt Nam thì họ đã ký rồi. Vẫn có điều kiện này khác không lợi cho họ ví dụ vấn đề công đoàn độc lập để bảo vệ quyền lợi cho người lao động nên chính vì điều đó mà người ta vẫn chưa ký. Đó là trở ngạiNhà báo Huỳnh Ngọc Chênh
“Ông tiếp những nhà bất đồng chính kiến để trao đổi những chủ đề như xung quanh vấn đề Hiệp định TPP đối với Việt Nam hiện nay thì còn đang trong quá trình ‘dai dẳng’ chưa gọi là kết thúc, chưa gọi là dừng lại mà đang bàn thảo thêm. Những người bất đồng chính kiến cũng trao đổi qua vấn đề dân chủ, nhân quyền, trả tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm đồng thời cũng tôn trọng quyền lợi của người lao động.
Tôi là người làm truyền thông cho Lao động Việt nên tôi cũng có những trao đổi với ông Malinowski là nếu phía chính phủ Mỹ có một vè vào TPP dành cho Việt Nam thì mong rằng có tiếng nói hữu hiệu trong đàm phán TPP. Chẳng hạn hiện nay quyền lợi của công nhân Việt Nam đang bị xâm phạm; nhưng chúng tôi ở trong nước hoạt động công đoàn bị bắt bớ như Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương đến nay vẫn chưa được trả tự do.
Trong tiến trình đàm phán TPP, chúng tôi mong chính quyền Hoa Kỳ có tiếng nói với chính quyền Việt Nam cho chúng tôi thành lập công đoàn độc lập ở cơ sở và các cấp để bảo vệ cho quyền lợi của công nhân. Hiện nay quyền lợi của công nhân Việt Nam đang bị bóc lột, trong đó có giới chủ Hoa Kỳ và giới chủ các nước đang làm ăn tại Việt Nam. Điển hình như một tập đoàn chúng tôi gửi đơn để thành lập nhưng họ trả đơn lại cho chúng tôi.
Hiện nay tại Việt Nam cũng có công đoàn nhưng do Nhà nước và đảng lập ra là Liên doàn Lao động Việt Nam. Họ không bảo vệ gì cho quyền lợi của công nhân, trong khi công nhân phải đóng từ 1-2% lương cho Liên đoàn Lao động Việt Nam. Đây là điều bất hợp lý.”
Cựu tù nhân lương tâm Phạm Bá Hải cũng trình bày lại điểm này:
“Ông Tom Malinowski cũng trình bày khái quát về tiến trình TPP và một số khó khăn mà các quốc gia tham gia đàm phán gặp phải và chưa đạt được thỏa thuận. Riêng phần Việt Nam, ông cũng nói các khó khăn không phải là những điều khoản về kinh tế mà là công đoàn độc lập. Nhưng ông tin cuộc thương thảo với Việt Nam sẽ có kết quả trong thời gian tới.
Vấn đề công đoàn độc lập là một vấn đề rất lớn mà Việt Nam còn do dự là ở chỗ TPP đòi hỏi phải độc lập hoàn toàn từ các cấp, ngành trên toàn quốc. Nhưng Việt Nam vì cơ chế chính trị nên chưa đồng ý cho tổ chức các công đoàn độc lập. Hiện nay chưa có công đoàn độc lập nào cả. Việt Nam chỉ cho lập công đoàn cơ sở. Đây là khó khăn vì nếu như sau này có công đoàn độc lập cơ sở xung đột quyền lợi với Tổng công đoàn lao động Việt Nam thì xử thế nào; và một tòa có thẩm quyền độc lập ra sao để xét xử quyền lợi của các công đoàn, xí nghiệp và chủ sở hữu công ty… Ông thừa nhận chuyện này.”
Thêm vấn đề bán vũ khí sát thương cho VN thì ông ta nói vấn đề ở đây không phải bán 50%, 30%... hay bán toàn diện; nhưng do tình hình biển đảo của VN hiện nay nên Hoa Kỳ cũng bán một số vũ khí cho VN với mục đích tuần duyên, bảo vệ biển đảo; chứ không phải bán vũ khí sát thương để chống lại người dânKý giả Trương Minh Đức
Vấn đề vũ khí sát thương
Tại buổi ăn tối nói chuyện với một số nhà hoạt động tại Việt Nam, trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ- nhân quyền và lao động- Tom Malinowski cũng đề cập đến việc Hoa Kỳ nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí và bán vũ khí sát thương cho Việt Nam.
Ký giả Trương Minh Đức nhắc lại trình bày của ông Tom Malinowski trong vấn đề này:
“Thêm vấn đề bán vũ khí sát thương cho Việt Nam thì ông ta nói vấn đề ở đây không phải bán 50%, 30%... hay bán toàn diện; nhưng do tình hình biển đảo của Việt Nam hiện nay nên Hoa Kỳ cũng bán một số vũ khí cho Việt Nam với mục đích tuần duyên, bảo vệ biển đảo; chứ không phải bán vũ khí sát thương để chống lại ngừời dân.”
Tình hình nhân quyền
Dĩ nhiên đề tài nhân quyền không thể thiếu trong cuộc gặp giữa trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách dân chủ- nhân quyền- lao động với các nhà hoạt động vì quyền con người tại Việt Nam.
Theo lời ba người tham dự thì ông Tom Malinowski thừa nhận chính quyền Hà Nội có một số cải thiện trong lĩnh vực này.
Nhà báo Huỳnh Ngọc Chên cho biết:
“Ông ta cũng thông báo những tiến triển tốt đẹp trong quan hệ giữa Việt Nam với Mỹ. Rồi ông ta cũng nói về vấn đề nhân quyền trong đó nhấn mạnh về chuyện ông Obama đã bỏ nhiều thời giờ để nói về vấn đề nhân quyền với ông Nguyễn Phú Trọng.”
Tuy nhiên trong thực tế một số người muốn đến được nhà của bà tổng lãnh sự Hoa Kỳ vào chiều tối ngày 5 tháng 8 để tham dự buổi ăn tối gặp gỡ ông Tom Malinowski đã phải rời khỏi nhà một ngày trước đó để không bị ngăn chặn như trường hợp của bác sĩ Nguyễn Đan Quế hay của tiến sĩ Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam.
No comments:
Post a Comment