Tuesday, March 24, 2015

Yếu tố pháp lý qua việc chặt cây tại Hà Nội

Mặc Lâm, biên tập viên RFA, Bangkok
2015-03-24  
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội mở cửa cho các phóng viên vào chụp ảnh, quay phim nơi tập kết những cây xanh vừa bị chặt hạ trên các tuyến phố Hà Nội
Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh Hà Nội mở cửa cho các phóng viên vào chụp ảnh, quay phim nơi tập kết những cây xanh vừa bị chặt hạ trên các tuyến phố Hà Nội- Photo Kienthuc.net.vn

Vụ chặt hàng loạt cây xanh dưới sự chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội ngả sang một bước rẽ mới khi đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương xác định là UBND thành phố vi phạm Luật Thủ Đô. Mặc Lâm phỏng vấn luật sư Trần Vũ Hải để biết thêm yếu tố luật pháp trong vần đề này.

Mặc Lâm: Thưa Luật sư vừa rồi đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương cho biết trong tư cách là người tham gia thẩm tra Luật Thủ đô trước khi trình quốc hội, ông Cương cho rằng việc UBND thành phố Hà Nội cho phép chặt hạ một loạt các cây xanh hiện nay là biểu hiện vi phạm Luật Thủ đô. Luật sư là người am hiểu cặn kẽ luật này xin ông cho biết phát biểu của Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương có chính xác không?

LS. Trần Vũ Hải: Trước hết tôi nghĩ rằng đây là một phát hiện rất hay của vị đại biểu Quốc hội bởi vì ông ta là người trực tiếp tham gia vào việc thẩm tra luật đó. Thực tế thì nhiều chuyên gia và người dân nói chung cũng biết rằng là có Luật Thủ đô là một đạo luật do chính lãnh đạo thành phố Hà Nội tìm mọi cách lobby, tuy nhiên luật này cũng đã được thông qua và sau đó lãnh đạo Hà Nội đang phải tuân theo luật này để làm cho Hà Nội tốt hơn theo như chính họ nói.

Luật Thủ đô nói về những điều cấm trong vấn đề bảo vệ môi trường. Điều 14 quản lý và bảo vệ môi trường có nói rằng trên địa bàn thủ đô, thậm chí là cả ngoại thành nghiêm cấm san lấp, lấn chiếm gây ô nhiễm trong sông, suối, hồ, công viên, vườn hoa công cộng. Chặt phá rừng, cây xanh, xả chất thải chưa qua xử lý ra môi trường, công viên vườn hoa sai mục đích chức năng. Việc cải tạo sông hồ bị ô nhiễm phải theo quy định của kiến trúc cảnh quan môi trường của thủ đô. Như vậy nguyên cái điều khoản này là một điều khoản khá nghiêm khắc.

"Thực tế thì nhiều chuyên gia và người dân nói chung cũng biết rằng là có Luật Thủ đô là một đạo luật do chính lãnh đạo TP Hà Nội tìm mọi cách lobby, tuy nhiên luật này cũng đã được thông qua và sau đó lãnh đạo Hà Nội đang phải tuân theo luật này để làm cho Hà Nội tốt hơn theo như chính họ nói"-LS.Trần Vũ Hải

Liên quan điều này còn có điều 14, khoản 1 của nghị định 64 ban hành năm 2010 về quản lý cây xanh đô thị thì chính phủ cho phép ba trường hợp. Trường hợp thứ nhất là cây ngã hay đổ rồi có khả năng gây nguy hiểm. Thứ hai là cây già, bị mục rỗng …Thứ ba trong trường hợp có dự án xây dựng. Nhưng ngay trong trường hợp thứ ba thì cũng ghi rằng cũng không được chặt. Nếu có nhu cầu xây dựng thì phải bốc toàn bộ cây ấy lên, chuyển ra một khu vực khác. Để làm việc này thì theo quy định của Luật Thủ đô chính phủ và UBND thành phố phải đệ trình cùng với bộ Xây dựng…lên chính phủ để ra một đề nghị riêng về vấn đề này. Cho đến nay đã hai năm rồi mà Hà Nội vẫn chưa đệ trình việc này đặc biệt trong các khu bảo tồn là Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Ba Đình mà trong đó có đường Nguyễn Chí Thanh.

Chúng tôi muốn nói là ông Nguyễn Sỹ Cương đã phát hiện ra một điều rất quan trọng để xem xét hành vi của lãnh đạo Hà Nội

Mặc Lâm: Vâng, thưa luật sư theo hiện trường mà dân chúng Hà Nội đang rất bức xúc thì những cây bị chặt rất to lớn ba bốn người ôm và hoàn toàn khỏe mạnh. Có những cây rất quý rất thẳng. Trong trường hợp này có phải những người ra lệnh hạ cây có thể vi phạm luật phá hoại môi trường cũng như phá hoại tài sản quốc gia hay không?

LS. Trần Vũ Hải: Về vấn đề này tôi nghĩ cần phải nghiên cứu thêm. Thực tế không phải các cây đều to khỏe mà cũng có những cây đáng bị chặt tức là nó cũng thuộc loại mục rỗng…nhưng mà con số này cần phải thống kê lại, thẩm định lại và cần minh bạch. Theo như quan sát của tôi thì đường Nguyễn Trãi và Nguyễn Chí Thanh phần lớn là cây theo diện được phép chặt. Nếu giả sử được phép thì chỉ là điều chuyển ra chỗ khác cho người ta bứng ra và tìm chỗ khác, mà hiện nay thì Hà Nội có rất nhiều nơi cần trồng. Nếu các anh chặt phá như vậy thì rõ ràng phải cần truy cứu trách nhiệm lãnh đạo thành phố Hà Nội về vấn đề này.

Tôi đang làm một vụ án ở Biên Hòa có 8 người bị truy tố, bắt giam mà hiện nay họ đang kêu oan. Chỉ có 10 cái cây thôi mà 10 cây này giá trị không lớn ở trong khu vực thành phố Biên Hòa. 10 cây này trị giá chưa đến 10 triệu đồng và là những cây mà vòng đời chỉ có 5-6 năm thôi. Sau khi qua vòng đời đấy rồi thì họ có đơn xin chặt nhưng không ai cho chặt thì họ chặt và bị bắt giam khởi tố và hiện nay đang kêu oan.

"Việc này nếu như ông (Phó chủ tịch UBND thành phố HN) nói là không có lợi ích cá nhân, không có gì cả nhất là đối với ông thì ông cũng thanh thản và nhận trách nhiệm về mình và từ chức. Nếu không hiện nay người ta đang truy thêm các trách nhiệm khác rất nhiều"-LS.Trần Vũ Hải

Tôi cho rằng việc này của họ chỉ nên xử hành chính thôi nhưng tòa Biên Hòa hiện nay vẫn xử 56 tháng cho 8 người này. Giả sử họ có tội thật mà áp một cái vụ như vậy so với thành phố Hà Nội thì chúng ta thấy nghiêm trọng hơn nhiều. Đây không phải 10 cây mà hàng nghìn cây trong đó có hàng trăm cây đã chặt rồi. Những cây này rất lớn về mặt kinh tế cũng như về mặt môi trường, về mặt văn hóa. Nếu ta nhìn vào đó thì hành vi của các vị lãnh đạo cho phép chặt như vậy là rất nguy hiểm.

Mặc Lâm: Theo báo chí phát hiện thì do chính Phó chủ tịch UBND thành phố Hà Nội là ông Nguyễn Quốc Hùng là người trực tiếp ký văn bản cho phép chặt cây và khi ông có cuộc họp báo với báo chí thì nửa chừng đã bỏ ra về. Qua hành động này theo luật sư lãnh đạo Hà Nội có điều gì cần phải bàn?

LS. Trần Vũ Hải: Tôi nghĩ rằng ông Hùng cũng lúng túng khi mà gần sắp trưa thì Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo ra quyết định ngưng. Vì chưa chuẩn bị phương án này cho nên vào cuộc họp báo lúng túng và bị người ta dồn ép ông khá nhiều đều liên quan đến trách nhiệm trực tiếp của ông. Tôi nghĩ rằng cũng nên thông cảm cho ông khi không trả lời được các câu hỏi này. Nhưng về trách nhiệm thì ông phải chịu trách nhiệm vì không nghiên cứu kỹ các luật.

Ông là người ký tá những văn bản và là người phụ trách trực tiếp khi có dư luận ồn ào lên về vấn đề này mà thực ra ông hoàn toàn có thể nhìn thấy được trách nhiệm trực tiếp của mình thì ông phải là người thay đổi. Tôi nghĩ trách nhiệm của ông rất lớn vá chính vì thế cá nhân tôi cũng đã yêu cầu rằng ông phải từ chức để làm gương cho các quan chức khác.

Cái việc này nếu như ông nói là không có lợi ích cá nhân, không có gì cả nhất là đối với ông thì ông cũng thanh thản và nhận trách nhiệm về mình và từ chức. Nếu không hiện nay người ta đang truy thêm các trách nhiệm khác rất nhiều. Vấn đề về cây trồng có đúng như là tuyên truyền hay không? Các cây bị đốn rồi bây giờ đi đâu? Vần đề đốn cây như thế có tiến hành đấu thầu không? Rất phức tạp và không thể nào không truy cứu trách nhiệm của ông.

Tôi nghĩ rằng một người khôn ngoan và dám nhận trách nhiệm hãy thực hiện việc này nhất là khi mình không phải là người có lợi ích, không phải là người tư túi như ông đã tuyên bố.

Mặc Lâm: Xin cám ơn LS Trần Vũ Hải
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/jurid-factr-in-cut-tree-03242015053750.html/03242015-jurid-factr-in-cut-tree.mp3

No comments:

Post a Comment