Tuesday, March 24, 2015

Kon Tum sẽ triệt hạ 22 nhà nguyện của người thiểu số

KON TUM (NV) - Ðó là thông tin do trang web Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam loan báo, dựa trên một văn bản được đóng dấu “Mật” do chủ tịch huyện Ðắk Tô ký ngày 30 tháng 1 vừa qua.

Theo văn bản vừa kể, năm nay, chính quyền huyện Ðăk Tô, tỉnh Kon Tum, sẽ triệt hạ 22 nhà nguyện của người thiểu số, nằm rải rác trên bảy thị trấn và xã trong huyện. Xã Ðăk Trăm là nơi đứng đầu trong kế hoạch vì có đến bảy nhà nguyện bị triệt hạ.


Bởi phải xin phép và chính quyền thường không đồng ý, nơi thờ tự của người thiểu số ở Tây Nguyên chỉ ở mức như trong ảnh và có thể bị buộc phá bỏ bất kỳ lúc này. (Hình: chuacuuthe.com)

Kế đến là hai xã: Văn Lem, Pô Kô - mỗi nơi có bốn nhà nguyện bị triệt hạ. Thị trấn Ðăk Tô và xã Ðăk Rơ Nga - mỗi nơi có hai nhà nguyện bị triệt hạ. Thị trấn Tân Cảnh và các xã Diên Bình, Ngọc Tụ - mỗi nơi có một nhà nguyện bị triệt hạ.

Chính quyền huyện Ðắk Tô dự trù thực hiện kế hoạch triệt hạ 22 nhà nguyện theo ba bước: (1) “Vận động” các gia đình “cam kết” không sử dụng tư gia để sinh hoạt tôn giáo. (2) Theo dõi - lập biên bản, phạt hành chánh, buộc tháo dỡ hoặc đập bỏ phần nhà sử dụng vào việc thờ phượng. (3) Khuyến dụ các gia đình tự phá bỏ “nhà nguyện” bằng cách cho hợp thức hóa chủ quyền nhà, đất. Ngược lại sẽ không thể thực hiện bất kỳ thủ tục hành chính nào về nhà, đất.

Chính quyền huyện Ðắk Tô còn chỉ đạo thuộc cấp phải “tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo, không để xảy ra tình trạng các gia đình xây dựng công trình riêng biệt nằm bên cạnh tư gia hoặc tự ý cơi nơi chỗ ở để sinh hoạt tôn giáo.”

Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam nhận định, kế hoạch của chính quyền huyện Ðắk Tô vi phạm nhiều qui định hiện hành như: Xâm phạm quyền của chủ nhà, vi phạm “Pháp lệnh Tín ngưỡng-Tôn giáo” (người có tín ngưỡng, tín đồ được tự do bày tỏ đức tin, thực hành các nghi thức thờ cúng, cầu nguyện và tham gia các hình thức sinh hoạt, phục vụ lễ hội, lễ nghi tôn giáo và học tập giáo lý tôn giáo mà mình tin theo)...

Theo Dòng Chúa Cứu Thế Việt Nam, 22 nhà nguyện mà chính quyền huyện Ðắk Tô dự định triệt hạ là của giáo phận Kon Tum - một trong những giáo phận lâu đời nhất của Công Giáo Việt Nam ở khu vực Tây Nguyên.

Nhiều người trong các sắc dân thiểu số như: Xơđăng, Bahnar, Giẻ, Triêng, Jarai,... đã trở thành tín đồ Công Giáo từ thế kỷ 19. Ðến nay, giáo phận Kon Tum có khoảng 250,000 giáo dân.

Cũng cần nhắc lại là hồi thượng tuần tháng này, khi Hội Ðồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc họp lần thứ 28, ông Heiner Bielefeldt đã có một báo cáo khẳng định, chính quyền Việt Nam vẫn xâm hại tự do tôn giáo.

Ông Heiner Bielefeldt là giáo sư về nhân quyền tại Ðại Học Erlangen-Nurnberg ở Ðức. Ông được Liên Hiệp Quốc chọn làm đặc phái viên và cử đến Việt Nam để tìm hiểu về tự do tôn giáo tại Việt Nam. Chuyến công tác của ông Bielefeldt diễn ra trong mười ngày, từ 21 tháng 7 đến 31 tháng 7 năm ngoái.

Báo cáo của ông Bielefeldt gửi Hội Ðồng Nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc nhận định, tuy các tôn giáo tại Việt Nam có khả năng thể hiện sự tự trị của họ, song các quyền tự do tôn giáo bị xâm hại một cách không thể phủ nhận được do các biện pháp độc đoán, các đe dọa và một áp lực thường trực.

Hồi cuối tháng 7 năm ngoái, trước khi rời khỏi Việt Nam, ông Bielefeldt từng tổ chức một cuộc họp báo. Tại cuộc họp báo đó, ông tuyên bố, Việt Nam vẫn đang vi phạm nghiêm trọng quyền tự do tôn giáo và ông là một trong những nhân chứng về việc sự hăm dọa, sách nhiễu, theo dõi các cuộc trò chuyện riêng tư.

Căn cứ vào các tài liệu, nội dung những cuộc phỏng vấn một số nhân vật hoạt động bảo vệ nhân quyền và thành viên nhiều cộng đồng tôn giáo khác nhau tại Việt Nam, cùng với kết quả quan sát cá nhân, ông Bielefeldt cho rằng, chính quyền Việt Nam có thái độ tiêu cực và tùy tiện đối với quyền của các nhóm thiểu số và những cá nhân thực hành tôn giáo ngoài các kênh chính thức đã được thiết lập.

Vi phạm tự do tôn giáo ở Việt Nam thể hiện qua việc thường xuyên viện dẫn một cách thiếu cụ thể về “lợi ích của đa số” hoặc lợi ích của “trật tự xã hội.” Bên cạnh đó, Việt Nam đặt ra các hạn chế quá rộng về nhân quyền nói chung và quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nói riêng.

Ông Bielefeldt nhận định, “Việt Nam đã phê chuẩn hầu hết các công ước về nhân quyền, trong đó có Công ước về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR), bảo vệ tự do tư tưởng, lương tâm, tôn giáo hay tín ngưỡng. Dù các tiêu chuẩn quốc tế, chấp nhận một số hạn chế trong việc thực hành quyền tự do tôn giáo hay tín ngưỡng nhưng việc hạn chế phải tuân thủ một số tiêu chuẩn để được xem là chính đáng.”
03-24-2015 4:47:02 PM

“Tại Việt Nam, các hạn chế rộng hơn nhiều so với các tiêu chuẩn về hạn chế quy định trong ICCPR. Ðiều đó bôi mờ ranh giới của tự do tôn giáo hay tín ngưỡng, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực thi quyền này trong thực tế, trong khi lẽ ra phải bảo vệ vô điều kiện đối với tâm linh cá nhân. Cộng đồng quốc tế cấm xâm phạm tâm linh cá nhân như cấm nô lệ hay cấm tra tấn, không chấp nhận bất kỳ ngoại lệ nào.” (G.Ð)

No comments:

Post a Comment