Tuesday, March 24, 2015

"Hãy giữ cho ba mẹ ba ngày giỗ lớn!"

Thành Tôn
Theo RFA-2015-03-23  
071_800-2136.jpg
Áo dài Huế- AFP photo

Nàng Tôn nữ xứ Huế có dáng vẻ quý phái sang trọng, khuôn mặt đẹp kín đáo buồn buồn phảng phất nét đài các kiêu sa ấy sang định cư, sinh sống ở Canada đã mấy chục năm rồi, nhưng vẫn chuyên cần đi chùa, và thờ cúng ông bà rất nghiêm chỉnh. Hàng năm cô vẫn còn giữ được ba mùa cúng giỗ lớn mà cô cho là thiêng liêng nhất, cả gia đình không ai được quên. Và trước khi nhắm mắt, cô cũng nhiều lần yêu cầu, ghi di chúc lại bắt con cháu trong nhà phải theo cô mà thực hiện, lúc còn sống cô cũng thường dặn dò giảng giải...

Có hai lễ cúng giỗ lớn mà nhiều người Huế cho đến nay vẫn còn lưu giữ và thường xuyên thực hiện hàng năm, được lưu truyền qua nhiều đời người Huế, ít nhiều ai cũng biết đó là Lễ cúng giỗ cô hồn và Lễ cúng giỗ Tết Mậu Thân.

Cúng Cô hồn ở Huế bắt đầu vào 23 tháng 5 Âm lịch, kéo dài đến 30/5 nhằm tưởng niệm, cúng bái cầu nguyện chung cho linh hồn các Chiến sĩ trận vong và dân thường đã chết trong ngày kinh đô thất thủ; khi vua Hàm Nghi và Tôn Thất Thuyết, Nguyễn Văn Tường … mưu sự chống Pháp bất thành, giặc Pháp phản công vào Thành Nội Huế gặp người Việt nào là giết người đó; trong thành nội lúc đó còn có rất nhiều con cháu hoàng tộc cũng bị chết oan, và trong số đó có nhiều người là tổ tiên thân thuộc dòng họ của gia đình cô Tôn nữ… Và đó cũng chính là lý do vì sao mà sang đến Tây rồi, nhưng cô Tôn nữ hàng năm vẫn thường xuyên duy trì cúng kiếng!

Cúng giỗ Mậu Thân, cũng trùng hợp cho ngày Cố Đô thất thủ, thì được bắt đầu từ mồng 3 tết và dân Huế thường nhang khói kéo dài hàng tháng sau Tết Âm lịch hàng năm, kéo dài để cầu nguyện riêng cho từng người thân đã chết được siêu độ, và cũng để cầu nguyện chung, để tưởng nhớ chung cho một "giải khăn sô cho Huế". Dân Huế tùy nhà, cúng lễ ngoài hương hoa trái cây bánh mứt còn có các phẩm vật chay, mặn…

Những ngày đó, gần chục ngàn người dân Huế đã bị Việt cộng bắt đi và sát hại sau khi chúng bị đánh bật ra khỏi Huế. Việt cộng nhẫn tâm giết hại họ như một cách trả thù, trả thù bị quân đội VNCH dù bất ngờ bị VC vi phạm thỏa ước đình chiến vẫn anh dũng chiến đấu đánh bại Việt cộng và tái chiếm lại Huế, trả thù vì dân Huế đã không theo Việt cộng, không đồng khởi vùng lên hưởng ứng lời kêu gọi của Việt cộng trong thời gian chúng chiếm đóng Huế. Và Việt cộng giết chết họ cũng là để rút chạy cho nhanh, để bảo tồn bí mật thương vong, cơ sở; đồng thời cũng là để khủng bố, đe dọa người dân Huế không được làm việc, hợp tác với chính phủ VNCH trong tương lai…

Hàng chục ngàn người Huế là quân dân cán chính VNCH bị Việt cộng bắt đi rồi giết chết này, trong đó có rất nhiều người chỉ là dân thường, là thầy giáo, y bác sĩ… vô tội sau đó đã bị Việt cộng thủ tiêu; giết tập thể bằng các hình thức vô cùng dã man như chôn sống, đập bể đầu, trói chùm lại rồi thả trôi sông trôi suối… phi tang mất xác! Và dân Huế, ít có nhà nào thoát được, nhà nào cũng có người thân hoặc bà con gần, xa chết oan ; có nhà còn có vài người thân cùng thương vong trong cái lễ tết đáng nguyền rủa nầy. Cô Tôn nữ cũng vậy, cha và anh ruột cô đều bị Việt cộng bắt đi rồi giết chết, cha cô là một giáo sư, sau này tìm được xác bị chôn sống chung với nhiều người khác gần Lăng Tự Đức; còn anh cô là phi công, bị thủ tiêu mất tăm mất tích, chết không tìm được xác!

Cũng bởi vậy mà cho đến mãi tận sau này, ngày Tết năm nào nhà cô Tôn nữ cũng không chỉ sắm hoa chơi Tết cho người sống, hoa kiểng chưng tết cho đẹp nhà mà còn mua đầy hoa cúng dành cho cha cô và anh cô, những người đã bị Việt cộng giết chết trong Tết Mậu Thân, và gần như suốt tháng Giêng, nhà cô lúc nào cũng đều có hương khói, tưởng niệm, cúng vái… họ!

Còn chuyện ngày 30 tháng 4, với nhiều người VN thì đó cũng là ngày mất nước chung, nhưng với đa số Việt kiều thì 30 tháng 4 còn là tưởng niệm tháng 4 đen, tưởng niệm đến những người thân và quân dân cán chính đã hy sinh trong giờ thứ 25 của cuộc chiến và cả sau đó, trên đường vượt thoát tìm tự do… Nhưng riêng với gia đình cô Tôn nữ, thì đó còn chính là một ngày cúng giỗ thật sự, là một phần cuộc đời của cô. Mà cô đã kể lại, ghi lại trong những trang nhật ký nhạt nhòa vì nước mắt và sau nầy, phần nào trong di chúc như dặn dò gởi gắm và cũng để giải thích vì sao cô lại chọn ngày 30 tháng 4 làm ngày cúng giỗ …

Huế thời cô Tôn nữ sống, trước 75, không còn có Vua nhưng vẫn là kinh đô đạo đức phong kiến kiêu kỳ, đôi khi tàn nhẫn và cay nghiệt. Những ngày đó, cô là cô gái Huế mới lớn thùy mỵ nết na đẹp kiêu sa nổi tiếng một thời của trường Đồng Khánh. Năm 74, đang học Văn khoa, cô yêu chàng trai hàng xóm cũng đang học năm cuối đại học. Hai bà mẹ nhà kế nhau vốn đã kèn cựa sắc tài của nhau từ hồi son trẻ, thêm nữa một gia đình gốc gác Hoàng tộc có truyền thống chống cộng còn một gia đình thuộc thành phần thứ ba phản chiến, không “môn đăng hộ đối" nên hai người mẹ cùng hết sức "hợp tác, đoàn kết" phá không cho cái đám cưới của đôi trẻ được hình thành.

Dân Huế nổi tiếng nặng hiếu mà cũng nặng tình, vừa đa tình lại vừa liều mạng, dám chết vì tình nên… không biết họ tính toán sắp xếp thế nào mà sau đó chàng trai bỏ nhà, bỏ trường đăng lính. Còn cô Tôn nữ cũng bỏ xứ vào Nam, mang theo một mầm sống mới.

Một năm sau, gần vào giờ thứ 25 của cuộc chiến, trong sắc áo Thủy quân lục chiến bảo vệ đèo Hải Vân cho dân quân Huế rút chạy về Nam, chàng sinh viên trẻ ngày nào dính nguyên trái B40 bị thương nặng, bay mất đôi chân, đồng đội tải thương cố đưa được về Huế nhưng không còn cứu được, một thời gian sau, đúng ngay ngày 30 tháng 4 thì chàng mất... Và gần như cùng lúc đó, rạng sáng 30 tháng 4-75, ở Saigon cô Tôn nữ cũng lên một trong những chiếc máy bay trực thăng cuối cùng, bay ra biển, ôm theo đứa con trai còn đỏ hỏn!

Gần bốn mươi năm sau. Theo di chúc của cô Tôn nữ, một người đàn ông trí thức rất đẹp trai, phong độ  khuôn mặt đậm nét u buồn, nói tiếng Việt không rành lắm tìm về đến Huế. Mang theo gia tài và tờ di chúc của mẹ. Cái gia tài quá lớn cho tờ di chúc nhỏ. Di chúc căn dặn chàng trai giúp sửa sang, xây lại nhà ở, nhà thờ họ cho cả hai gia đình, xây mồ mả cho những người đã khuất. Rải tro tàn thân xác của một người lên mộ của một người. Còn lại cúng dường vào một ngôi chùa mà hồi xưa cô Tôn nữ đã từng vào đây quy y niệm Phật, rồi sau đó vào nguyện cầu, thề nguyền cùng với chàng trai trẻ... Và sau hết, dặn lấy ngày 30 tháng 4 hàng năm, nhờ nhà chùa làm ngày cúng giỗ, cầu nguyện chung cho vong linh của cô và chàng trai trẻ!

Câu chuyện trải dài theo lịch sử đau đớn của người dân xứ Huế nói chung, và nói riêng về một cuộc tình của cô Tôn nữ với 40 năm dài đằng đẵng tuyệt tích nuôi con, câm lặng chẳng sẻ chia được cùng ai trên xứ người đầy bi thương. Và khao khát cuối cùng, ước nguyện cuối đời của một con người, của cô Tôn nữ tuyệt vời một thời của xứ Huế ngày xưa, theo di chúc, gần đây đã được cậu bé đỏ hỏn mà cô đã bế lên máy bay trong ngày 30 tháng 4 năm nào, quay về VN thực hiện. Anh đã rải chút nhúm tro tàn thân xác của cô gái đẹp bạc phận ngày nào - mẹ anh, lên nấm mồ của người cha mà anh chưa bao giờ biết mặt. Người mà cách đây hơn 40 năm, là chàng sinh viên trẻ, đã quăng bỏ bút nghiêng để trở thành người lính trẻ đầy bất hạnh…

Đã 40 năm qua rồi, và bây giờ thì mọi sự bất hạnh đau thương nhất đối với cô Tôn nữ và chàng trai trẻ ngày nào cũng đều đã được gió cuốn đi, nhưng đối với con cháu họ thì vẫn còn đó những hoài niệm và nước mắt, vẫn còn mãi những ngậm ngùi thương cảm mỗi khi nhớ đến họ, nhất là trong những ngày 30 tháng 4 mà nhà họ luôn khói hương nghi ngút…

No comments:

Post a Comment