Tuesday, March 24, 2015

Chủ nghĩa tư bản thân hữu: Trường hợp Sun Group và Tân Hiệp Phát

Kính Hòa, phóng viên RFA
Biểu tượng khu nghĩ dưỡng trên núi Bà Nà do tập đoàn Sun Group xây dựng.
Biểu tượng khu nghĩ dưỡng trên núi Bà Nà do tập đoàn Sun Group xây dựng. RFA

Từ khi Việt nam bắt đầu chấp nhận kinh tế thị trường, một tầng lớp làm ăn kinh doanh giàu có đã xuất hiện. Tuy nhiên trong sự độc quyền chính trị của đảng cộng sản, sự lo ngại về sự câu kết giữa những người mới giàu lên và giới cầm quyền càng tăng. Trường hợp tập đoàn Sun Group tại Đà Nẵng và công ty Tân Hiệp Phát tại Bình Dương cùng những vụ liên quan là năm trong sự lo ngại này.

Đầu tháng ba năm 2015, câu chuyện tập đoàn Sun Group chắn đường không cho người dân Quảng Nam Đà nẵng lên đỉnh núi Bà Nà bùng nổ. Các báo lớn tại Việt nam đều theo dõi sự kiện này.

Doanh nhân và chính quyền có câu kết không?

Theo ghi nhận của báo Tuổi trẻ thì con đường bộ dẫn lên đỉnh Bà Nà bị công ty tập đoàn Sun Group chận lại, và nếu muốn lên đó thì phải đi bằng cáp treo với giá từ 350 ngàn đến 500 ngàn đồng. Trong bài báo mang tựa đề “Vụ Bà Nà: An toàn cho khách hay lợi ích cho nhà đầu tư,” người đứng đầu tập đoàn Sun Group nói rằng họ không cấm mà chỉ lo ngại về sự an toàn cho khách lên đỉnh Bà nà.

Cũng trong bài báo này, các nhân viên kiểm lâm có trách nhiệm ở khu vực rừng bảo tồn trên núi Bà nà cũng phải xin phép Sun Group khi vào làm việc trong rừng. Và người có trách nhiệm về tài nguyên môi trường của thành phố Đà Nẵng xác nhận rằng thành phố này đã giao toàn bộ khu du lịch Bà nà cho Sun Group độc quyền khai thác, trong đó có con đường bộ lên đỉnh núi.

Sau đó thông tin từ báo giới đưa ra là con đường này đã được thành phố Đà Nẵng bỏ một số tiền để duy tu là 400 tỷ đồng.

"Tôi không bao giờ ủng hộ cái tư tưởng công sản, ăn chung , dùng chung, vì nó sẽ dẫn đến đói nghèo lạc hậu như là tư tưởng cộng sản thử nghiệm khắp nơi và để lại di họa khắp nơi. Cho nên là phải có chủ sở hữu, phải có người giao dịch và quản trị bằng giá cả thị trường"-kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh

Nói về độc quyền khai thác và cấm đường của Sun Group, kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, một nhà hoạt động dân sự trẻ ở thành phố Đà nẵng nói với chúng tôi quan điểm của anh về câu chuyện Bà nà:

“Tôi không bao giờ ủng hộ cái tư tưởng công sản, ăn chung , dùng chung, vì nó sẽ dẫn đến đói nghèo lạc hậu như là tư tưởng cộng sản thử nghiệm khắp nơi và để lại di họa khắp nơi. Cho nên là phải có chủ sở hữu, phải có người giao dịch và quản trị bằng giá cả thị trường. Nhưng mà nó sẽ rất khắc nghiệt, rất không công bằng, nếu mà tài sản của Sun Group là những tòa nhà ở trên đó nhưng xung quanh đó là đất công thì phải cho người ta đi lên. Còn hai là nếu anh đủ sức độc quyền cáp treo thì anh phải đấu giá thị trường sòng phẳng để anh mua nó với một cái giá xứng đáng.

Nó không rõ ràng giữa công và tư.”

Đến hôm nay vẫn không có thông tin gì về một cuộc đấu thầu như kỹ sư Thạnh mong muốn.


Con ruồi Tân Hiệp Phát (ảnh minh họa)

Một cách hành xử khác của một công ty tư nhân khác diễn ra trước đó bị báo chí cũng như dân chúng chỉ trích là tranh cãi giữa người dân và công ty Tân Hiệp Phát về chuyện có ruồi bên trong các chai nước uống. Vụ Tân Hiệp Phát này được cơ quan công quyền can thiệp bằng cách bắt giam một người muốn thương lượng với Tân Hiệp Phát để đòi bồi thường.

Quan hệ giữa các công ty tư nhân lớn và các giới chức cầm quyền được nhiều nhà quan sát cho là đang tăng lên.

Cựu sinh viên Học viện hành chánh quốc gia Nguyễn Anh Tuấn, cũng là một công dân Đà Nẵng nhận xét:

“Mọi người sẽ thấy có sự đồng nhất rất đặc biệt giữa những công ty, tập đoàn tư nhân này với nhà nước. Tôi lấy ví dụ như là Tân Hiệp Phát bị cuộc khủng hoảng truyền thông, thì ngay lập tức họ lại vu chuyện này cho thế lực thù địch. Thì mình thấy là cách diễn giải suy diễn rất giống chính quyền.”

Người ta cũng ghi nhận là Tân Hiệp Phát có một trang mạng chỉ trích những người tiến hành tẩy chai sản phẩm của họ, có khi gọi những người này là phản động, từ vốn thường được cơ quan công quyền tại Việt nam để chỉ những người có quan điểm chính trị khác với đảng cầm quyền.

Nói về nguy cơ có một sự câu kết giữa tầng lớp nhà giàu và những người cầm quyền, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, là một trong những người sáng lập viện nghiên cứu và phát triển IDS tại Hà nội, nay đã đóng cửa nói rằng:

"Đó là vấn đề hết sức nhức nhối và đã được rất nhiều người cảnh báo. Ở trong những chế độ độc tài như thế này thì giới nhà giàu, giới doanh nhân mới nổi lên, thì khả năng câu kết với chính quyền rất là rõ ràng."-Tiến sĩ Nguyễn Quang A

“Đó là vấn đề hết sức nhức nhối và đã được rất nhiều người cảnh báo. Ở trong những chế độ độc tài như thế này thì giới nhà giàu, giới doanh nhân mới nổi lên, thì khả năng câu kết với chính quyền rất là rõ ràng. Ở Việt nam có thể nêu ra tràng giang đại hải những vụ câu kết giữa giới doanh nhân và chính quyền để phục vụ lợi ích cho chính họ tức là của cả hai bên. Rất đáng tiếc cái hiện tượng đó ở Việt nam đã xảy ra, đang xảy ra và ngày càng nghiêm trọng hơn.”

Ông cũng đặt nghi vấn là việc trì hoãn các luật về biểu tình và lập hội có khả năng bị ảnh hưởng bởi giới doanh nghiệp tư nhân có thế lực.

Việc câu kết giữa giới giàu có và nhà cầm quyền lại đe dọa xã hội nặng nề hơn khi chỉ có duy nhất một đảng cầm quyền vì không có ai có thể kiểm soát các hành động của họ. Tiến sĩ Nguyễn Quang A cho rằng để chận đứng tình trạng câu kết đó chỉ có cách là phát triển tự do ngôn luận và phải có một sự cạnh tranh chính trị giữa những đảng phái khác nhau.

Hiện tại ở Việt nam đảng cộng sản vẫn nắm toàn bộ các cơ quan truyền thông, tuy vậy sự xuất hiện của mạng xã hội làm cho công luận chú ý nhiều hơn đến những vụ việc mà giới cầm quyền và doanh nghiệp tư nhân câu kết với nhau. Anh Nguyễn Anh Tuấn theo dõi vụ Bà Nà nói về vai trò của truyền thông xã hội trong vụ này:

“Đầu tiên là một status của anh Hồ Trung Tú (người từng là nhà báo tại Đà Nẵng), rồi sau đó nó nổ ra những cuộc bàn luận, về vai trò của các bên, sự đúng sai của các bên. Rồi sau đó các cơ quan báo chí nhà nước người ta cũng bắt đầu tìm hiểu, người ta phỏng vấn các bên, và cuối cùng để lộ ra, cho mọi người thấy các hành vi vô luật của Sun Group.”

Cũng qua mạng xã hội người ta biết là ông Nguyễn Trung Dân, vốn là tổng biên tập một tờ báo trước kia, tuyên bố là ông sẽ kiện Sun Group nếu tập đoàn này vẫn chiếm dụng khu vực Bà Nà không cho người dân sử dụng đường bộ lên tham quan.

Trước sự mở rộng của mạng xã hội ý kiến của người dân cũng như những hành động của họ trở nên có sức mạnh hơn. Mới đây công ty Tân Hiệp Phát có nói là nếu như giới truyền thông và người dân không ủng hộ họ thì họ sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Tuy vậy mọi chuyện cũng không dễ dàng. Khi chúng tôi viết những dòng này thì nhà báo Nguyễn Trung Dân cho biết là Sun Group qua một quan chức làm trung gian nhắn gửi ông là đừng viết nữa. Một số người phản đối mạnh việc Sun Group chiếm dụng Bà Nà nói với chúng tôi là nhiều bài viết về Bà Nà bị rút xuống, cũng như bản thân họ nhận được những lời đe dọa.
http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/crony-capitalism-03232015115926.html/03232015-crony-capitalism.mp3

No comments:

Post a Comment