Tuesday, March 24, 2015

Một cuộc chiến, một gia đình, một số phận

Tien Phan
Theo RFA-2015-03-24  
NYC149403.jpg
Một bà mẹ già trong ngày 30/4/1975-Hiroji Kubota/Magnum Photos

Nói đến tháng tư đen, nói đến ngày Quốc hận và nói đến ngày miền Nam Việt Nam bị bức tử thì chúng ta không thể bỏ qua Tết Mậu Thân và mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Miền Nam trước 1975 đang sống một cuộc sống bình yên, mọi người dân đều được Dân chủ, được bày tỏ chính kiến của mình và được tham gia bảo vệ và xây dựng đất nước. Nhưng cộng sản Bắc Việt không chịu để yên cho người dân Miền nam, không chịu thực hiện hai hiệp định họ đã đặt bút ký vào đó mà lại vi phạm trắng trợn rồi để lại biết bao tang tóc, đau khổ cho hàng ngàn, hàng triệu gia đình Miền Nam trong đó có gia đình tôi.

Và đây là một ký ức, một câu chuyện hoàn toàn sự thật, không hề hư cấu dù một ý nhỏ nào của gia đình tôi trong những ngày tháng đó.

Bà Nội tôi sinh ra được năm người con, hai gái và ba trai. Trong năm người con đó có Ba tôi, tất cả đều phục vụ cho chế độ VNCH. Ba người con trai và một người rể tham gia Quân đội VNCH, còn một người con dâu tham gia bên hành chánh ở Quận thuộc tỉnh Quảng Tín. Với gia đình tôi thời kỳ đó là một niềm vinh hạnh nhất. Rồi chiến tranh, một cuộc chiến phi lý huynh đệ tương tàn đã cướp đi tất cả những con người đó. Để lại biết bao tang thương, ly tán và bất hạnh cho gia đình tôi, khi tôi mới vừa lên năm tuổi.

Cái tháng 3 đen của gia đình tôi là tháng 3/1972. Trong một tháng mà gia đình bà nội tôi phải chịu mất đi vĩnh viễn sáu người. Ngày đó mặc dù còn rất nhỏ nhưng tôi vẫn còn nhớ nội tôi phải đội trên mái đầu đến sáu chiếc khăn tang. Có sự tang thương nào bằng, có sự mất mát nào lớn lao đến thế, có nỗi đau nào bằng nỗi đau mẹ mất con, vợ mất chồng và con mất cha?

Đầu tháng 3/1972. Một tin như sét đánh vào gia đình tôi là Chú tôi đang chiến đấu ở chiến trường Khe sanh, Quảng Trị trong Thiết đoàn tăng thiết giáp đã hy sinh. Lúc đó chú tôi mới tròn 27 tuổi và thím tôi đang mang thai được 7 tháng.

Ba tôi đang công tác ở đơn vị quân vận đóng tại Đà Nẵng nghe tin đó và đưa cả gia đình tôi về lập bàn thờ cho chú tôi ở quê nhà nội tôi là tỉnh Quảng Tín. Lập xong bàn thờ cho chú tôi thì Ba tôi nhận được lệnh hành quân ra Quảng trị. Nghe Má tôi kể lại là lúc đó cộng sản bắc việt đang tấn công thành cổ Quảng Trị dữ dội lắm và VNCH đang ra sức đánh để tái chiếm lại. Đơn vị Ba tôi phải vận chuyển nhu yếu phẩm và vũ khí đạn dược ra để tiếp tế cho Thuỷ Quân Lục Chiến thời bấy giờ đang giành giật lại từng tấc đất.

Ba tôi đi hành quân được một tuần lễ thì một thông tin báo về cho gia đình tôi như sét đánh tiếp là đoàn chiến xa của Ba tôi đã bị cộng sản Bắc việt chặn đánh tại cầu Mỹ Chánh. Tất cả đoàn xe lọt vào ổ phục kích cộng sản nên đã bị thiêu rụi không còn một chiếc nào trở về được do pháo kích dữ dội của cộng sản. Lúc bây giờ Má tôi, Nội tôi và cả gia đình tôi như chết lặng đi trong cơn tuyệt vọng và tan gtóc. Rồi sau đó một di ảnh và một cái bàn thờ nữa đã đặt ở nhà nội tôi với mùi khói hương u ám, chết chóc bao trùm lên cả gia đình tôi. Từ mẹ già, vợ hiền đến con thơ ai nấy đều chít trên đầu những chiếc khăn tang trắng.

Lúc ba tôi tử trận thì má tôi đang có bầu sắp sanh hai em tôi (thai song sinh). Mặc dầu đau thương cực độ nhưng gia đình tôi hy vọng sẽ đến nơi lửa đạn khốc liệt đó để tìm xác ba và chú tôi đem về với đất mẹ. Nhưng hoàn toàn tuyệt vọng cho dù chỉ cần mong mỏi tìm thấy được chút gì còn lại của hai cái thân xác ba và chú tôi. Tất cả hai con người đó, hai thân xác đó không còn chút gì để tìm thấy được nữa.

Bất hạnh không dừng lại ở đó với gia đình tôi. Ngày đó cả gia đình tôi đều dồn vào mỗi công việc là đi tìm kiếm cho bằng được thân xác của ba và chú tôi đem về đất mẹ. Tất cả những nơi nào nghe ngóng được là Quân lực VNCH thu gom chiến trường và đưa xác của tử sĩ về vùng an toàn là gia đình tôi đều tìm đến. Nhưng tất cả đều tuyệt vọng, không tìm được chút gì còn sót lại cả. Nỗi đau chồng chất nỗi đau.

Những người mẹ mang con di tản ngày 30/4/1975. Hiroji Kubota/Magnum Photos

Có lẽ do đau buồn quá nhiều, tuyệt vọng quá nhiều và đi lại tìm kiếm quá nhiều nên má tôi và người bác dâu của tôi đã không giữ được những sinh linh trong bào thai non nớt đó. Cả hai đều sanh ra nhưng những sinh linh vô tội đó không sống được trên cõi đời này nữa. Bác dâu tôi cũng mang thai song sinh như má tôi. Bốn con người vô tội nữa cũng ra đi vĩnh viễn.

Như vậy là trong tháng 3/1972 gia đình tôi đã mất đi sáu người. Cuộc chiến phi lý này đã cướp đi những gì bình yên và hạnh phúc nhất của một gia đình trong nhiều gia đình ở miền nam lúc bấy giờ. Hậu quả của nó để lại không hề quên lãng được. Những đứa trẻ mồ côi như chúng tôi sống làm sao trong nhũng ngày loạn lạc còn lại. Bà Nội tôi như điên dại, Má và Thím dâu tôi như chết rồi, còn chúng tôi thì ngơ ngác, ngây thơ và bơ vơ cứ hỏi sao Ba không về hả Má.

Ngày 30/4/1975. Sài gòn thất thủ, kẻ ở người đi, kẻ cười người khóc, ly tan ly tán. Trước ngày Sài gòn thất thủ, gia đình tôi chỉ còn lại hai người đàn ông duy nhất mà gia đình có thể dựa vào đó để mà sống những ngày còn lại đó là Bác tôi và người Dượng chồng cô tôi. Lúc đó đang còn ở Quân đội VNCH. Nhưng rồi họ cũng mất đi từ cái tháng 4 đen đó. Sau 30/4 không còn một tin tức gì với hai người đó nữa. Không biết họ đã sống chết như thế nào?  Sau 30/4 gia đình tôi chỉ còn lại bà già, goá phụ và trẻ mồ côi mà thôi. Cuộc chiến này đã cướp hết những gì gia đình tôi đã có trước đây và mất đi từ năm1972 đến 1975.

Bốn mươi năm trôi qua, bốn mươi năm thành trẻ mồ côi cha. Thời gian chừng ấy  đủ để một đứa trẻ lúc đó đến bây giờ cũng ngoài 40 tuổi suy ngẫm, nhận thức mà đem vào ký ức. Bốn mươi năm một gia đình toàn bà già và con nít sống trong chế độ cộng sản.

Tôi không muốn nhắc lại quá khứ tang thương này của gia đình tôi và nhiều gia đình giống như vậy ở miền nam. Nhưng lịch sử vẫn là lịch sử, tội ác vẫn là tội ác. Không có ai có quyền bóp méo. Mọi người cứ thử tưởng tượng một người mẹ hàng đêm không ngủ mà trên tay cứ cầm chiếc đèn dầu heo hắt đi quanh nhà mà gọi tên con, cho dù những đứa con đó đã bỏ mẹ già, bỏ vợ con ra đi đã hơn 10 năm rồi. Đến lúc nhắm mắt lìa đời ở tuổi 84 như bà Nội tôi cũng chỉ có một mình trên giường, không con, không cháu và không một lần thắp được cho những đứa con mang nặng đẻ đau một nén nhang trong đêm giá lạnh vì tất cả đã chết mà không hề có mộ phần.

Cuộc chiến này đã cướp đi linh hồn và cả thể xác những đứa con của Nội tôi. Còn nhiều nỗi đau nữa mà những đứa trẻ mồ côi như chúng tôi phải chứng kiến và gánh chịu. Tôi không than thở vì tôi ý thức được rằng đó là hậu quả của một cuộc chiến mà anh em, cha con bắn giết nhau để phục vụ cho một chủ nghĩa. Tôi chỉ muốn thức tỉnh những ai đó còn chút lương tri của con người, còn chút suy nghĩ về đồng loại của mình mà đang là lãnh đạo, có quyền chức, có điều kiện, được học hành thì hãy thức tỉnh lại để dân tộc này bớt khổ đau, trao lại cho nhân dân quyền dân chủ thực thụ như bao dân tộc dân chủ cường thịnh khác trên thế giới này.

Tôi cũng xin khẩn thiết kêu gọi những ai mà đã ra đi tìm được cuộc sống tự do ở hải ngoại hãy nghĩ về những đứa trẻ mồ côi của đồng đội mình đang ở trong nước hay ngoài nước mà động viên, an ủi và ủng hộ cho cuộc đấu tranh nhân quyền của dân tộc này.

Có trách nhiệm hơn với đất nước, với dân tộc, với chủ quyền lãnh thổ, với những đứa trẻ mồ côi đã chết hay còn sống như tôi dù chỉ một lời chia sẻ hay động viên an ủi. Ít ra cũng làm chúng ấm lòng và biết được cha ông chúng đã ngã xuống không phi nghĩa mà chúng đã chịu miệt thị, cô đơn và phân biệt hơn 40 năm rồi. Tôi cũng kêu gọi tất cả những đứa trẻ mồ côi cha hay mẹ trong cuộc chiến huynh đệ tương tàn trước năm 1975 hãy liên lạc, chia sẻ, giúp đở nhau để làm điều gì đó không phụ lòng cha mẹ mình đã nằm xuống cho đất nước.

Chúng tôi mong muốn sao một Việt nam thực sự Tự Do Dân Chủ, Đoàn Kết Dân Tộc, cùng nhau xây dựng đất nước cường thịnh để đủ mạnh về quân sự, vững chắc về kinh tế cùng nhau bảo vệ và chống lại giặc ngoại xâm. Để trẻ em như chúng tôi ở những ngày 40 năm về trước được học hành, được tự do thực thụ và được sống trong vòng tay yêu thương, che chắn của cha mẹ.

No comments:

Post a Comment