Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội
Theo RFA-2015-03-23
Cha mẹ tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan cho con.Files photo
Sẽ xảy ra chuyện, người bị án tử hình oan xin không xử giám đốc thẩm để còn nhờ công luận tác động may ra thoát chết. Chứ nếu không, “nó” y án cái là toi đời.
Oan vẫn phải chết!
Thật sửng sốt khi đọc bài “Vụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng đã "hết đường" kháng nghị” đăng trên trang Tuổi trẻ online ngày 20/3/2015.
Theo đó, ông Nguyễn Văn Hiện, Chủ nhiệm ủy ban Tư pháp cho biết "vụ án đã có quyết định của Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao, là quyết định cuối cùng nên giờ có thấy sai cũng không thể kháng nghị".
Nguyễn Văn Chưởng bị kết án tử hình trong vụ giết Thiếu tá Nguyễn Văn Sinh. Nguyên nhân dẫn đến án tử hình cho Chưởng là do Chưởng bị kết luận là kẻ cầm đầu.
Nay, Đoàn Giám sát của Quốc Hội kết luận “Căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết”. Ông Nguyễn Văn Hiện cũng cho rằng “căn cứ vào hồ sơ thì Chưởng cũng không phải là người có vai trò chính gây ra cái chết”.
Như vậy, khép Nguyễn Văn Chưởng vào hình phạt tử hình là sai. Điều này cũng có nghĩa là Chưởng bị kết tội oan. Thế nhưng biết người ta oan mà vẫn không giải được? Đọc hết bài báo thì mới tá hỏa ra rằng, Luật nó là như thế. Đã xử đến Giám đốc thẩm rồi, Hội đồng thẩm phán của Tòa án tối cao đã phán rồi, cứ thế mà thi hành.
Ấy là Đoàn giám sát cũng mới chỉ căn cứ vào hồ sơ thôi. Nhưng hồ sơ có khách quan không hay do tra tấn, do sửa chữa, do dựng lên mà ra?
Còn cơ quan điều tra? Có bức cung, tra tấn phạm nhân không? Phải xử lý những cán bộ này như thế nào? Những người gọi là Hội đồng thẩm phán, cố tình hoặc không đủ chuyên môn nên phán bừa người ta phải chết thì xử lý ra sao? Hai nhóm này không thấy nhắc tới trong bài báo. Rồi những kiến nghị, phân tích của Luật sư về việc cơ quan điều tra vi phạm thủ tục tố tụng và sự phân tích của bao nhiêu bài báo nữa, Đoàn Giám sát của Quốc hội có để mắt đến không?
Nỗi ô nhục cho nền tư pháp
Chẳng có nền pháp luật công minh nào mà xác minh được kết án oan vẫn bắt dân đen phải chết. Đó là thứ qui định độc ác, quái đản, dành cho cái gọi là Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao quyền quyết định số phận và tính mạng con người dù thấy rõ oan sai.
Nếu qui định này cứ tồn tại, sẽ dẫn đến chuyện, người bị kết án oan không dám kháng nghị lên Giám đốc thẩm, nhỡ ra nó quyết bậy một cái thì hết đường kêu. Sẽ xảy ra chuyện, người bị án tử hình oan xin không xử giám đốc thẩm để còn nhờ công luận tác động may ra thoát chết. Chứ nếu không, “nó” y án cái là toi đời.
Tuy nhiên Ủy ban Tư pháp, Đoàn Giám sát của Quốc hội để ngỏ khả năng Chưởng có thể xin Chủ tịch nước ân xá (xuống tù chung thân). Điều này có nghĩa Chưởng phải buộc làm cái việc phụ thuộc vào lời phán bừa của Hội đồng thẩm phán tuy vẫn đầy may rủi.
Tử tù Nguyễn Văn Chưởng vẫn liên tục kêu oan, vì vậy, Chưởng chưa bao giờ viết đơn xin ân xá. Nếu trước đây, Chưởng viết đơn xin ân xá thì việc đơn bị bác bỏ gần như chắc chắn và như vậy, Chưởng đã bị đem bắn từ lâu rồi. Chính cái sự “ngoan cố” ấy mà Chưởng còn sống đến lúc này.
Nay, Quốc hội ít nhất cũng xác định cho Chưởng một nỗi oan là không phải kẻ cầm đầu vụ giết người, tuy nhiên, với Chưởng không chỉ cần có thế.
Cần phải tính đến khả năng Nguyễn Văn Chưởng vẫn không chịu viết đơn xin ân xá mà chấp nhận tử hình, lấy cái chết của mình để thức tỉnh lương tri. Trường hợp này nếu xảy ra thì rõ ràng là một nỗi ô nhục cho nền tư pháp Việt Nam. Họ cần phải tính đến điều đó.
Nếu nói rằng căn cứ vào các quy định của pháp luật thì vụ án Nguyễn Văn Chưởng không được xem xét lại nữa, tức là đã hết cách để cơ quan tiến hành tố tụng sửa sai là lối nói vô trách nhiệm. Chẳng lẽ cả cái chế độ này, biết người ta oan mà vẫn cứ nhắm mắt tước đi mạng sống của họ?
22/3/2015
Nguyễn Tường Thụy, viết từ Hà Nội
*Nội dung bài viết không phản ảnh quan điểm của RFA.
No comments:
Post a Comment