Những vụ hành quyết con tin dã man của IS, mới nhất là vụ sát hại nữ cứu trợ viên 26 tuổi người Mỹ khiến ông Obama quyết tâm cho IS không còn "chốn dung thân".
Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm qua (11/2) đề nghị Quốc hội nước này chính thức cho phép sử dụng lực lượng quân sự trong cuộc chiến chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.
Tổng thống Obama yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự (ảnh: ABC News)
Lần đầu tiên sau 13 năm một Tổng thống Mỹ lại yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, đằng sau quyết tâm này là những toan tính “không hề đơn giản” của Tổng thống Mỹ.
Vì sao phải đưa bộ binh tham chiến?
Vấn đề này đã được Thượng nghị sĩ John McCain đề cập mới đây với báo chí. Ông đã từng nhận định: “Khả năng triển khai lực lượng mặt đất chỉ là vấn đề thời gian với ông Obama”.
Kể từ thời điểm liên quân do Mỹ dẫn đầu bắt đầu tiến hành các chiến dịch không kích vào các mục tiêu của IS ở Iraq tháng 8/2014, hơn 6 tháng trôi qua song chiến dịch không kích vẫn chưa mang lại hiệu quả tích cực.
CNS News dẫn lời Thượng nghị sĩ John McCain cho biết: “Bạn thấy những hình ảnh với các tòa nhà nổ tung nhưng hầu hết trong đó trống rỗng”.
Thông tin tình báo có thể chính xác nhưng khi mục tiêu đầu tiên bị không kích, nó đã cảnh báo cho các phiến quân ở những mục tiêu khác thoát khỏi khu vực nguy hiểm. Các tay súng IS có thể lẩn trốn trong các khu dân cư mà chúng chiếm đóng càng làm cho mục tiêu không kích ở trên khó khăn hơn.
Khí tài mà liên quân sử dụng phần lớn là vũ khí dẫn đường công nghệ cao với chi phí rất đắt đỏ. Theo Liên đoàn các nhà khoa học Mỹ FAS, đơn giá mỗi quả tên lửa Tomahawk dao động từ 500.000-1,4 triệu USD.
Mỗi quả bom thông minh JDAM rẻ nhất cũng 25.000 USD. Những vũ khí đắt đỏ như vậy không thể sử dụng để tấn công các mục tiêu kém giá trị. Bài toán chi phí - hiệu quả luôn là vấn đề đau đầu đối với các nhà hoạch định chiến lược quân sự.
Rõ ràng các chiến dịch không kích chỉ có tác dụng ngăn chặn chứ không thể tiêu diệt IS. “Lực lượng mặt đất là chìa khóa cuối cùng để xóa sổ sự tồn tại của IS”.
Đề xuất của ông Obama khác ông Bush
Thực tế, đề nghị của ông Obama yêu cầu Quốc hội nước này chính thức cho phép sử dụng lực lượng quân sự chống IS, đang vấp phải nhiều phản ứng trái chiều từ chính giới lãnh đạo lẫn dư luận Mỹ
“Đề xuất bộ binh tham chiến – Lịch sử đang lặp lại với nước Mỹ” là nhan đề bài viết trên trang Seattle.com., phản ánh ý kiến của dư luận và chính giới Mỹ
Song trang mạng này cũng đưa cả quan điểm của Tổng thống Mỹ, trong bức thư gửi lên Quốc hội, ông Obama phân tích rõ nguyên nhân và những điểm khác giữa ông và cựu Tổng thống Bush trong 2 bản đề xuất 2015 và 2002.
IS đang là mối đe dọa với Iraq, Syria và thế giới (ảnh: ABC News)
Trong bức thư gửi kèm lên Quốc hội, Tổng thống Obama cho rằng, IS đang gây ra một mối đe dọa đối với người dân Iraq, Syria và rộng hơn là khu vực Trung Đông.
IS đe dọa các nhân viên, cơ sở của Mỹ đóng trong khu vực và chịu trách nhiệm về cái chết của 4 công dân Mỹ là James Foley, Steven Sotloff, Abdul-Rahman Peter Kassig và Kayla Mueller. Nếu không bị ngăn chặn, IS sẽ gây ra mối đe dọa vượt ra ngoài khu vực Trung Đông, vươn tới tận lãnh thổ Mỹ.
Telegraph dẫn lời Tổng thống Obama: “Nếu chúng ta nhận được tin tình báo về một cuộc họp của các nhà lãnh đạo IS, tôi sẽ hạ lệnh cho các lực lượng đặc biệt tấn công. Tôi không cho phép những kẻ khủng bố có một nơi trú ẩn an toàn”.
Nhìn lại lịch sử, ở thời điểm 13 năm trước, Tổng thống George W.Bush cũng yêu cầu Quốc hội trao quyền sử dụng sức mạnh quân sự vào cuộc chiến Iraq năm 2002. Tuy nhiên, trong toàn văn tuyên bố chiến tranh được ông Bush công bố trên truyền hình 3/2003, ông tung “cả quân đội, không quân, hải quân, lực lượng tuần duyên và thủy quân lục chiến” vào chiến trường Iraq trong một cuộc chiến không biết đến ngày nào kết thúc
“Lực lượng của chúng ta chỉ trở về nước khi nào họ hoàn thành nhiệm vụ. Cách duy nhất để giới hạn mối đe doạ là sử dụng lực lượng chiến lược. Và tôi có thể cam đoan với các bạn rằng đó không phải là chiến lược nửa vời. Chúng ta không chấp nhận một kết cục nào khác ngoài chiến thắng”. Cựu tổng thống Mỹ Bush phát biểu năm 2003.
Chính chiến lược này đã khiến nước Mỹ “sa lầy” trong cuộc chiến ở Trung Đông cho tới ngày Tổng thống Obama tuyên bố kết thúc năm 2011. Do vậy, trong đề xuất dự luật mới, chính quyền Obama thận trọng vạch ra những điểm quan trọng giới hạn chiến dịch quân sự của Mỹ chống IS.
Đó là, ông Obama cam kết không kéo nước Mỹ rơi vào một cuộc chiến mặt đất khác ở Iraq. Tổng thống sẽ không triển khai quân đội để “tham gia chiến dịch tấn công mặt đất lâu dài”.
Nhà lãnh đạo Mỹ nhấn mạnh, mọi hoạt động của quân đội Mỹ trên mặt đất sẽ chỉ giới hạn trong nhiệm vụ cứu nạn, còn đội đặc nhiệm mới là đơn vị truy sát các thủ lĩnh IS.
Thêm vào đó, dự luật do ông Obama đề xuất có quy định tối đa thời gian của chiến dịch chỉ kéo dài 3 năm. Đây là điều quan trọng, vì hai đạo luật cho phép tổng thống sử dụng quân đội mà quốc hội thông qua sau cuộc khủng bố 11/9/2001 và 2002 không đề cập đến giới hạn thời gian.
Toan tính “không đơn giản”
Trang Seattle.com đưa ra phân tích về dụng ý của Tổng thống: “Ông Obama đang làm nổi bật hình ảnh của bản thân và đảng Dân chủ khi đưa ra đề xuất này”. Với người dân Mỹ, ông đang thể hiện là người bảo vệ cho sự an toàn của nước Mỹ
“Không có cách nào tốt hơn trong việc đảm bảo an ninh cho nước Mỹ là Quốc hội thông qua dự luật này”, ông Obama nói.
Đây cũng là cách ông thể hiện vai trò gắn kết giữa 2 đảng cũng như cái “uy” của mình tại Lưỡng viện mà Đảng Cộng hòa chiếm đa số. “Đó là cách để chứng tỏ với thế giới là chính quyền và quốc hội Mỹ đoàn kết ngăn chặn mối đe dọa do IS gây ra”.
Và một điều cần lưu ý: “dự luật do chính quyền Obama soạn thảo không giới hạn phạm vị địa lý của chiến dịch. Điều này cho phép Mỹ tấn công IS ở cả Iraq, Syria và bất kỳ nơi nào mà phiến quân IS hoặc đồng minh của IS hiện diện; trong khi thực tế địa bàn của IS chủ yếu là ở Iraq và Syria”.
Thứ Sáu, 13/02/2015 | 07:15
Nguồn: VOV
No comments:
Post a Comment