Hoa Kỳ cho rằng hành động của Trung Quốc gây ảnh hưởng tới 'cạnh tranh công bằng'
Hoa Kỳ thách thức Trung Quốc ở Tổ chức Mậu dịch Thế giới (WTO) về việc Trung Quốc trợ giá xuất khẩu đối với bảy ngành công nghiệp, AP đưa tin.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói hôm thứ Tư 11/02 cho hay Trung Quốc chọn một số công ty xuất khẩu làm “cơ sở điển hình” và được nhận các dịch vụ miễn phí hoặc được giảm giá dịch vụ từ các nhà cung cấp.
Hoa Kỳ nói Trung Quốc mỗi năm trả cho các nhà cung cấp gần một tỉ USD trong ba năm để cung ứng những dịch vụ này.
Các ngành được hỗ trợ là sản xuất dệt may và quần áo, các công ty vật liệu tiên tiến và kim loại, các hãng công nghiệp nhẹ, nhà sản xuất hóa chất đặc biệt, chế biến dược phẩm và các doanh nghiệp nông sản.
Hoa Kỳ cho rằng việc trợ giá vi phạm nguyên tắc của WTO:
“Nếu là một doanh nghiệp dệt may được chỉ định làm cơ sở điển hình, họ có thể được trợ cấp cho dịch vụ công nghệ thông tin, dịch vụ thiết kế sản phẩm và trợ giá dịch vụ đào tạo cho nhân viên, hướng dẫn công nghệ quay sợi và công nghệ dệt,” Đại diện phòng Thương mại Hoa Kỳ, ông Micheal Froman được AP dẫn lời nói.
“Tất cả các dịch vụ này, được cung cấp miễn phí hoặc giảm giá, gây ảnh hưởng xấu đến cạnh tranh công bằng.”
Hoa Kỳ gửi hồ sơ lên WTO sau khi tiến hành điều tra việc Trung Quốc trợ giá cho các nhà xuất khẩu xe hơi và phụ tùng xe hơi.
Tổng thống Obama đang tìm kiếm ủng hộ cho thỏa thuận thương mại TPP, không bao gồm Trung Quốc
Trong một thông cáo hôm thứ Năm, Bộ Thương mại Trung Quốc nói họ “lấy làm tiếc” về quyết định của Hoa Kỳ và sẽ đáp trả theo đúng quy trình giải quyết tranh chấp của nhóm này, theo tin trên Wall Street Journal hôm 12/02.
Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ nói sẽ cố gắng giàn xếp được với Trung Quốc ở WTO, và nếu thất bại, Hoa Kỳ có thể yêu cầu WTO phân xử tranh chấp.
Đây chỉ là một trong nhiều vụ tranh chấp thương mại giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc, nhấn mạnh thêm căng thẳng giao thương giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Wall Street Journal viết, năm 2014, Trung Quốc xuất khẩu sang Hoa Kỳ tổng cộng 467 tỷ USD, và Hoa Kỳ gửi 124 tỷ hàng hóa sang Trung Quốc, là khoản thâm hụt kỷ lục, số liệu của U.S. Census Bureau.
Vụ việc xảy ra trong lúc chính phủ của Tổng thống Obama tìm kiếm ủng hộ cho một thỏa thuận mậu dịch đầy tham vọng với 11 quốc gia Vành đai Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam nhưng không bao gồm Trung Quốc được biết tới như thỏa thuận TPP.
Xét về xuất khẩu dệt may của Việt Nam, một trong các mặt hàng chiến lược, năm 2014, kim ngạch xuất khẩu ngành dệt may Việt Nam đạt gần 24,5 tỷ USD, tăng 19% so với năm 2013.
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết năm 2015 được đánh giá là năm thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu của ngành dệt may Việt Nam.
Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Tp HCM mới đây cho hay khi đàm phát TPP hoàn tất và Việt Nam tham gia ngành dệt may Việt Nam được hưởng lợi nhiều, cụ thể kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ sẽ có thể đạt tới 22 tỷ USD vào năm 2020.
Vitas cũng đã có công văn kêu gọi các doanh nghiệp trong ngành chủ động tìm kiếm các thị trường tiềm năng ngoài Trung Quốc để nhập khẩu nguyên phụ liệu. Được biết hàng loạt doanh nghiệp từ các nước (đa phần từ Trung Quốc) đã sang Việt Nam đầu tư, đón đầu cơ hội TPP.
No comments:
Post a Comment