Lãnh đạo Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nói có thể Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) phá sản thì ngành điện VN mới phát triển được.
Bình luận được Tiến Sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra tại một cuộc hội thảo Báo cáo kinh tế vĩ mô tại Hà Nội hôm 11/02.
Bình luận về mối liên hệ giữa Bộ Công Thương với EVN và giá điện, TS. Cung nói “Vấn đề không phải là tăng giá bao nhiêu, mà là cách thức EVN tăng giá.”
Bộ này cũng vừa mới nhận lãnh đạo EVN về vào vị trí thứ trưởng. Ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên EVN, cũng từng ngồi ghế thứ trưởng bộ này nhưng chuyển sang lãnh đạo EVN khoảng hơn 2 năm từ tháng 9/2012.
Hồi cuối tháng Một năm nay ông Vượng quay về bộ ở vị trí cũ theo quyết định của Thủ tướng Dũng.
Trả lời BBC tiếng Việt hồi đầu năm nay khi còn làm lãnh đạo EVN, ông Vượng nói "mỗi lần điều chỉnh giá điện là một lần khó khăn".
“Giá điện phải được điều chỉnh theo cơ chế thị trường để phản ánh đúng chi phí nhưng điều chỉnh giá điện phải phù hợp với hoàn cảnh kinh tế xã hội để không làm ảnh hưởng tới người dân đặc biệt là những người có thu nhập thấp.”
Ông Vượng cũng cho biết ngành điện nói chung và EVN nói riêng mỗi năm đầu tư khoảng 4-5 tỉ USD để nâng cao công suất.
Lãnh đạo CIEM cũng bình luận về việc Bộ Công Thương “đề xuất và phương án tăng giá điện thay cho EVN” nhằm để “bù đắp thua lỗ cho doanh nghiệp” và cho rằng đây là động thái không bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.
“Cách thức hợp lý trước mắt đáng ra là Bộ Công Thương phải rà soát, đánh giá chi phí sản xuất điện, tham vấn các chuyên gia, tham vấn người tiêu dùng và các bên liên quan, qua đó, kiểm soát giá điện bảo vệ lợi ích chung của người tiêu dùng, chứ không phải bảo vệ lợi ích của EVN, bắt người dân gánh chịu lợi thế độc quyền của EVN”, ông Cung nói.
Ông Cung cũng bác bỏ những tuyên bố “mang tính thách đố và mặc cả” như “không tăng giá thì EVN sẽ phá sản và sụp đổ ngành điện.
"Có thể EVN phá sản thì ngành điện Việt Nam mới phát triển được, chứ không phải kéo lui sự phát triển của ngành điện”, Tiến sĩ Cung nói thêm.
Hồi đầu tháng này Bộ Công thương cho biết trong tháng 3/2015, dựa trên đánh giá tình hình của EVN cũng như các vấn đề liên quan, Bộ sẽ chính thức trình phương án tăng giá lên Thủ tướng quyết định.
Ông Phạm Lê Thanh - Tổng giám đốc Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN), mới đây nói thách thức lớn nhất của Tập đoàn EVN là khoản lỗ lên tới 16.800 tỷ đồng chưa thể cân đối và giải quyết.
Theo báo cáo của EVN, năm 2014, một số yếu tố đầu vào tăng, làm tăng chi phí sản xuất và mua điện hàng nghìn tỷ đồng và đều chưa được tính vào trong giá bán điện hiện hành.
Báo Công thương đầu năm nay cho hay EVN phải thực hiện thoái vốn tại một số công ty cổ phần có hoạt động không liên quan đến ngành nghề kinh doanh chính của tập đoàn như ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm.
Hồi đầu tháng Mười năm 2103, Thanh tra chính phủ Việt Nam công bố kết quả thanh tra tại EVN cho thấy nhiều sai phạm và tính đến năm 2011, công ty mẹ EVN đã đầu tư 121 nghìn tỷ đồng ra ngoài ngành, bao gồm các lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán và hệ số giữa nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của toàn tập đoàn là 6,27 lần.
EVN từng bị cáo buộc có sai gồm hoạt động xây nhà, biệt thự, mua siêu xe, sân quần vợt.. với giá trị lên đến gần 600 tỉ đồng mà EVN tính vào giá bán điện.
Hồi tháng 10/2014, Thanh tra Chính phủ chính thức trả lời về sai phạm tại EVN, nói rằng Bộ Công Thương phê duyệt chi phí “khu nhà quản lý vận hành và sửa chữa” của EVN nhưng thực tế là nhà biệt thự đơn lập, nhà song lập, nhà liền kề, chung cư cao tầng, có các cơ sở hạ tầng như bể bơi, sân tennis… phục vụ mục đích sinh hoạt cho cán bộ nhân viên với tổng số tiền gần 600 tỷ đồng vào chi phí đầu tư của 6 dự án nguồn điện là chưa đúng quy định."
Thanh tra Chính phủ khi đó cho rằng, Bộ LĐ-TB&XH thẩm định tiền lương của Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc của EVN trong năm 2010 ở mức trên 3 tỷ đồng chưa đúng với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
"Do vậy, đề xuất xử lý số tiền hơn 8 tỷ đồng, gồm hơn 3 tỷ đồng do thẩm định tiền lương của Hội đồng Quản trị, Ban Giám đốc EVN năm 2010 chưa đúng, hơn 5 tỷ đồng do mua xe ô tô vượt định mức quy định tại EVN. Kết luận của Thanh tra Chính phủ cũng khẳng định việc EVN đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp hơn 121.790 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ chỉ hơn 76.000 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật." truyền thông Việt Nam cho hay.
No comments:
Post a Comment