Saturday, January 3, 2015

Vô cảm học đường:Dạy điều cao siêu, thỏa hiệp phi giáo dục!


(Tin tức thời sự) - "Nhà trường giáo dục học sinh mà lại để cho các em có suy nghĩ chấp nhận thực trạng bạo lực học đường là phi giáo dục".


Cách sống... chỉ lo cho mình
PV:- Vừa qua, tại hội thảo khoa học “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn bạo lực học đường trong trường phổ thông”, nhiều đại biểu đã chỉ ra thực trạng, hiện nay mọi người gần như chấp nhận bạo lực học đường là bình thường nên có thái độ thờ ơ, dửng dưng. Con số thống kê cũng không phản ánh hết các vụ bạo lực học đường thực chất đang diễn ra. Quan điểm của thầy ra sao trước thực trạng này?
Từ góc độ một nhà giáo, thầy có cho đây là một thực trạng đáng lo ngại, cần lên tiếng và có biện pháp điều chỉnh hay không? Điều đáng nói khi Đất Việt tiến hành khảo sát các em học sinh trên địa bàn HN thì các em đều đưa ra lý do sợ mình là nạn nhân tiếp theo nên chỉ đứng xem, điều này phản ánh điều gì?
GS Văn Như Cương:- Những sự việc đau lòng, rất đáng lo ngại vẫn đang ngày càng phát triển, nên phải tìm các biện pháp giáo dục để cho bạo lực học đường ngày càng giảm bớt đi, thậm chí dừng lại, chứ không phải ngày nào cũng có một clip đánh nhau được đưa lên. Trong khi, học sinh lại đứng xem vô cảm như vậy là không chấp nhận được.
Đáng sợ hơn, đó là sợ bị trù dập, đánh đập, đó là những suy nghĩ ích kỷ của từng cá nhân học sinh, tuy nhiên cũng phải xem lại hệ thống kỷ luật đã đủ nghiêm túc hay chưa.
Nói là giáo dục học sinh mà lại chấp nhận thực trạng bạo lực học đường là phi giáo dục. Bây giờ trẻ con lại chỉ thích được quay clip, có khi trước khi đánh nhau còn chuẩn bị phương tiện để quay, bố trí người quay, tung lên mạng, từ đó hi vọng mình có thể trở thành anh chị, đại ca, đó là tâm lý xấu.
Nhưng nguyên nhân sâu xa thì đó là sự ảnh hưởng của người lớn, nhiều tình trạng chụp ảnh xấu đưa lên mạng, ảnh hở hang rồi cũng trở thành người nổi tiếng, thế nên trẻ con cũng nghĩ rằng, nếu chụp ảnh đánh nhau tung lên mạng mình cũng sẽ nổi tiếng.
Nên phải nghiên cứu, tìm hiểu tâm lý của trẻ con, nhất là thời đại Internet bùng nổ, được tiếp cận với nhiều nền văn hóa khác nhau, xấu có, tốt có, nên không thể lường được hậu quả về sau. Có sự định hướng giáo dục ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, để các em có định hướng tốt.
PV:- Nói rộng ra, không chỉ trong nhà trường, mà sự vô cảm còn đang lan rộng ra ngoài xã hội. Như chứng kiến nữ sinh đánh nhau do ghen tuông nhưng không học sinh thậm chí người lớn nào vào can thiệp. Ông bố đi tìm con gái bị lũ côn đồ đánh đến trọng thương, nằm trên đường nhưng không ai giúp đưa đi cấp cứu. Thậm chí, đến xe cứu thương cũng từ chối cấp cứu người trong khi trên xe không có bệnh nhân, tài xế gây tai nạn thì bỏ của trốn tội.
Những sự việc đang diễn ra này, biểu hiện gì về đạo đức hiện nay. Để lý giải nguyên nhân của sự vô cảm đang diễn ra trong XH, chúng ta có thể bình giảng ra sao?
GS Văn Như Cương:- Tất cả những hành động này đều là biểu hiện cách sống của con người trong thời kỳ mới. Con người chỉ lo làm ăn, lo cho bản thân mình, mà không quan tâm đến người khác.
Tất nhiên là thời gian gần đây, chúng ta cũng đã có sự chú ý đến giáo dục thanh niên, phải làm thế nào giải quyết sự vô cảm, trước hết phải có lòng yêu thương Tổ quốc, nhân dân. Đại hội Thanh niên vừa rồi có chủ trương "Tôi yêu Tổ quốc tôi", nếu điều đó được khơi gợi trong thanh niên thì sẽ giảm bớt chuyện vô cảm.
Học sinh thản nhiên đứng nhìn bạn đánh nhau
Học sinh thản nhiên đứng nhìn bạn đánh nhau
Đặc biệt, bây giờ cũng đang có chương trình "Chuyện người tử tế, đưa lên những hình ảnh đáng cảm phục, ít nhất cũng có tác động nhất định đến tầng lớp thanh niên".
Phải tránh việc khai thác quá sâu vào các clip đánh nhau, cứ khai thác sâu vào thì học sinh sẽ đi theo xu hướng vô cảm, thờ ơ. Cuộc sống ai cũng chỉ lo cho bản thân, gia đình mình, nên trước những chuyện xảy ra ở đường phố, thì sẵn sàng bỏ qua, điều đó rất đáng trách, khi con người dần dần xa nhau.
Chỉ học chữ quên dạy cách làm người
PV:- Câu chuyện ngay từ ghế nhà trường học sinh đã vô cảm, thờ ơ với chuyện bạo lực học đường, theo thầy đó liệu có phải là nguyên nhân của sự vô cảm hiện nay trong xã hội hay không? Vì sao ạ?
GS Văn Như Cương:- Chúng ta phải thấy, một mặt, sự vô cảm này là do xã hội ảnh hưởng đến tầng lớp thanh, thiếu nhi, người lớn làm gương cho trẻ nhỏ, nhưng lại không làm mà các thông tin trên các trang mạng xã hội toàn chém, giết, và những hành động thể hiện sự vô cảm của con người.
Nguyên nhân chủ yếu cũng là ở XH, vì thế đừng nên đóng khung trong nhà trường vì như vậy cũng sẽ thất bại.
Mặt khác, cũng do nhà trường không áp dụng tốt các biện pháp giáo dục nên các em ra ngoài XH cũng có nhiều hành động tương tự. Nhà trường là bắt nguồn của sự vô cảm, nhưng XH cũng tác động đến tâm lý học sinh.
PV:- Nhiều ý kiến cho rằng, đã đến lúc chất lượng giáo dục phải làm lại cách đo. Phải đo chất lượng ở ngoài nhà trường; đo về nhân cách; đạo đức của học sinh chứ không chỉ đo về học lực và hạnh kiểm như trước đây. Thầy có đồng tình với ý kiến này? Chúng ta cần làm hiện nay là gì, làm sao để đạo đức xã hội được nâng cao?
GS Văn Như Cương:- Đổi mới giáo dục lần này, tôi nghĩ phải chú trọng việc học chữ và học người, thêm vào đó là nghề nghiệp. Nhưng trong những năm qua, VN ta chỉ chú trọng dạy chữ, học sinh sau khi học ở trường thì lại đi học thêm, còn cách dạy làm người đứng đắn thì lại bị bỏ qua.
Ngay môn giáo dục công dân, kiến thức cũng toàn là những thứ cao siêu chứ không phải dạy làm gì để thành người có nhân cách.
Chúng ta phải quay trở lại nguyên tắc dạy học một cách toàn diện "trí - thể - mỹ" chứ không phải "trí" không, nếu cứ tiếp tục thì chúng ta sẽ mắc sai lầm lâu dài nữa nếu không thay đổi được điều đó.
Tôi vẫn nhấn manh lại đó là, phải chú trọng dạy chữ luôn đi với dạy người, điều chúng ta đã bỏ mặc bao nhiêu năm nay. Kể từ khi chuyển sang cơ chế mới, cơ chế thị trường, thì ai cũng có tâm lý học làm sao để vươn lên, đạt mục tiêu, bất chấp những người khác như thế nào. Từ đó dẫn đến học quá nhiều thành có hại, vô bổ, chỉ học chữ mà không dạy con về nhân cách.
PV:- Để xảy ra những việc này, theo thầy trách nhiệm thuộc ai, trong cái vòng tròn gia đình - nhà trường - xã hội, khâu nào giữ vai trò quan trọng nhất, và từng khâu cần làm những gì?
GS Văn Như Cương:- Giáo dục con người thì cả gia đình, môi trường, XH, nhà trơờng, ai cũng có trách nhiệm như nhau, không thể đá quả bóng "trách nhiệm" đó cho một ai.
Nếu như XH là vấn đề truyền thông, tuyên truyền; gia đình là giáo dục từ góc độ thân thiết, không thể tách rời; thì nhà trường là cái nôi dạy các em những bài học về đạo đức.
Hiện nay, điều nay đã xảy ra, nên khi tìm được nguyên nhân thì phải có những biện pháp phù hợp. Cụ thể: "Một là, sử dụng những biện pháp kỷ luật nặng, bởi đôi khi nhà trường vẫn chỉ dùng các hình thức nhẹ như phê bình cảnh cáo, mời phụ huynh, buộc nghỉ học 2 - 3 ngày, sau đó lại cho đi học, từ đó dẫn đến sự nhờn không cứu vãn được. Nên tôi nghĩ rằng phải có biện pháp giáo dục, kỷ luật thích đáng, trong một cộng đồng lớp học, đánh nhau dã man là không chấp nhận.
Trước đây, chúng ta đã có những trường quản giáo, học sinh hư là phải đưa vào đó, ở Mỹ các nước phát triển đều có, ví dụ bị kỷ luật nghỉ học 1 tháng thì phải vào đó, nộp tiền ăn, tiền học, ở nội trú trong đó.
Thậm chí, nếu đưa ra học sinh này bị kỷ luật 1 tháng, vì có những biểu hiện tốt, sửa chữa, thì 3 tuần cho về học, nên có hệ thống như vậy. Nhưng hiện nay, chúng ta chỉ kêu gào, tuyên truyền đừng có đánh nhau, đánh nhau là thế này thế khác, như vậy đúng là đến bao giờ mới giải quyết được vấn đề.
Hai là, tăng cường các hoạt động của Đoàn thanh niên, các Hội thanh niên để nâng cao tinh thần, định hướng tham gia các phong trào có ích cho xã hội.
- Xin cảm ơn những chia sẻ của GS!
Khả Nhi

No comments:

Post a Comment