Saturday, January 3, 2015

Nancy Nguyễn: Khổng Giáo

01:08:pm 01/01/15 | Tác giả: Đàn Chim Việt



Ảnh minh họa.

Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín (nam giới) và Công Dung Ngôn Hạnh (nữ nhân)

Đó là những điều tiên quyết mà bất cứ một 1 người theo Khổng Giáo nào cũng phải tuyệt đối tuân thủ. Nên công tâm mà nói, ở mức độ phổ thông đại chúng, đạo Khổng dạy con người ta làm điều tốt đẹp, hướng thiện. Song, điều này chẳng khiến cho đạo Khổng có chút gì nổi bật so với những triết lý sống khác, như đạo Lão, đạo Kito, hay Phật Giáo. Nếu đi sâu vào mổ xẻ, thì ở mức độ phổ thông đại chúng, đạo Khổng còn có nhiều điều chưa bằng được so với nhiều triết lý sống khác, nổi bật nhất là Phật Giáo.

Điều nên chú ý, trong triết học Khổng Tử, là nỗ lực hình thành 1 trật tự xã hội. Có thể nói, Khổng Tử tin rằng, nếu ai ai trong xã hội cũng tin theo “vai trò mặc định” thì xã hội sẽ ổn định và thịnh vượng. Nỗ lực hình thành 1 trật tự xã hội có thể được thấy rõ trong việc Khổng Tử thiết lập các mối liên hệ trong xã hội:

-Vua thì cần phải được nghe theo: Trung Quân, rồi mới tới Ái Quốc, Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung.

-Cha: phải được cả nhà tôn kính: Tại gia tòng phụ (chứ không phải là mẹ).

-Chồng: phải được vợ phụng sự.

-Anh: phải là người được tôn kính thứ 2 trong gia đình (chứ không phải là mẹ): quyền huynh, thế phụ.

-Người nữ: một người nữ tốt theo quan điểm Nho giáo, phải là người giỏi phụng sự những người nam trong gia đình, và rộng hơn, là làm “hậu phương” vững mạnh cho những người nam trong xã hội.

-Con cái: kính sợ cha, hiếu thuận mẹ.

-Người nhỏ tuổi tôn kính người lớn tuổi.

Những trật tự đó là những trật tự vô cùng căn bản của một xã hội Nho Giáo. Những người không tuân theo trật tự này bị xã hội kinh khi, thậm chí phỉ báng, bị coi là phường vô đạo, thất hạnh, hay thậm chí vô liêm, tuỳ mức độ và hiện tượng. Những người tuân theo các chuẩn mực này cách tốt đẹp, thì được xã hội ngợi khen, kính trọng, ví dụ như ta hay nghe nhiều người khen các bà quả phụ thủ tiết thờ chồng, đó là 1 trong nhiều “di chứng xã hội” của Nho Giáo.

Có thể nói, thiết lập nên một xã hội có trật tự, kỉ cương, mà ở đó, ai cũng biết rõ vai trò bản thân và thái độ cần có đối với người khác là mục đích chính yếu của Nho Giáo. Và cái trật tự này, “vô tình”, lại rất có lợi, rất thích hợp cho một thể chế quân chủ chuyên chế, mà ở đó vai trò của vua – tôi, phụ – mẫu, phu – thê ..v.v.. được xác định rõ ràng và theo chiều hướng có lợi cho sự hưng thịnh của thể chế. Chính vì điều đó, Nho Giáo đã nhanh chóng được các vua chúa chọn làm quốc Giáo, làm kim chỉ nam để xây dựng và cai trị xã hội trong một thời gian rất dài.Công bằng mà nói, chính việc thiết lập trật tự này một cách ráo riết và chặt chẽ đã đưa nhiều thể chế phong kiến đến hưng thịnh cả ở Trung Hoa và ở Việt Nam.

Nho Giáo có cổ hủ?

Nếu bỏ qua những giáo điều ở mức phổ thông đại chúng, tức dạy con người ta làm điều thiện, điều lành, điều tốt, mà hầu như giáo lý nào cũng có đề cập đến, theo cách riêng của mình, thì những cốt yếu của Nho Giáo đã không còn hợp thời trong một xã hội dân chủ và bình đẳng nữa. Xin mở ngoặc ngoài lề, là xu hướng văn minh của nhân loại càng ngày càng tiến gần hơn với các giáo điều của đạo Lão, nơi mà con người ta và Vũ Trụ vạn vật, cỏ cây hoa lá đều nên sống cách công bình, bác ái với nhau.

Nho Giáo đã không còn đất dụng?

Thật ra thì điều khiến cho Nho Giáo tồn tại vào vài trăm năm trước, vẫn có thể ứng vào xã hội ngày nay. Cụ thể nhất là ở Xứ Kimchi và xứ Thái Dương Thần Nữ vẫn thể hiện rõ vết điêu khắc, chạm trổ cách đẹp đẽ của Nho Giáo lên xã hội. Các mối quan hệ trong xã hội vẫn thể hiện rõ nét các triết lý đặc trưng của đạo Khổng, từ trong gia đình đến ngoài xã hội.

Vậy nên:
Nếu có thể áp dụng đạo Khổng thành công trong toàn xã hội, thì có thể thiết lập được một xã hội chặt chẽ, hiệu quả cao, đạt được những phát triển mau chóng trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, rõ ràng là trật tự này đi ngược lại với tư tưởng dân chủ, và công bằng xã hội. Xin nói ngoài lề là, ngược với quân chủ, tư tưởng dân chủ (một tư tưởng rất hiện đại, chỉ vừa mới rộ lên trong thế kỷ trước) nhắm tới xây dựng một xã hội tự do hơn, công bằng hơn, và cởi mở hơn, nhưng vì phải hỏi ý kiến, và đợi sự đồng thuận của đại đa số người dân, qua hình thức phổ thông đầu phiếu, nên mô hình xã hội này kém hiệu quả hơn, tốc độ tăng tiến chậm chạp hơn. Tuy nhiên, chính vì sự chậm chạp này, mà xã hội ổn định hơn, và vững chắc hơn.

Đây cũng là cách đi của phần lớn các nước phát triển phương Tây, và cũng đang là suy hướng chung trên toàn thế giới. Suy cho cùng, mô hình nào, khi áp dụng đúng đắn, cũng đều có những sở trường, sở đoản, có những lợi thế và bất cập riêng. Nhưng Khổng Giáo ngày càng yếu thế vì xã hội ngày càng khó chấp nhận trật tự giai tầng của Khổng Giáo.

Viện Khổng Tử:
Tại Trung Hoa, khoảng 2 ngàn năm trước, Đạo Lão và Đạo Khổng xuất hiện hầu như cùng một lúc, chỉ cách nhau chừng 40 năm, giá trị có lẽ tương đương, nhưng bản thân tôi nghiêng rất nhiều, rất trọng về đạo Lão. Vậy tại sao vào thời điểm này, khi mà đạo Khổng đã hầu như thất sủng, thì lại được TQ đào lên, và ra tâm cố sức xây nhiều huyệt mộ trên toàn thế giới mà không phải là đạo Lão? Câu trả lời có lẽ là vì:

CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN, CHẲNG QUA CHỈ LÀ CHẾ ĐỘ PHONG KIẾN TRONG VỎ BỌC HIỆN ĐẠI, NÊN LẼ DĨ NHIÊN, ĐẠO KHỔNG LÀ THÍCH HỢP HƠN CẢ. Và với nỗ lực tái thiết đạo Khổng, Trung Hoa đang nỗ lực tái thiết nền Quân Chủ Chuyên Chế, trước tiên là trên chính Trung Hoa, và sau đó là trên mọi miền đất mà nó có thể ảnh hưởng.

© Nancy Nguyễn

No comments:

Post a Comment