(Tin tức thời sự) - Từ đổ lỗi cho ông Trời, chủ đầu tư công trình hầm Đạ Dâng đã chuyển sang đổ lỗi do tư vấn thiết kế Trung Quốc bị sai.
Không thể đổ lỗi do tư vấn thiết kế
Trước việc, Thượng tá Trần Văn Giản, Tổng Giám đốc công ty Cổ phần Lũng Lô 2 - đơn vị từng thi công hầm thủy điện Đạ Dâng cho biết: "Thiết kế kỹ thuật và địa chất do Viện Thiết kế Thủy điện - Thủy lợi Nam Ninh (Trung Quốc) thực hiện không giống với thực tế địa chất công trình nên phải dừng thi công. Hơn nữa, thiết kế khác thực tế nên quá trình thi công phát sinh nhiều vấn đề nhưng không tìm được tiếng nói chung với chủ đầu tư. Nên hậu quả cuối cùng là vụ sập hầm như vừa qua".
TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn Khoa học Công nghệ và Quản lý TP.HCM HASCON; Viện trưởng Viện Điện – Điện tử – Tin học EEI cho biết: "Nếu nói do thiết kế sai là không chấp nhận được, vì chắc chắn chủ đầu tư phải duyệt cả khảo sát, cả kỹ thuật, thiết kế thi công, giờ lại đi đổ tội cho đơn vị tư vấn thiết kế là không được vì không có bằng chứng, chắc chắn chủ đầu tư đã có khâu duyệt thiết kế".
Mặt khác, để xác định nguyên nhân của sự cố tại một công trình đang xây dựng, đòi hỏi phải có thông tin về 4 yếu tố, 4 tài liệu: Kết quả khảo sát địa chất, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công, Thực hiện thi công (trong đó có Giám sát thi công).
Nếu theo lí thuyết, công việc đào hầm dẫn nước thủy lợi, thủy điện, đào hầm làm đường giao thông, đào hầm khai mỏ, hoặc đào hầm quân sự, đều có hai phương thức cơ bản, vừa đào vừa gia cố vách hầm, hoặc đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố vách hầm.
Dùng phương thức nào là do Thiết kế thi công quyết định, trên cơ sở Kết quả khảo sát địa chất và Thiết kế kỹ thuật. Còn theo kinh nghiệm thực tế, khi đào các hầm xuyên nền đá, thường theo phương thức đào xong toàn bộ hầm rồi mới gia cố, còn khi đào các hầm xuyên nền đất, thường theo phương thức vừa đào vừa gia cố.
Trường hợp này, báo chí đưa tin, đào hầm xuyên nền đất, nhưng lại không sử dụng phương thức vừa đào vừa gia cố vách hầm. Nếu như vậy, thì dễ dàng nhận ra nguyên nhân trực tiếp của sự cố là ở đây.
Chủ đầu tư đang vòng vo trốn trách nhiệm
|
Hơn nữa, nếu theo giải thích của ông Võ Nhật Thăng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng điện Long Hội (chủ đầu tư thủy điện Đạ Dâng - Đạ Chomo), thì tất cả chỉ là tại Ông Trời!
“Địa chất ở khu vực này rất phức tạp, sự cố xảy ra không phải do gãy vòm sắt mà vì công trình kéo dài cả chục tháng, cốp pha (bằng gỗ) bị mục nên đất tụt xuống, máy móc vào cũng gây rung động, trời mưa kéo dài hơn 1 tháng, nước và đất chảy ra từ các khe của phần chắn cũng là một trong những nguyên nhân”, ông Thăng lý giải.
Nhưng thực chất, chủ đầu tư là người phê duyệt Kết quả Khảo sát địa chất, Thiết kế kỹ thuật, Thiết kế thi công, và thường xuyên kiểm tra việc thực hiện thi công công trình.
Đây là hình thức, buộc người dân phải hiểu chủ đầu tư chỉ “thay mặt ông Trời” nói lời xin lỗi, còn chủ đầu tư thì vô can!
Đừng đổ lỗi cho thủy điện
Trong một khía cạnh khác, theo nhận định của ông Phúc thì đơn giản đây là sự cố thi công công trình, sự cố của công việc đào hầm. Lưu ý rằng tháng 12/2007 đã xảy ra vụ sạt lở đá tại Mỏ đá D3 thuộc khu vực công trình thủy điện Bản Vẽ Nghệ An, làm 18 người chết, là sự cốlở núi (không phải sự cố sập hầm), cũng không thể đổ lỗi cho thủy điện Bản Vẽ.
Thứ nhất, công việc đào hầm thường có trong các công trình giao thông, công trình khai mỏ, công trình quân sự, công trình thủy điện.
Trong giao thông đường sắt, đầu thế kỷ 20, ở VN người Pháp đã đào cả mấy chục hầm, có những hầm dài tới vài Km; trong giao thông đường bộ chúng ta đã đào đường hầm Hải Vân dài cả chục Km, hầm Đèo Cả, hầm Thủ Thiêm và nhiều hầm khác;hiện nay chúng ta đang đào hàng mấy chục Km đường hầm tàu điện ngầm giữa thành phố Sài Gòn.
Trong khai thác khoáng sản, hàng trăm Km đường hầm ở các mỏ than, các mỏ vàng, mỏ sắt…Còn trong quân sự, hàng trăm Km địa đạo Củ Chi và khắp miền Nam trong chiến tranh, hàng trăm Km đường hầm chiến đấu của quân đội.
Việt Nam đã có trên dưới 1000 nhà máy thủy điện lớn nhỏ. Mỗi thủy điện đều có đường hầm dẫn nước từ Cửa xả nước công tác của hồ xuống tourbine phát điện, tùy theo nhà máy lớn nhỏ và điều kiện địa hình, hầm có thể dài mấy chục mét đến vài Km.
Thứ hai, trên đất nước VN chúng ta đã có nhiều ngàn Km đường hầm, và đã có không ít sự cố sập hầm xảy ra, trong đó nhiều nhất và nguy hiểm nhất là ở cácđường hầm thuộccác Mỏ than và khai khoáng, việc cứu hộ ở đó vô cùng khó khăn và vô cùng nguy hiểm, chứ không như ở các hầm giao thông hay các hầm thủy điện.
Thứ ba, chúng ta đã có khoảng trên dưới 1000 Km hầm thủy điện. Tất cả trước đây thi công đều an toàn, Đạ Dâng là sự cố đầu tiên trong thi công hầm thủy điện ở VN.
Sự cố hầm Đạ Dâng thực chất là sự cố thi công hầm, chứ không phải sự cố của thủy điện.Cho nên những người cố tình đổ lỗi sự cố này cho công trình thủy điện là không khoa học, không khách quan, là cố tình bôi xấu thủy điện.
Thứ tư, nguyên nhân của sự cố thi công công trình phải trên cơ sở những yếu tố cơ bản là: Kết quả khảo sát địa chất, thiết kế kỹ thuật công trình trên cơ sở kết quả khảo sát địa chất, thiết kế thi công trên cơ sở thiết kế công trình và khảo sát địa chất, thực hiện thi công theo đúng thiết kế thi công và tăng cường các biện pháp an toàn tùy theo diễn biến tình hình thực tế.
Và như vậy khi sự cố xảy ra, lỗi là lỗi của việc thi công đường hầm chứ không phải lỗi của các công trình giao thông, khai mỏ, quân sự, hay thủy điện.
- TS Nguyễn Bách Phúc
No comments:
Post a Comment