Tân Ngọc Già (Danlambao) - Vì sao ông Trần Văn Truyền không bị khởi tố bỏ tù?! Biết rằng sẽ không có câu trả lời thỏa đáng cho câu hỏi này. Nhưng trách nhiệm phải nói như con vẹt là sẽ thuộc về các cơ quan chức năng thẩm quyền và giới chóp bu theo điều 4 Hiến pháp. Thế nhưng là một luật gia được "dạy dỗ" phải trung thành sống làm việc theo Hiến pháp và pháp luật, rồi còn phải kế thừa "tư duy dạy bảo" của Hồ Chí Minh tôi xin phân tích dưới góc nhìn nội chính về hành vi sai phạm của ông Trần Văn Truyền như sau:
Chuyện của ông Trần Văn Truyền chẳng cần phải nói viết dài dòng, mời mọi người hãy cùng xem các điều luật dưới đây, có kèm theo trích đoạn kết luận sai phạm của Ban bí thư và sự phân tích mang tính khoa học pháp lý hiện hành chắc chắn sẽ hiểu rõ thế nào là phạm tội.
- Trước tiên bàn “về căn nhà công vụ tại số 61 đường Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà nội. Năm 2004, Trần Văn Truyền được Chính phủ cho thuê nhà công vụ phòng số 607-B1 khu nhà A, 61 Trần Quang Diệu, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội với diện tích 95m2... Tháng 10/2011 Trần Văn Truyền nghỉ hưu theo chế độ. Đầu năm 2014 khi có thông tin, dư luận về thực hiện chế độ nhà công vụ và ủy ban kiểm tra trung ương nắm tình hình thì ông mới đề nghị trả lại nhà”.
- Trong khi điều 142 BLHS quy định tội sử dụng trái phép tài sản:
1. Người nào vì vụ lợi mà sử dụng trái phép tài sản của người khác, có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ hai năm đến năm năm: a/ phạm tội nhiều lần; b/ lợi dụng chức vụ, quyền hạn; c/ gây hậu quả rất nghiêm trọng; d/ tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ ba năm đến bảy năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến hai mươi triệu đồng, cấm lạm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
Theo tinh thần điều luật trên cho thấy ông Truyền sử dụng căn nhà không hợp lệ liên tục kéo dài nhiều năm kể từ sau khi nghỉ hưu (tháng 10/2011) đến khi có thông tin dư luận ông mới đề nghị trả lại tài sản xã hội chủ nghĩa, tính ra thời gian sử dụng trái phép khoảng ba năm.
Theo nghị quyết 01/2006 NQ-HĐTP Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và theo phần 2 Thông tư liên tịch số 02/2001 TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP hướng dẫn “...trị giá tài sản bị sử dụng trái phép... được xác định theo giá thị trường của tài sản đó tại địa phương vào thời điểm tài sản bị... sử dụng trái phép”. Trong trường hợp này giá trị tài sản mang ý nghĩa tính chất, mực độ cần thiết phải khởi tố và chắc chắn là không dưới năm mươi triệu đồng, còn tình tiết lợi dụng chức vụ quyền hạn thì đã rõ và tình tiết gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng chỉ mang ý nghĩa định khung do hành vi “gây ra hậu quả phi vật chất làm ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng xấu về an ninh trật tự an toàn xã hội” tuy nhiên Thông tư liên tịch 02 chỉ hướng dẫn chung, không xác định rõ “hậu quả phi vật chất” gây ra là như thế nào… “...trong các trường hợp này phải tùy vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.”
- Tiếp theo “...về thửa đất tại số: 598B5 Nguyễn Thị Định, Phú Khương, thị xã Bến tre, tỉnh Bến tre: Trần Văn Truyền được quân khu 9 cấp với diện tích 210m2 (diện tích trên thực tế là 351 m2). Tuy không phải là cán bộ quân đội nhưng được cấp mảnh đất trên là do Tỉnh đội Bến Tre đề nghị với quân khu 9… Năm 2007 Ủy ban kiểm tra trung ương tiến hành kiểm tra Ban thường vụ tỉnh ủy Bến tre về nhà ở, đất ở. Qua kiểm tra cho thấy năm 1992 đồng chí Trần Văn Truyền đã nhận đất của quân khu 9, đến năm 2003 đồng chí lại được tỉnh bán cho căn nhà số 06 Lê Quý Đôn, phường 1, thành phố Bến Tre do đó đã yêu cầu đồng chí Truyền trả lại mảnh đất trên. Trong khi chưa giải quyết xong thì đến năm 2013 Truyền lại làm đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này cho con dâu làm kho chứa bia và đã dược Sở xây dựng cấp giấy phép…”. Như vậy từ năm 2007 đã yêu cầu ông Truyền trả lại mảnh đất trên, trong khi chưa giải quyết xong kéo dài 6 năm sau ông lại làm đơn xin làm nhà tạm trên lô đất này rõ ràng đây là hành vi sử dụng tài sản trái phép tài sản. Dấu mốc tính kể từ năm 2007 và tình tiết làm đơn xin làm nhà tạm còn thể hiện ý thức chủ quan mong muốn, cố ý thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản của Nhà nước đến cùng.
Như vậy ông Truyền đã hai lần thực hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản là nhà công vụ số 61 đường Trần Quang Diệu quận Đống Đa, Hà Nội và thửa đất số 598B5 Nguyễn Thị Định, phường Phú Khương, thị xã Bến Tre, tỉnh Bến Tre. Các hành vi trên đã đủ yếu tố cấu thành tội sử dụng trái phép tài sản theo điều 142 BLHS.
- “...về căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển, phường 15, quận Phú Nhuận, TPHCM. Năm 2003 khi đã chuyển ra Hà Nội công tác, Trần Văn Truyền đã có đơn gửi UBND TPHCM trình bày hoàn cảnh có nhu cầu cần nhà ở tại TPHCM và đã được UBND Thành phố giải quyết cho đồng chí thuê căn nhà số 105 Nguyễn Trọng Tuyển phường 15, quận Phú nhuận. Năm 2008, do thời hạn hợp đồng gần hết. Truyền có làm đơn và được công ty quản lý-kinh doanh nhà TPHCM đồng ý chuyển tên trong hợp đồng cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ tiếp tục được thuê căn nhà trên. Đến tháng 3/2011 Truyền làm đơn đề nghị UBND TPHCM bán căn nhà này cho ông và để con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên. Sau đó cơ quan chức năng Thành phố đã đồng ý bán căn nhà trên cho bà Trần Thị Ngọc Huệ...”. Rõ ràng bằng thủ đoạn kim thuyền lột xác ông Truyền đã để cho con gái là Trần Thị Ngọc Huệ đứng tên mua hóa giá căn nhà 105 Nguyễn Trọng Tuyển theo nghị định 61/CP trong khi “...còn một lô đất gần 8000m2 của con gái đồng chí là Trần Thị Ngọc Huệ mua nhưng chưa sử dụng”.
Đối chiếu với điều 283 BLHS: Tội lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi:
1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp hoặc qua trung gian đã nhận hoặc sẽ nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới mười triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm hoặc liên quan trực tiếp đến công việc của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.
2. Phạm tội thuộc một trong hai các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ sáu năm đến mười ba năm: a/ có tổ chức.; b/ phạm tội nhiều lần.; c/ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ mười triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng.; d/ gây hậu quả nghiêm trọng khác.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ mười ba năm đến hai mươi năm: a/ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới ba trăm triệu đồng.; b/ gây hậu quả rất nghiêm trọng khác.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân: a/ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên.; b/ gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ một năm đến năm năm, có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi.
Rõ ràng ông Truyền đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để hưởng lợi vật chất dưới hình thức mua hóa giá nhà trái nguyên tắc luật định đem lại lợi nhuận cá nhân hàng tỷ đồng và theo khoản 4 điều luật trên cho thấy tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ ba trăm triệu đồng trở lên thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung thân. Cho thấy, ông Truyền đã có rất nhiều lần vi phạm pháp luật và cùng lúc phạm nhiều tội rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có dấu hiệu tội phạm tham nhũng rõ ràng nhưng không hiểu sao “...Ban bí thư vừa có quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo ông Trần Văn Truyền do có vi phạm, khuyết điểm trong việc thực hiện chế độ chính sách nhà ở, đất ở và trong công tác cán bộ”. Rõ ràng chống tham nhũng như gở ghẻ và rồi Ban bí thư còn chỉ đạo“...các tổ chức, cá nhân rút kinh nghiệm về những thiếu sót khuyết điểm trong việc quyết định, xử lý một số trường hợp về nhà đất có liên quan đến sai phạm của ông Trần Văn Truyền”. Xem ra những ai tiếp tay và bao che ông Truyền đều có thể bị khởi tố theo Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai (Điều 174); Tội thiếu trách nhiệm gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của Nhà nước (Điều 144) và Tội không truy cứu trách nhiệm hình sự người có tội (Điều 294 BLHS). Thế nhưng những tổ chức, cá nhân có liên quan này và việc lại quả căn nhà số 465/48C khu phố Phước Hậu, phường Long Phước, quận 9, TPHCM từ những phi vụ chạy án khiếu nại giữa bà luật sư Phạm Thị Kim Anh (Đoàn luật sư tỉnh Bình Dương) với ông Trần Văn Truyền xem như chìm xuồng. Điều đáng buồn tội phạm hình sự khác tại Việt Nam trộm cắp vài con vịt đã phải đi tù nhiều năm hoặc trộm một chú chó thì bị đánh đập cho đến chết không cần phải xét xử. Ngẫm lại ông bà xưa có câu “cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”. Đất nước bước sang thế kỷ 21 rồi mà câu nói xưa vẫn đúng y như kinh sách. Nghĩ lại cũng nên nhổ toẹt vào mặt Bộ chính trị-Ban bí thư đảng cộng sản Việt Nam, cả một hệ thống chính trị công quyền đang tập tành học mót trò hề “đả hổ diệt ruồi” ruồi Trần Văn Truyền, ruồi Hồ Quốc Việt và sẽ còn nhiều ruồi khác nữa vừa bẩn thỉu, vừa cải lương nửa vời. Ôi thương thay kiếp làm người dân đất Việt còn dưới sự lãnh đạo của tập đoàn Cộng sản công bằng lẽ phải còn ở tận đâu đâu.
No comments:
Post a Comment