(Baodatviet) - Mỹ đang tìm cách giúp Pháp bán tháo hai tàu Mistral cho một nước thứ ba, thay vì bàn giao cho Nga. Và Canada là địa chỉ được Mỹ gửi gắm.
Canada được chọn mặt gửi... Mistral
Trong thời gian qua, Pháp liên tục trì hoãn việc giao tàu Mistral cho Nga. Một mặt, Pháp cho rằng chưa thích hợp bàn giao vì Nga vẫn chưa có thái độ tích cực trong việc giải quyết khủng hoảng Ukraine, và mặt khác, Pháp tự buộc cho mình phải có trách nhiệm của nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề của khu vực.
Nga cũng như nhiều nhà phân tích chỉ rõ rằng bản chất của vấn đề Mistral không nằm ở thái độ của Nga với Ukraine, mà ở thái độ của Mỹ với Pháp. Washington đang ra tăng rất nhiều sức ép để Mistral không về được với tay Moscow.
Tuy nhiên, Pháp đang buộc phải lựa chọn một trong hai vấn đề: Hoặc câu giờ để tình hình Ukraine êm xuôi rồi bàn giao Mistral cho Nga, hoặc tìm kiếm một nước thứ ba để bán hai tàu chiến này, gỡ gạc được tiền đóng phạt hợp đồng. Dù vẫn tốn kém nhưng còn hơn bị đồng minh phương Tây tẩy chay.
Nhưng để tìm được một quốc gia có nhu cầu sử dụng Mistral là rất khó. Và dù Pháp thuận theo Mỹ trong việc chậm trễ bàn giao tàu, thì chí ít, Mỹ cũng phải tỏ cho họ thấy thiện chí rằng Washington sẽ sát cánh cùng Paris để... giải quyết hậu quả.
Tàu Mistral Vladivostok (bên trái) vẫn nằm tại cảng biển của Pháp nhiều tháng nay dù đã được hoàn thiện |
Và thay vì chơi kiểu đàn anh, bỏ tiền mua Mistral cho Pháp, thì Mỹ tiếp tục đánh tiếng để Canada dang tay nhận hai con tàu hiện đại này.
Vì sao Mỹ chọn Canada?
Đồng minh của Mỹ trải khắp thế giới, và những quốc gia có đủ điều kiện kinh tế để mua, sử dụng hai chiếc tàu Mistral này là không ít. Tuy nhiên, Mỹ không liên hệ với bất kỳ ai mà lựa chọn thẳng Canada.
Theo phân tích của Washington, Canada có lãnh thổ rộng lớn (chỉ sau Nga) và đường bờ biển cực dài, lãnh hải của họ cũng rất lớn. Tuy nhiên, do Canada tách biệt ở Bắc Mỹ và chỉ chung biên giới với “người hàng xóm đáng tin cậy” là Mỹ nên trước nay họ không có nhu cầu duy trì một hạm đội mạnh.
Còn giờ tình hình đã khác. Canada gần đây cảm thấy vùng ảnh hưởng của họ ở Bắc Cực đang bị đe dọa bởi Nga. Những tháng gần đây, Nga chịu áp lực thù địch của phương Tây đã khởi động lại một loạt chương trình quân sự và đặt trọng tâm bảo vệ lợi ích tại Bắc Cực.
Nga đã thành lập Bộ tư lệnh Bắc cực vào cuối năm ngoái đồng thời chuẩn bị xây dựng các căn cứ quan sự trên Bắc cực cũng như điều thêm tàu ngầm chiến lược cho hạm đội phương Bắc. Canada cho rằng việc Nga củng cố hiện diện quân sự tại Bắc Cực sẽ đe dọa đến lợi ích của Canada tại đó. Chính vì vậy, Canada đang thay đổi triết lý quân sự và bắt đầu muốn có một hạm đội mạnh.
Tàu Mistral chạy bảo dưỡng trong cảng biển của Pháp |
Các tàu Mistral Pháp đóng cho Nga thật sự hấp dẫn với Canada cho dù họ biết sẽ phải cải tiến đáng kể trước khi giao cho Hải quân Hoàng gia Canada. Tuy nhiên, do Nga và Canada đều là xứ lạnh nên việc cải tiến để tàu Mistral hoạt động ở vùng băng giá sẽ không nhiều.
Canada tự tin các nhà máy đóng tàu trong nước họ có thể đảm nhiệm tốt công việc này. Hơn nữa, Mỹ vốn thúc đẩy vụ “mai mối” này cũng sẽ có trách nhiệm giúp Canada trang bị lại hệ thống vũ khí cho phù hợp với “chuẩn Mỹ”.
Như vậy, với việc đánh tiếng để Canada mua tàu quân sự Mistral của Pháp sẽ giúp Mỹ nhất cử lưỡng tiện: Vừa giải quyết vấn đề khắc phục những hệ quả mà Mỹ gây ra cho đồng minh Pháp, vừa gia tăng sức mạnh để đồng minh Canada đủ sức làm chỗ dựa che chắn trên đầu Mỹ trước những vũ khí hiện đại mà Nga đang treo trên Bắc Cực.
Dù Washington đã đánh tiếng, nhưng thực tế chưa chắc Ottawa đã nhận lời. Bởi lẽ tai tiếng về hai con tàu Mistral này không phải là ít. Thực tế, sở hữu được hai con tàu Mistral hiện đại này, sức mạnh của hải quân Canada sẽ tăng lên đáng kể.Canada có nhận lời?
Nhưng Mistral không phải là loại vũ khí mua để trang bị lúc nào cũng được, nó còn tùy thuộc vào chiến lược và kế hoạch sử dụng. Như với Nga, họ xây dựng một chiến lược hiện đại hóa hải quân lấy tâm điểm là hai con tàu Mistral này. Còn với Canada, họ chưa có kế hoạch đó.
Thủy thủ Nga luyện tập điều khiển tàu Mistral trên đất Pháp làm lễ chào cờ |
Đồng thời, Mistral là dòng tàu vận tải đổ bộ cỡ lớn, và thường được gọi với cái tên là tàu sân bay trực thăng. Và để phát huy được 100% sức mạnh, Ottawa cần phải chuẩn bị trước một loạt các trang thiết bị đi kèm, ít nhất là vài chục chiếc trực thăng chiến đấu, vận tải, săn ngầm đi kèm với hai chiếc Mistral.
Điều này sẽ khiến chi phí mà Canada bỏ ra không chỉ gói gọn trong việc mua hai con tàu, mà còn phát sinh rất nhiều hệ lụy tốn kém đi kèm.
Tất nhiên những chi phí đó chỉ mang tính ước chừng, trong điều kiện hai chiếc Mistral mà Pháp bán cho Canada có thể sử dụng được ngay. Nhưng đây lại là bản thiết kế theo đơn đặt hàng của Nga, phục vụ mục đích quân sự của Nga - quốc gia đối lập với hệ thống vũ khí của phương Tây.
Bản thân Moscow đã nhiều lần ung dung tuyên bố: Nếu không bán Mistral cho Nga, Pháp sẽ không thể bán cho một nước thứ ba. Bởi đơn giản, đây là con tàu của Nga, nó được trang bị hệ thống điện tử liền mạch bằng công nghệ Nga. Và 1/3 con tàu là theo thiết kế của người Nga.
Nói cách khác, Moscow khẳng định không bán cho Nga con tàu này, Pháp chỉ còn nước dỡ bỏ con tàu mà bán sắt vụn. Thông tin này đủ cơ sở để một nước thứ ba bỏ hàng tỉ USD để mua hai con tàu về phải đau đầu cân nhắc, kể cả Canada.
Đỗ Phong (Tổng hợp)
No comments:
Post a Comment