(Bảo vệ người tiêu dùng) - Từ ngày 1/1/2015, toàn bộ 38 loại hoa quả Australia nằm trong danh mục nhập khẩu vào Việt Nam chính thức tạm dừng.
Lo dịch bệnh cho hoa quả
Thông tin từ Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) chính thức xác nhận trên TTXVN.
Được biết hiện Việt Nam cũng đã có thông báo trước thời hạn này 60 ngày, đúng theo quy định của quốc tế.
Quyết định này được Cục Bảo vệ thực vật đưa ra trong bối cảnh tại Australia đang có dịch ruồi đục quả (fruit fly) hiện đã bùng phát thành dịch trên nhiều loại hoa quả. Trong khi đó, ruồi đục quả là đối tượng kiểm dịch của Việt Nam.
"Dịch ruồi đục quả không gây hại nhiều tới sức khỏe người tiêu dùng nhưng có nguy cơ lây lan thành dịch và nằm trong đối tượng buộc phải kiểm dịch khi nhập khẩu vào Việt Nam. Theo đó, biện pháp dừng nhập khẩu hoa quả sẽ là biện pháp cấp thiết để phòng chống dịch bệnh lây lan", ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật khẳng định.
Cục trưởng Nguyễn Xuân Hồng cũng cho biết, lệnh tạm dừng nhập khẩu hoa quả sẽ kéo dài cho đến khi nào phía Australia công bố không còn dịch bệnh và đáp ứng các tiêu chuẩn kiểm dịch thực vật của Việt Nam thì sẽ mở cửa thông thương trở lại.
Kiểm tra, xác định thành phần dư lượng chất bảo quản có trong hoa quả nhập khẩu. Ảnh TTXVN |
Sức khỏe người dân tự lo?
Việc kiểm soát chặt chất lượng rau củ, trái cây... là mong mỏi của người tiêu dùng Việt Nam từ lâu, song đến nay khâu này vẫn được cho là có nhiều kẽ hở.
Những người tiêu dùng đang phải trở thành những "nhà thông thái" bởi nếu không sẽ bỏ tiền mua chính thức ăn đầu độc cho mình.
Tuy nhiên trên thực tế, lượng rau quả từ Trung Quốc vẫn đang tràn vào thị trường Việt Nam thông qua nhiều con đường, nhất là đường tiểu ngạch song việc kiểm soát dường như đang 'bó tay'.
Hiện theo con đường chính ngạch số liệu của Bộ Công thương 8 tháng đầu năm 2014 cho thấy Việt Nam nhập 83,8 triệu USD, (tăng 91,55%), các loại rau, quả được nhập từ thị trường Trung Quốc.
Còn con đường tiểu ngạch, trái cây Trung Quốc tràn vào thị trường Việt Nam, thậm chí vào cả trong siêu thị và được dán cả mác trái cây Úc, Mỹ, New Zeland...
Theo số liệu của UBND tỉnh Lạng Sơn, từ đầu năm đến tháng 9/2014, đã có 235.000 tấn rau quả các loại nhập khẩu chính ngạch từ Trung Quốc qua các cửa khẩu của tỉnh, trung bình mỗi ngày 700-1.000 tấn.
Riêng mặt hàng táo, theo thống kê của Cục Bảo vệ thực vật, 7 tháng đầu năm 2014, Việt Nam nhập gần 38.600 tấn, trong đó, táo Trung Quốc đứng đầu về số lượng nhập khẩu, chiếm gần 60%.
Dù có không ít lo ngại về chất bảo quản trong sản phẩm táo Trung Quốc nhưng lượng tiêu thụ của loại trái cây này vẫn rất lớn.
PGS.TS Phạm Xuân Đà, Viện trưởng Viện Kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia từng thừa nhận, chính ông đã mua trái lê Trung Quốc ở Hà Nội và để trong môi trường bình thường. Sau 5 tháng, trái lê chỉ héo một chút. Điều đáng lo ngại là, theo ông Đà, để kiểm nghiệm xác định quả lê chứa chất gì mà có thể tươi lâu như vậy lại không hề dễ dàng.
PGS.TS Phạm Xuân Đà cho biết tình trạng rau quả Trung Quốc nghi chứa hóa chất bảo quản độc hại đã xuất hiện từ rất lâu, cơ quan chức năng nhiều lần lấy mẫu để kiểm tra nhưng không phát hiện gì bất thường vì không đủ phương tiện và căn cứ để đọc tên hóa chất ấy.
Hiện nay, có đến 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật, bảo quản rau quả được sử dụng nhưng labo trong nước chỉ có chất thử và phương pháp định danh khoảng 600 loại.
Cục trưởng bảo bình thường
Trước thông tin là táo, lê nhập từ Trung Quốc về bán trên thị trường Việt Nam nhưng tới 5 tháng mà vẫn tươi, ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc kiểm tra trái cây nhập khẩu của Việt Nam hoàn toàn đúng quy trình, theo thông lệ quốc tế, chỉ có những người có thể chưa hiểu nên mới ý kiến nọ kia.
Ông dẫn chứng, táo, lê có rất nhiều loại giống, có những giống bảo quản được 6-10 tháng.
"Nguyên lý để bảo quản trái cây được tươi khác hoàn toàn nguyên lý bảo quản mứt, bánh kẹo - những sản phẩm chế biến. Trái cây sau khi hái từ trên cây xuống vẫn là một thực thể sống, tế bào vẫn hoạt động và vẫn có quá trình trao đổi chất.
Nếu bảo quản trong nhiệt độ thấp (1-5 độ C là phù hợp nhất cho táo, lê), rồi sử dụng các chất điều hòa sinh trưởng, tức dùng hoóc môn thực vật chứ không phải thuốc độc hại, thì trái cây để được hàng tháng trời là chuyện rất bình thường".
|
Phương Nguyên
No comments:
Post a Comment