Sunday, January 25, 2015

VN có nên học theo mô hình TQ?

 Đặng Trung Gửi tới BBC từ TP. Hồ Chí Minh22 tháng 1 2015
Một trong những nỗi đau của Việt Nam, là một mặt không thích Trung Quốc, luôn phải đề phòng Trung Quốc, nhưng vẫn phải lấy nước láng giềng này ra để biện minh cho đường lối phát triển của mình: “Trung Quốc đấy, Chủ nghĩa Xã hội đấy, vẫn giàu kia mà”.
Tuy nhiên, nếu Trung Quốc là một niềm cảm hứng lớn cho phát triển, thì các nước đang phát triển khác cũng phải chuyển sang chế độ Xã hội Chủ nghĩa để học theo Trung Quốc chứ. Tại sao chẳng có nước nào làm vậy. Khi một nước có bước nhảy vọt trong thời gian ngắn để lên đến vị trí thứ hai trong nền kinh tế thế giới mà không có ai học theo, đó quả là một điều không bình thường.
Quản lý đất nước có giống quản lý gia đình?
Có thể lấy một ví dụ vui thế này: Có một gia đình không cần phải quản lý con cái, để cho con phát triển tự do – một cách giáo dục hiếm thấy, nhưng đứa trẻ nhà họ vẫn ngoan ngoãn, học hành chăm chỉ.
Nếu nhìn vào đó mà cho rằng đó là cách giáo dục tốt nhất để rồi áp dụng vào gia đình và tin tưởng con mình sẽ ngoan như con nhà hàng xóm thì lầm to. Để cho con phát triển tự nhiên “như cỏ cây hoa lá”, cái cây đó tự đứng thẳng được thì không nói làm gì, nhưng nếu nó bị cong queo khi còn nhỏ mà không được uốn nắn từ sớm, để đến khi cây đã cứng thì đã muộn rồi.
Có nhà lại áp dụng thành công phương pháp “roi vọt”, đơn giản là vì con cái họ không chịu nghe nếu không bị đòn. Nhưng cũng đừng nhìn thành quả ấy mà tưởng rằng đòn roi công thức tuyệt đối. Với những đứa trẻ yếu đuối và nhạy cảm, bạo lực lại phản tác dụng mà có khi mang lại hậu quả khôn lường.
Không có một cách giáo dục nào hoàn hảo, một công thức nào tuyệt đối cả. Mỗi cách giáo dục chỉ hợp với một số cá nhân hay một kiểu tính cách nhất định.
Đảng Cộng Hòa Mỹ đã giành kiểm soát lưỡng viện trong kỳ bầu cử giữa kỳ vừa qua
Ngay cả khi áp dụng thành công một phương pháp, ví dụ cho con cái tự do chẳng hạn, nhưng sau một thời gian ngoan ngoãn, đứa trẻ lại bắt đầu có những biểu hiện lơ là, cha mẹ khi đó nếu không muốn con hư thêm thì bắt buộc phải quay sang chính sách “bàn tay sắt”.
Về chính trị, chính trị luôn cần sự đổi mới và có sự giám sát chặt chẽ của người dân, nếu cần thay đổi thì phải thay đổi và nếu đang tốt thì giữ nguyên.
Nước Mỹ tuy bầu ra Tổng thống với nhiệm kỳ 4 năm, nhưng không phải Tổng thống muốn làm gì trong 4 năm đó thì làm. Vẫn còn một cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ nữa mà nếu người đứng đầu Nhà Trắng làm việc không tốt trong 2 năm đầu, Đảng của ông có thể không chiếm đa số tại lưỡng viện qua đó gặp khó khăn khi đưa ra các chính sách.
Tất nhiên nếu không muốn điều đó xảy ra thì nhà lãnh đạo nước Mỹ phải cố gắng mà chứng tỏ rằng mình hoàn toàn xứng đáng với quyền lực tuyệt đối trong tay.

Bắt chước TQ là sai lầm?

Tỉ lệ tăng trưởng kinh tế Trung Quốc đang giảm xuống mức thấp nhất trong 24 năm qua
Có nực cười không khi so sánh chuyện dạy bảo con với lựa chọn chính sách phát triển cho quốc gia, một chuyện quốc gia đại sự với chuyện gia đình “tiểu sự”? Thật ra hai vấn đề có vẻ khác xa nhau nhưng có cùng nguyên lý cả thôi.
Ví như Trung Quốc, họ có thể vẫn phát triển mạnh mẽ dưới chế độ Cộng sản không có nghĩa rằng nước khác cũng có thể phát triển khi đi theo mô hình ấy. Triều Tiên nghèo đói, Cuba chậm phát triển, Lào và Việt Nam ì ạch, đấy là câu trả lời rõ nhất, và đấy cũng là nguyên nhân vì sao tất cả các quốc gia còn lại không đi theo con đường Xã hội Chủ nghĩa.
Họ biết rằng độc tài sẽ kìm hãm sự phát triển và Trung Quốc sẽ còn mạnh mẽ hơn nhiều nếu là một nước tư bản.
Tóm lại, không thể lấy một hiện tượng hiếm hoi duy nhất (Trung Quốc) để chứng minh cho sự đúng đắn của đường lối phát triển. Việt Nam đã độc lập, thống nhất được 40 năm, tức là gần nửa thế kỷ rồi nhưng vẫn không khá lên được là bao. Liệu chừng đó đã đủ để làm sáng tỏ “giấc mơ Trung Quốc” là một giấc mơ không thực tế?
Để kết thúc, xin trích lại một câu chuyện đầy ẩn ý của một thầy giáo dạy triết học tại Việt Nam kể cho các học trò. Người thầy giáo trong một lần dạo chơi ở Sài Gòn đã rất ngạc nhiên khi thấy có một con đường mới toanh, đẹp đẽ và rộng rãi nhưng vắng tanh, trong khi một con đường khác thì chật chội, bụi bặm, nhấp nhô mà người ta cứ chen chúc nhau đi vào.
Tính tò mò đã làm thầy giáo thử đi vào con đường đẹp đẽ, và quyết đi cho đến tận cùng. Kết quả là con đường thênh thang đó dẫn đến một bờ sông không có lối rẽ, hoang vu và vắng người qua lại…
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.

No comments:

Post a Comment