Sunday, January 25, 2015

Chủ thầu phủi trách nhiệm: Biết kêu ai?

Theo NLĐO-Chủ Nhật,21:34 25/01/2015
Làm việc cho chủ thầu trung gian, không có hợp đồng lao động, nhiều người lao động đã bị quỵt tiền lương hoặc không được bồi thường khi bị tai nạn lao động

Cuối tuần qua, từ lá thư kêu cứu gửi Báo Người Lao Động của gia đình anh Huỳnh Văn Ri (SN 1985, ngụ xã Nhuận Phú Tân, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre), chúng tôi đã đến Bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM) để tìm hiểu sự việc.

Bỏ mặc người bị nạn

Nằm trên giường bệnh với đôi chân bị liệt vì tai nạn lao động, anh Ri nghẹn ngào cho biết ngày 8-8-2014, anh cùng một số người theo ông Lê Ngọc Thắng đến làm tại công trình lắp ráp máy chế biến bột mì ở tỉnh Phú Yên do ông Thắng nhận thầu lại từ Công ty TNHH Kỹ thuật Bách Chiến (có trụ sở trên đường Võ Văn Vân, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP HCM). Ngày 18-8-2014, trong lúc thi công, anh Ri bị máy đè lên người gây chấn thương.

Theo bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy, anh Ri bị gãy đốt sống 1, 2, liệt hoàn toàn hạ chi, bí tiểu... Sau khi tai nạn xảy ra, ông Thắng chỉ hỗ trợ anh Ri 40 triệu đồng rồi bỏ mặc cho đến nay. “Nhà nghèo, không có gì đáng giá để bán, chúng tôi phải vay nóng thêm 100 triệu đồng chữa trị cho Ri. Bác sĩ cho biết khả năng phục hồi của Ri khoảng 20%, không biết gia đình sẽ cầm cự được bao lâu” - bà Lê Thị Hồng, mẹ anh Ri, than thở.

Được biết, anh Ri làm công cho ông Thắng theo thỏa thuận miệng với tiền công 180.000 đồng/ngày, không ký kết hợp đồng lao động. Phía Công ty TNHH Kỹ thuật Bách Chiến cũng không biết anh Ri là ai.

 Chủ thầu bỏ mặc anh Huỳnh Văn Ri sau khi anh bị tai nạn lao động và phải điều trị với chi phí hàng trăm triệu đồng
Chủ thầu bỏ mặc anh Huỳnh Văn Ri sau khi anh bị tai nạn lao động và phải điều trị với chi phí hàng trăm triệu đồng

Quỵt tiền công

Mới đây, một số công nhân làm việc cho một chủ thầu xây dựng ở quận 7, TP HCM bức xúc gọi điện đến đường dây nóng Báo Người Lao Động. Theo đó, họ được một người tên Nguyễn Anh Tuấn nhận vào làm việc ở một hạng mục xây dựng mà người này nhận thầu lại từ một đơn vị thi công, tiền công 270.000 đồng/ngày/người. Những tuần đầu, ông Tuấn chi tiền đầy đủ cho công nhân nhưng sau đó lấy lý do đơn vị thi công chưa trả tiền, ông Tuấn chậm trả tiền công rồi bỏ trốn, tắt máy điện thoại, không thể liên lạc được. Công nhân khiếu nại lên đơn vị thi công, nơi đây trả lời đã chi tiền đầy đủ (hơn 100 triệu đồng) cho ông Tuấn.

Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, trong quá trình tư vấn pháp luật, ông đã gặp nhiều trường hợp tương tự như trên, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

“Thông thường, đơn vị thầu chính kêu thầu phụ, thầu phụ kêu tiếp thầu phụ A, phụ A kêu tiếp phụ B… Khi vào làm việc, công nhân và chủ thầu không ký hợp đồng lao động nên khi chủ thầu trung gian ôm tiền công bỏ trốn, công nhân không biết đi đâu để đòi tiền công. Thậm chí bị tai nạn lao động cũng không được bồi thường” - luật sư Hậu cho biết.

Cũng theo luật sư Hậu, điều 99 Bộ Luật Lao động quy định nơi nào sử dụng người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự thì người sử dụng lao động là chủ chính phải có danh sách và địa chỉ của những người này kèm theo danh sách những người lao động làm việc với họ; phải bảo đảm việc họ tuân theo quy định của pháp luật về trả lương, an toàn lao động, vệ sinh lao động. Trường hợp cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự không trả lương hoặc trả lương không đầy đủ và không bảo đảm các quyền lợi khác cho người lao động thì người sử dụng lao động là chủ chính phải chịu trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi đó cho người lao động. Trong trường hợp này, người sử dụng lao động là chủ chính có quyền yêu cầu người cai thầu hoặc người có vai trò trung gian tương tự đền bù hoặc yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật.

“Theo quy định này, gia đình anh Huỳnh Văn Ri có quyền yêu cầu Công ty TNHH Kỹ thuật Bách Chiến chi trả các phí, bồi thường tai nạn lao động theo quy định pháp luật. Đối với trường hợp những công nhân làm việc cho chủ thầu xây dựng ở quận 7 bị người cai thầu quỵt tiền, họ có quyền yêu cầu chủ thầu xây dựng thực hiện nghĩa vụ trả lương theo quy định nêu trên” - luật sư Hậu khẳng định.

Phải có giao kết bằng văn bản
Theo luật sư Nguyễn Văn Hậu, để bảo đảm quyền lợi cho mình, người lao động cần phải có giao kết bằng văn bản với chủ thầu. Trong bản giao kết, phải có địa chỉ, số điện thoại, nơi thường trú của chủ thầu, thỏa thuận tiền lương, ngày giờ trả lương... Có như vậy mới giảm thiểu rủi ro, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động trong quá trình làm việc.

 Bài và ảnh: Trường Hoàng

No comments:

Post a Comment