Sunday, January 25, 2015

Chiến sĩ xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập long đong đi đòi đất

Là thương binh loại 3/4, một trong 4 chiến sĩ lái xe tăng 390 húc đổ cổng Dinh Độc lập ngày 30-4-1975, ông Lê Văn Phượng trở về cuộc sống đời thường như bao nhiêu người lính hoàn thành nhiệm vụ. Được biết đến như một người “anh hùng” trong chiến đấu, nhưng ở quê ông (phường Ngô Quyền, thị xã Sơn Tây, Hà Nội) có người lại quy ông thuộc diện tiêu cực vì mấy năm đấu tranh đòi quyền sở hữu hợp pháp cái ao gần 500 m2 của gia đình ông.
Ông Lê Văn Phượng.
Ông chia sẻ, kể từ năm 2012 tới nay, khi đem đơn khiếu nại đi đòi đất thì chính quyền địa phương chẳng quan tâm tới ông nữa. Thậm chí ngày thương binh liệt sĩ, ngày chiến thắng 30-4 cũng chẳng có ai đại diện cơ quan chính quyền, đoàn thể tới thăm nom.
Ông Phượng ôm ra một đống đơn thư, công văn cho chúng tôi xem. Theo trình bày của ông thì năm 1962 bố ông là Lê Văn Đảm được UBHC thị  xã Sơn Tây cấp cho 300 m2 đất ở phía sau vườn hoa phố Ngô Quyền. Ngoài diện tích này, tại công văn cấp đất được ký ngày 10-12-1962 còn ghi thêm: “Ông Đảm được phép cải tạo những phần đất còn lại hoang hóa để làm nhà ở và tăng gia sản xuất tự túc”. Ông Phượng nhớ lại: “Khi đó xung quanh khu vực này hoang vu, không có ai ở, gia đình tôi đã thu dọn đắp cái ao hoang hóa liền kề với đất ở để thả cá và thả rau. Suốt 50 năm qua gia đình vẫn liên tục thế hệ sử dụng cái ao này và không tranh chấp với bất cứ ai”.
Đã có nhiều người sống liền kề với gia đình ông Phượng nhiều năm qua làm chứng chuyện cái ao. Bà Hoàng Thị Long gần 80 tuổi ở nhà số 4 ngõ Vườn Hoa, phố Ngô quyền cho biết: “Tôi lấy chồng về đây ở từ năm 1962 nên biết rõ cái ao này do cụ Đảm, bố anh Phượng sử dụng. Ngày xưa ở đây hoang vu, cái ao này đã có rồi. Thị xã Sơn Tây cấp cho ông Đảm 300 m2 đất và được phép khai hoang ra xung quanh. Ông Đảm được giao nhiệm vụ trông coi vườn hoa và nhà trẻ khu phố II thị xã Sơn Tây. Khu đất này khi ấy được trồng hoa kín, ông Đảm đã cải tạo cái ao này thả cá và lấy nước tưới hoa là chính. Tôi chỉ thấy ông Đảm sử dụng cái ao này, sau đó là con ông ấy kế tục”. Ông Nguyễn Quang Sâm 75 tuổi cho biết: “Tôi sống ở đây từ 1973, là hàng xóm liền kề với ông Phượng. Tôi biết rất rõ, cái ao này trước đây do cụ Ba Đảm, bố anh Phượng sử dụng, sau là các con cụ kế tục, không tranh chấp với ai cả”. Căn cứ vào những dữ liệu  này thì cái ao này thuộc quyền sở hữu của gia đình ông Phượng. Tại điều 50 khoản 4 Luật Đất đai 2003 nói rõ: “Đất sử dụng ổn định ổn định trước 15-10-1993, không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng Đất mà không phải nộp tiền sử dụng đất”. Điều 87 khoản 2 và 3 cũng nói rõ: “Đối với trường hợp thửa đất ở, có vườn ao hình thành trước ngày 18-12-1980 đến trước ngày luật này có hiệu lực thi hành,và người sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại khoản 1 điều 50, mà trong giấy tờ ghi rõ đất ở thì diện tích đất vườn ao đó được xác định theo giấy tờ đó”.
Vào năm 2012 ông Phượng đã làm đơn xin được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cái ao này. Tuy nhiên, chính quyền phường Ngô Quyền đã bác nguyện vọng, và cho rằng: Cái ao này do UBND phường quản lý. Chứng cớ được UBND phường Ngô Quyền đưa ra gồm 2 bản hợp đồng cho thuê cái ao này giữa UBND phường Ngô Quyền với cụ Đảm (bố ông Phượng) và anh Lê Văn Sơn (em ruột ông Phượng). Bản hợp đồng thứ nhất được ký kết giữa cụ Đảm và UBND phường vào ngày 13-5-1989, có thời hạn 4 năm. Bản hợp đồng thuê thứ 2 được ký kết giữa UBND phường với anh Sơn có thời hạn từ 1-1-1996 đến 1-12-1997. Bản thân ông Lê Văn Phượng và anh em trong gia đình cũng không hề biết bố mình và em ruột lại ký hai bản hợp đồng thuê cái ao mà chính gia đình mình vẫn sử dụng liên tục từ năm 1962. Tuy nhiên ông Phượng đã không chấp nhận đây là chứng cứ cho rằng UBND phường Ngô Quyền quản lý cái ao này. Ông Phượng khẳng định rằng, hai bản hợp đồng này được thực hiện sau Luật Đất đai năm 1980 nên không có giá trị pháp lý nên không thể chấp nhận. Ông kể, nhiều lần UBND phường cho người xuống đo đạc vẽ sơ đồ, quy hoạch cái ao này nhưng không hề hỏi xem ai là người đang sử dụng. Thậm chí UBND thị xã Sơn Tây còn cho người xuống phân lô bán đấu giá cái ao này mà không hề hỏi han gì ông. Trong sổ mục kê và bàn đồ địa chính các thời kỳ cũng không ghi rõ UBND phường Ngô Quyền quản lý trực tiếp cái ao.
Không chấp nhận giải quyết bất hợp lý của UBND thị xã Sơn Tây, ông Lê Văn Phượng đã có đơn đề nghị Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội giải quyết theo thẩm quyền. Ngày 3-1-2013 UBND thành phố Hà Nội đã có Công văn số 124 UBND-BTCD giao cho sở Tài nguyên & Môi trường thành phố làm rõ nội dung đơn khiếu nại của ông Phượng. Sở Tài nguyên Môi trường đã cử người xuống xác minh vụ việc nhưng rất tắc trách. Ông Phượng cho biết: “Cán bộ sở Tài nguyên & Môi trường TP. Hà Nội xuống thanh tra nhưng lại không xuống hiện trường xem cáo ao, không gặp gia đình ông để làm việc, mà chỉ ngồi nghe cán bộ phường Ngô Quyền và cán bộ thị xã Sơn Tây báo cáo”. Và sự thật vẫn không được làm rõ. Bản kết luận của Sở Tài nguyên Môi trường giống hệt như ý kiến của UBND phường Ngô Quyền và thị xã Sơn Tây, không hề có ý kiến cũng như chứng cứ từ phía nhà ông Phượng. Ngày 3-11-2014, căn cứ vào báo cáo của Sở Tài nguyên & Môi trường, UBND thành phố Hà Nội đã ra quyết định giải quyết khiếu nại, bác đơn của ông Phượng.
Được biết đến nay, cái ao này đã được UBND thị xã Sơn Tây chia lô bán đấu giá rồi, tuy nhiên dự án chưa thực hiện được vì còn đang tranh chấp. Cái ao này nằm ở vị thế rất đẹp, giá thị trường tới vài chục triệu đồng 1 m2.

(Theo Đại Đoàn Kết)

No comments:

Post a Comment