Sunday, January 25, 2015

Nền giáo dục Mỹ có hơn của VN?

Hoàng Phong Đại học Cornell, New York, Hoa Kỳ
Theo BBC-5 giờ trước


Trong tiếng Anh có câu thành ngữ: “Cỏ bên kia đồi lúc nào cũng xanh hơn”, ý khuyên người ta đừng đứng núi này trông núi nọ, vì nhìn từ ngoài vào thì mọi thứ luôn có vẻ tốt đẹp hơn thực tế bên trong.
Sau khi du học ở Mỹ thì tôi cũng phần nào thấm thía hơn câu nói này.
Không thể phủ nhận nền giáo dục Mỹ có nhiều điểm ưu việt – không phải vô lý mà học sinh hàng trăm nước trên thế giới, trong đó có rất nhiều học sinh Việt Nam – đổ xô sang Mỹ du học, nhất là cấp 3 và đại học.
Cũng không thể phủ nhận là giáo dục Việt Nam còn có nhiều yếu kém, sai lầm, dẫn đến những tình trạng như học thêm quá nhiều, chương trình học nhồi nhét, sinh viên ra trường thất nghiệp tràn lan.
Tuy nhiên, việc nhìn sơ qua vào các hệ thống giáo dục nước ngoài có vẻ ưu việt, rồi cho rằng giáo dục Việt Nam phải bắt chước một cách máy móc những mô hình đó là một sai lầm. Kể cả giáo dục Mỹ cũng đang phải vật lộn với những vấn đề riêng của họ.

Mỹ: Quá tự do, mất định hướng?

Nước Mỹ nổi tiếng với hệ thống giáo dục đại học Liberal Arts, khi mà học sinh được rất nhiều tự do trong việc lựa chọn các môn học của mình. Phong cách giáo dục này được tôn vinh là dạy cho sinh viên kĩ năng mềm, có thể áp dụng cho bất kì ngành nghề nào, là đào tạo nên những con người toàn tài, “trên thông thiên văn, dưới tường địa lý”.
Tuy nhiên, chính sự tự do này cũng bị chỉ trích là không thực tiễn, nhất là trong bối cảnh kinh tế khó khăn.
Nhiều ngành học bị coi là mang lại quá ít cơ hội việc làm, với mức lương quá thấp, không xứng đáng với số tiền lớn mà sinh viên và gia đình phải bỏ ra.
Tổng thống Obama đã chọn Đại học Kansass làm nơi thảo luận về các chủ đề nêu trong Diễn văn Liên bang của mình hồi cuối tháng Giêng 2015
Câu chuyện một sinh viên có bằng đại học ngành Lịch sử nghệ thuật (Art History) hay Tiếng Anh (English), nhưng khi ra trường phải làm những công việc chân tay lương thấp như phục vụ ở cafe Starbucks hay nhà hàng ăn nhanh McDonald’s đã trở thành một trò đùa phổ biến.
Các chính trị gia từ cả hai đảng, trong đó có cả Mitt Romney và Obama, đều có những lời khuyên nhủ học sinh xem xét việc học lấy một bằng kĩ thuật (học một ngành nghề cụ thể như kế toán, kĩ sư) thay vì một bằng đại học Liberal Arts truyền thống.
Hơn nữa, nền đại học Mỹ còn bị chỉ trích là không giúp thu ngắn khoảng cách phân biệt giàu nghèo, mà còn làm khoảng cách đó nặng nề hơn.
Được nhận vào một trường đại học danh giá, ví dụ như một trường trong nhóm Ivy League, hoặc WASW (Williams, Amherst, Swarthmore, Wesleyan – các trường thường được coi là tốt nhất trong nhóm đại học Liberal Arts nhỏ), thường đòi hỏi học sinh phải có kết quả thi SAT cao, biết chơi nhạc cụ hoặc thể thao, tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa.
Rõ ràng là con em các gia đình giàu có, có đủ điều kiện đi luyện thi SAT, có huấn luyện viên thể thao hay âm nhạc, không phải đi làm thêm hay phụ giúp việc nhà mà có nhiều thời gian tham gia hoạt động ngoại khóa, sẽ luôn có lợi.
Các nghiên cứu cũng chỉ ra rõ rằng kết quả thi SAT có liên quan trực tiếp đến thu nhập bình quân của gia đình. Không đáng ngạc nhiên khi nhóm 1% (những người có thu nhập ở 1% đầu) có thể đưa con cái mình vào những ngôi trường danh tiếng, nơi lại sản xuất ra những con người 1% thể hệ tiếp theo.
Cuối cùng, một nền giáo dục với những trang thiết bị hiện đại và các giáo sư đầu ngành của thế giới không hề miễn phí: ước tính các học sinh Mỹ đang nợ tổng cộng khoảng 1.000 tỷ đô la để chi trả cho quá trình học đại học của mình.

Những lời kêu gọi học tập châu Á

Và khi châu Á, trong đó có Việt Nam, đang tìm cách gửi con em ưu tú của mình sang Mỹ học, thì người Mỹ cũng đang bắt đầu đặt vấn đề học tập cách dạy con của người châu Á.
Người Mỹ lo lắng vì học sinh Mỹ tụt lại sau nhiều nước, trong đó có Trung Quốc (và có cả Việt Nam), về kĩ năng toán và các môn khoa học. Triết lý dạy con theo kiểu mềm mỏng, có phần tự do hơn của phụ huynh Mỹ được đem ra so sánh với triết lý nghiêm khắc, thậm chí có phần khắc nghiệt của người châu Á và gốc Á.
“Khúc chiến ca của mẹ hổ”, cuốn sách của bà mẹ gốc Á Amy Chua về quá trình dạy con vô cùng kỉ luật, đến mức gần như độc tài, trở thành best-seller và được đem ra mổ xẻ khắp nơi.
Người Mỹ bắt đầu lo lắng rằng cách giáo dục từ lâu nay của họ, nhấn mạnh vào việc bảo vệ tính tự tôn cho con trẻ, cho chúng những điểm A và những huy chương mang tính khuyến khích để khiến trẻ em hứng thú với hoạt động mà chúng tham gia, đã đi quá xa.
Trong khi châu Á đang hướng đến việc giảm bớt áp lực điểm số cho học sinh, thì Mỹ phần nào đang muốn gia tăng tầm quan trọng của việc cho điểm khắt khe hơn.

Căn bản giống nhau

Dù tôi đang học ở một trường đại học vẫn được coi là thuộc hàng tốt nhất ở Mỹ, tôi cũng thấy quanh mình những thực trạng tương tự như những lời than phiền về sinh viên Việt Nam.
Quanh tôi cũng đầy những bạn bè chưa có định hướng, luôn than thở không biết sau khi ra trường sẽ đi đâu về đâu. Thậm chí ở Mỹ, do có quá nhiều lựa chọn về ngành học, câu hỏi này còn khó trả lời hơn.
"Dù là ở Việt Nam hay Mỹ, nếu muốn có việc làm, bạn vẫn phải tự chọn ngành nghề cho đúng năng lực và sở thích của mình, nhưng vẫn đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội"
Quanh tôi cũng có đầy những người trốn tiết, chỉ đến lúc thi mới xuất hiện; đầy những buổi tiệc tùng nhậu nhẹt thâu đêm, trong đó toàn học sinh dưới độ tuổi được uống rượu hợp pháp (21 tuổi).
Ở Việt Nam cũng học thêm để thi SAT, cũng đến trung tâm thuê người giúp viết bài luận vào đại học. Ở Mỹ cũng thế.
Ở Việt Nam, có những học sinh ra trường không kiếm được việc làm, lại về nhà với bố mẹ. Ở Mỹ cũng thế, và họ gọi đây là “ thế hệ Boomerang” (ý là đáng lẽ đã phải rời gia đình để tự lập rồi, nhưng sau đó lại quay lại).
Ở Việt Nam người ta lo thừa thầy thiếu thợ, thừa cử nhân kinh tế. Ở Mỹ người ta cũng lo thiếu các kĩ sư, thừa các cử nhân ngành xã hội.
Hệ thống là một phần, nhưng không quan trọng bằng năng lực và ý chí phấn đấu của mỗi người.
Dù là ở Việt Nam hay Mỹ, nếu muốn có việc làm, bạn vẫn phải tự chọn ngành nghề cho đúng năng lực và sở thích của mình, nhưng vẫn đáp ứng đúng nhu cầu của xã hội. Bạn vẫn phải, ngoài việc học tốt ở trường, tự tìm kiếm các cơ hội việc làm thêm, thực tập có liên quan đến ngành nghề sau này của mình.
Đối với những người đang đòi hỏi một sự thay đổi trong giáo dục Việt Nam, cần phải hiểu rằng không có một giải pháp dễ dàng, hay thậm chí một mô hình lý tưởng nào để bắt chước y nguyên, ít nhất là không phải từ nước Mỹ.
Còn học sinh và sinh viên thì cần phải hiểu rằng, họ luôn cần tìm con đường riêng cho mình, dù con đường chung của nền giáo dục có dẫn đi đâu chăng nữa.
Bài viết thể hiện quan điểm và cách hành văn của tác giả, người Hà Nội từng du học Singapore 4 năm và hiện học tại Đại học Cornell, New York, ngành kỹ thuật.

No comments:

Post a Comment