HÀ NỘI (NV) - Ðó là thông tin do Ngân Hàng Thế Giới (WB) công bố. Trong 20 quốc gia có nhiều khiếu nại về tham nhũng nhất, Việt Nam chỉ thua Ấn Ðộ.
Tại hội nghị “Tăng cường quản trị thúc đẩy phát triển tại Việt Nam,” WB cho biết, nhiều khiếu nại về tham nhũng tại Việt Nam mà họ nhận được, phàn nàn tệ nạn tham nhũng trong các dự án giao thông và cấp nước, kế đó là các dự án nông nghiệp và năng lượng.
Nghi án hối lộ-tham nhũng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội vẫn chưa điều tra xong. (Hình: VNExpress)
Ông Anders Hjorth Agerskov, đại diện WB, nói thêm, khu vực Ðông Á-Thái Bình Dương là nơi có tỷ lệ dự án bị khiếu nại về gian lận, tham nhũng cao thứ hai trên toàn cầu (dẫn đầu là Châu Phi) và Việt Nam được coi là “điểm nóng” tại khu vực Ðông Á-Thái Bình Dương. Ðáng lưu ý là ông Agerskov nhấn mạnh, có thể những con số mà WB công bố vẫn chưa phản ánh toàn bộ thực tế.
Các chuyên gia cho rằng, điểm yếu nhất khiến tham nhũng tại Việt Nam trở thành nghiêm trọng và nan giải là lề lối quản lý những dự án sử dụng vốn hỗ trợ phát triển (ODA). Trong ba thập niên vừa qua, Việt Nam nhận được các cam kết tài trợ trị giá khoảng 80 tỷ Mỹ kim. Phần lớn nguồn tiền khổng lồ này được phân bổ cho các dự án phát triển hạ tầng kinh tế như: phi trường, cảng biển, đường sá... Trên thực tế, những biểu hiện gian lận, tham nhũng tại các dự án đó đáng khiến giới tài trợ lo ngại.
Ông Trần Ðức Lượng, phó tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN, thú nhận, những nghi án hối lộ, tham nhũng, hoặc những vi phạm pháp luật khác trong các dự án xây dựng hạ tầng có sử dụng vốn ODA được đăng trên các phương tiện thông tin đại chúng đã khiến công chúng bất bình.
Chẳng hạn như: Vụ hối lộ-tham nhũng tại Ban Quản Lý các dự án (PMU18) thuộc Bộ Giao Thông-Vận Tải năm 2005. Vụ hối lộ-tham nhũng tại dự án đại lộ Ðông-Tây (PCI) năm 2008. Gần đây có nghi án hối lộ-tham nhũng tại dự án đường sắt đô thị Hà Nội (JTC) vẫn còn đang điều tra...
Ông Lượng phân bua rằng việc phát hiện, xử lý hối lộ-tham nhũng chưa tương xứng vì các dự án sử dụng vốn ODA thường có quy mô lớn, phức tạp về kỹ thuật và được thực hiện trong một thời gian dài với sự tham gia của nhiều bên.
Ðó cũng là lý do, cả ba vụ hối lộ-tham nhũng mà viên phó tổng Thanh Tra Chính Phủ Việt Nam nêu ra, đều được thực hiện sau khi báo chí ngoại quốc nêu ra, chứ không phải do phía nhà cầm quyền CSVN hay chủ đầu tư các dự án tại Việt Nam phát giác.
Ông Lượng nói thêm, một nguyên nhân quan trọng khác khiến các dự án sử dụng vốn ODA thường phát sinh gian lận, hối lộ-tham nhũng là “một bộ phận lãnh đạo địa phương nhận thức chưa đúng về các khoản vay ODA, xem các khoản vay này như viện trợ không hoàn lại hoặc “đời mình chưa phải lo trả,” nên tìm mọi cách để các dự án này được phê duyệt chứ không chú trọng tới yêu cầu phải sử dụng khoản vốn đó sao cho có hiệu quả.
Viên phó tổng Thanh Tra Chính Phủ CSVN còn đề cập tới một nguyên nhân nữa là những nhân vật đứng đầu các bộ, ngành, địa phương lo ngại việc công bố, xử lý các sai phạm sẽ ảnh hưởng tiêu cực tới quan hệ ngoại giao và chính sách hợp tác phát triển với giới tài trợ, thành ra chuyện chống gian lận, hối lộ-tham nhũng ở các dự án sử dụng vốn ODA không đến đâu.
Ông Lượng đề cập đến thông lệ của các hiệp định cung cấp-sử dụng vốn ODA, theo đó, nếu phát giác gian lận, hối lộ-tham nhũng thì phải hoàn trả khoản tiền được thu hồi cho nhà tài trợ chứ không sung công quỹ Việt Nam thành ra thông lệ đó tác động đến tâm lý người đứng đầu cơ quan hữu trách khi chỉ đạo hoạt động giám sát, thanh tra, kiểm toán và xử lý sai phạm tại các dự án sử dụng vốn ODA. (G.Ð)
No comments:
Post a Comment