Sunday, January 25, 2015

Trung Quốc xây căn cứ gần đảo tranh chấp với Nhật Bản

TTO - Các hình ảnh vệ tinh do trang mạng chuyên theo dõi quốc phòng IHS Jane’s công bố ngày 22-1 xác nhận Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.


Căn cứ quân sự của Trung Quốc trên đảo Nam Kỷ qua ảnh chụp từ vệ tinh của IHS Jane’s - Ảnh: janes.com

Bài phân tích trên Jane’s (trụ sở ở London, Anh) so sánh các hình ảnh chụp qua vệ tinh tháng 10-2013 và tháng 10-2014 cho thấy một máy bay trực thăng với một sân bay dã chiến 10 chỗ đậu đã được xây ở trung tâm đảo chính Nanji (Nam Kỷ) thuộc quần đảo nằm ngoài khơi tỉnh Chiết Giang, cách quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư 300km.

Tuy nhiên, Jane’s cũng nói họ không thấy có đường băng nào được xây mới ở đảo này, mà chỉ có các rađa và trạm liên lạc.

Như vậy, sân bay có thể đáp máy bay chiến đấu gần nhất vẫn sẽ là ở Lộ Kiều, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 380km, cũng là trụ sở của sư đoàn không quân Đông Hải số 4, quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, nơi có các máy bay chiến đấu hiện đại của Trung Quốc Chengdu J-10A.

Trước đó, ngày 22-12-2014, một bản tin được nhiều nguồn dẫn lại từ Kyodo News nói Bắc Kinh đang xây một căn cứ quân sự lớn ở quần đảo Nam Kỷ để tăng cường sự sẵn sàng của quân đội nước này trong trường hợp xảy ra khủng hoảng quân sự liên quan tới tranh chấp ở biển Hoa Đông, cũng như tăng cường sự hiện diện phòng không ở “vùng nhận dạng phòng không” (ADIZ) mà Trung Quốc đã áp đặt từ tháng 11-2013.

Bản tin của Kyodo News dẫn các nguồn giấu tên phía Trung Quốc, nhưng các quan chức Nhật Bản từ chối bình luận, trong khi truyền thông Trung Quốc phản ứng giận dữ, nói Tokyo đã làm to chuyện.

Nhật Bản cũng không ngồi yên. Hồi tháng 4, Tokyo từng tuyên bố các biện pháp tăng cường năng lực phòng thủ và do thám với sự hiện diện của quân đội và một trạm rađa quân sự ở Yonaguni, cách quần đảo Senkaku/Điếu Ngư 150km. Nhật Bản cũng đang tăng cường các lực lượng đổ bộ tại căn cứ Nagasaki.

Jane’s đánh giá căn cứ của Trung Quốc là một động thái có nguy cơ làm gia tăng “cuộc đua vũ trang thầm lặng” liên quan tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa hai nước.

Bất chấp cái bắt tay miễn cưỡng giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bên lề Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương vào tháng 11-2014, cả hai nước vẫn tiếp tục tăng sự hiện diện quân sự ở vùng biển và đảo tranh chấp.
25/01/2015 10:45
CHIÊU VĂN

No comments:

Post a Comment