Ảnh minh hoạ. Nguồn: redbubble.com.
Ngay sau khi phong trào “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam” ra đời, trong cộng đồng mạng ở Việt Nam, như thường lệ, đã xuất hiện vô số quan điểm trái ngược nhau về nó: ủng hộ, hưởng ứng, chê bai, dè bỉu, v.v. Trong số các ý kiến ngả theo hướng phê bình “Tôi không thích”, bài viết của blogger Bút Chì mang nhan đề “Viết cho em, về cách mạng” có lẽ gây chú ý và được tán đồng nhiều nhất vì nó ở một trình độ… ngụy biện tinh vi hơn hẳn các bài phản đối tương tự.
Đôi lời phi lộ: “Những gì anh sắp viết ra đây không phải là để chống lại hay ngăn cản điều em đang làm. Em hãy cứ làm điều em muốn, cứ bày tỏ điều em cho là phải, cứ quan tâm điều em thấy cần phải quan tâm”. Cũng giống như tác giả Bút Chì đã viết như thế cho một (hoặc một số) độc giả “ngây thơ” nào đó mà anh gọi là “em” và xưng “anh”, trước khi mở đầu bài phản biện này, chúng tôi muốn nói rõ rằng: Những gì chúng tôi sắp viết ra sau đây không nhằm chỉ trích Bút Chì hay cản trở quyền tự do biểu đạt của anh. Chúng tôi hoàn toàn tôn trọng quan điểm, suy nghĩ và thái độ của anh.
Điều mà chúng tôi muốn đạt được, là chỉ ra cho bạn đọc một kiểu quan điểm được củng cố bởi những lập luận yếu, tức là ngụy biện, mà nó lại vốn dẫn đến một thái độ khá phổ biến trong văn hóa chính trị ở nước ta hiện nay: thái độ hoài nghi và có phần cao đạo, trên đời, khi nhìn vào những nỗ lực của một thiểu số mong muốn tạo ra sự thay đổi.
Căn cứ “dấu vết” để lại trên đường link, bài viết của tác giả Bút Chì ban đầu có lẽ lấy tên là “Dặn em, về cách mạng”, sau đó mới được đổi thành “Viết cho em, về cách mạng” – một nhan đề ít cao ngạo hơn so với cái tựa lúc đầu. Tuy nhiên, sau những câu rào đón nhẹ nhàng rằng “em hãy cứ làm điều em muốn…”, tác giả giả định rằng “em đang hừng hực khí thế”, để rồi cho lời khuyên ngay, với tư cách “người vừa đi qua giai đoạn ấy”. Giai đoạn ấy tức là giai đoạn hừng hực khí thế để tham gia một phong trào trên mạng.
Ở đây, chúng ta tạm bỏ qua việc tác giả phạm một lỗi ngụy biện (kiểu “tôi đã trải qua kinh nghiệm đó rồi, nên những gì tôi nói về nó phải đúng”), thì cũng có thể phát hiện ra rất nhiều lập luận yếu khác.
Mặc định rằng “chính trị, xét cho cùng, là vòng xoáy của quyền lực/ quyền lợi vô cùng tàn nhẫn, u mê và không lối thoát” là hành động gán bừa một định nghĩa (sai) cho một khái niệm, để rồi tiếp tục các lập luận của mình trên cơ sở định nghĩa chủ quan và sai đó. Chính trị, nếu được định nghĩa một cách nghiêm túc, chưa bao giờ là “vòng xoáy của quyền lực/ quyền lợi…, u mê và không lối thoát”. Cách mô tả chính trị đa nguyên như là sự hỗn loạn, bẩn thỉu, tàn nhẫn, xấu xa hay mang những tính chất tiêu cực tương tự khác đã chỉ luôn là chủ trương của Đảng Cộng sản Việt
Nam cũng như những thế lực độc tài trên thế giới, muốn biến chính trị thành con ngoáo ộp để người dân sợ hãi hoặc ghê tởm mà tránh cho xa. Với chủ trương đó, các nhà độc tài đã thành công trong việc hạn chế tự do, đặc biệt là triệt tiêu quyền tham gia chính trị của người dân: quyền bầu cử, ứng cử, vận động chính sách, thậm chí chỉ là quyền được tự do thể hiện chính kiến, quan điểm như “tôi không thích”.
Nhưng tác giả đã đưa ra một định nghĩa như thế về chính trị, theo đúng hướng mà các nhà độc tài rất thích. Sau đó, anh lại khéo léo cài vào một câu đánh giá độc giả: “Nếu em thực sự đủ hiểu biết và trưởng thành, em sẽ tự biết cách rời xa nó…”. Viết chặn trước như vậy thì còn độc giả nào dám cãi lại anh nữa, để rồi phải mang tiếng “chưa đủ hiểu biết và trưởng thành”.
Thích, thì nhích
Bút Chì cũng đưa ra một lý do mà anh “chặn trước” rằng nó là “một điều căn bản hiển nhiên”: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính tâm trí đã tạo ra vấn đề đó. Câu nói của Einstein, dịch sát nghĩa sang tiếng Việt, là: Chúng ta không thể giải quyết vấn đề bằng chính lối tư duy đã tạo ra nó. Nếu bỏ công diễn giải thì cũng hiểu được câu nói của Einstein có lý của nó, chẳng hạn, chúng ta không thể giải quyết một chính thể độc tài bằng lối tư duy độc tài.
Ở đây có thể thấy rõ vấn đề mà những người tham gia chiến dịch “Tôi không thích” muốn giải quyết là sự độc tài của Đảng Cộng sản Việt Nam. Tất nhiên, không thể giải quyết được sự độc tài đó bằng tư duy độc tài. Vậy thì việc giơ biểu ngữ “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam” thể hiện tư duy độc tài ở chỗ nào? Đặc trưng của tư duy độc tài là tính áp đặt. Tính áp đặt thể hiện ở đâu trong những tấm biển “tôi không thích” này? Chẳng phải mọi thay đổi xã hội trong toàn bộ lịch sử loài người đều bắt đầu từ thứ tư duy và cảm xúc cơ bản nhất là “tôi không thích” hay sao?
Chúng ta có thể cố gắng hiểu tác giả hơn, khi anh đi sâu vào giải thích thứ tư duy mà anh không thích: “Nếu các em đọc kỹ các bài viết của nhau, từ cả trái lẫn phải, cả trong lẫn ngoài, và nhìn sâu xuống bên dưới, em sẽ thấy chúng giống nhau vô cùng, và giống y chang các bậc cha ông chúng ta hồi họ còn trẻ. Cũng một lòng nhiệt huyết, cùng một sự hung hăng, cùng một thái độ “cách mạng”…”.
Bút Chì cho rằng những điều ấy “khó lòng tạo nên thay đổi thực sự”, và anh giải thích đó là bởi vì: Không ai trong các em đang “cách mạng” bản thân mình”, “em đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì”.
Thật ra thì, ai trong chúng ta lúc này thực sự biết có thể thay đổi thế giới bằng gì?
Cũng khó ai tìm ra được một con đường chung cho việc “cách mạng bản thân mình”. Lần này, Bút Chì đã không gán cho khái niệm cách mạng một định nghĩa nào của riêng anh, nhưng anh khẳng định “đó là cuộc cách mạng bên trong”, chẳng hạn như: Thay vì than vãn quá nhiều rác, chúng ta bắt tay vào dọn dẹp; thay vì nguyền rủa lũ vô đạo đức, chúng ta tự mình sống tử tế.
Nhưng chúng ta có thể hỏi Bút Chì rằng: Nếu ta vừa dọn dẹp, vừa than vãn là xã hội có quá nhiều rác, cũng như vừa tự mình sống tử tế, vừa nguyền rủa lũ vô đạo đức, thì có được không?
Vượt ra khỏi thân phận thảo dân “ơn Đảng, Chính phủ” của nhiều người thuộc thế hệ đi trước, mà đứng lên giương cao biển “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, đó có phải là một hành động mang tính cách mạng không?
Có gì đáng góp ý hay chỉ trích không, nếu các bạn trẻ Việt Nam vừa thẳng thắn thể hiện quan điểm “Tôi không thích Đảng Cộng sản Việt Nam”, vừa đấu tranh để khẳng định nhân quyền cơ bản của mình, tham gia chính trị theo hướng vận động chính sách, kiến tạo sự thay đổi, cổ súy cho lòng yêu nước và một xã hội được quản trị tốt hơn? Và họ làm tất cả những điều đó trong khi vẫn viết blog, vẫn học hành, kiếm sống, lo trả tiền trọ… Và ta đừng quên là, trong một xã hội độc tài thì đôi khi, ngay cả việc một nhóm thanh niên đi nhặc rác ở công viên cũng đã bị cấm cản, rất có thể chỉ là vì họ vốn bị coi là “phản động” – tức là bị coi như một giống dân khác với thứ hạng thấp kém hơn.
Đó là chưa kể, những người tham gia “Tôi không thích” chưa từng có lời nói hay hành động nào bạo lực, với cùng sự nhiệt huyết và hung hăng như “cha ông họ” mà một ví dụ là các nhà lãnh đạo đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam với khẩu hiệu “trí – phú – địa – hào, đào tận gốc, trốc tận rễ” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh thời kỳ 1930-1931.
“Em đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì, việc này chắc chắn sẽ dẫn đến đau khổ cho em và cho người khác, dù em thất bại hay thành công”. Trong một xã hội văn minh thì việc công dân thể hiện chính kiến và lựa chọn lực lượng chính trị thông qua lá phiếu sẽ chẳng đem lại đau khổ nào cả. Anh Bút Chì quả là đang dọa chúng em, cũng y như Đảng Cộng sản lâu nay vẫn dọa chúng em rằng “dân chủ, đa đảng là loạn”.
“Tất cả bắt đầu từ chính mình”
Lập luận và thông điệp nổi bật nhất trong bài viết của Bút Chì có lẽ là về cuộc cách mạng bên trong, khi tất cả bắt đầu từ chính mình. Đây là một quan điểm nghe có vẻ rất thuyết phục, và nó phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà trên cả thế giới, không chỉ lúc này mà thường xuyên bấy lâu nay. Trong những cuốn sách kiểu “hạt giống tâm hồn” (chicken soup for the soul), chúng ta có thể bắt gặp đầy rẫy những câu đại ý:
Mỗi khi bạn thất bại, bạn cảm thấy cay cú, bạn đều muốn tìm ai đó để đổ lỗi: kẻ thù, đối thủ cạnh tranh, bạn bè, gia đình, chính phủ. Mỗi lần như thế, muốn biết kẻ đó là ai, bạn hãy nhìn vào gương.
Hàm ý của những câu như thế là: Mọi sự bắt đầu từ chính ta. Thất bại của cá nhân, xã hội phi dân chủ, mất tự do, chậm phát triển, cũng do mỗi cá nhân mà ra cả. Mỗi người cứ làm sao thay đổi chính mình là cả xã hội thay đổi.
Ở những nước nghèo, lạc hậu, chậm tiến như Việt Nam, quan điểm đó vô tình hay hữu ý loại bỏ vai trò của chính quyền cũng như những nỗ lực điều tiết, phối hợp chung. Nó cũng là một quan điểm duy ý chí nặng nề. Làm sao để hàng chục triệu người cùng đồng lòng tự làm cách mạng bên trong, thay đổi chính mình được, nếu không có một lực lượng làm nhiệm vụ của “nhạc trưởng”?
Tất nhiên, xã hội sẽ không thay đổi nếu mỗi thành viên của nó đều không chịu vận động. Ngay cả khi tất cả mọi người cùng vận động, mỗi người mỗi hướng, cũng không chắc một sự thay đổi đáng kể và quyết liệt nào sẽ đến. Nhưng cho dù có thế, cũng không thể trách mỗi người “đòi thay đổi thế giới, trong khi không thực sự biết sẽ thay đổi nó bằng gì”.
Lại chuyện “năng lượng”
Trong xã hội của chúng ta lâu nay, có một số người thường giải thích nhiều điều bằng những thứ có phần thần bí, tâm linh như “năng lượng”, “nghiệp”. Ví dụ, các tác giả của bài viết này từng được khuyên, đại ý: Không nên chỉ trích chính quyền, an ninh, quan chức tham nhũng, v.v. vì như thế là tạo khẩu nghiệp, rất có hại cho mình. Những lời lên án, phê bình, phản biện chẳng qua chỉ tạo khẩu nghiệp mà thôi, và điều đó đến lượt nó lại tiếp tục tạo ra nghiệp xấu.
Từ năm 1995, một nhà dân chủ Việt Nam là TS.ông Hà Sĩ Phu (tên thật là Nguyễn Xuân Tụ) đã từng chỉ ra kiểu ngụy biện “cao đạo, lẩn tránh” trong tiểu luận nổi tiếng của ông, “Chia tay ý thức hệ”.
“Chính trị là bẩn thỉu, dính đến làm gì? Ông cứ lo viết văn, lo làm khoa học, làm nghệ thuật có phải vừa thanh cao lại vừa an toàn, vừa bổ ích không?”.
“Giải pháp gì cũng vô ích, vì con người “tham, sân, si” mà ra cả. Cái gốc là phải trở về cái gốc thiện của con người! Bây giờ tôi đang nghiên cứu Kinh Dịch! Phải đọc Phật giáo ông ạ!”.
“Đấu tranh giai cấp đã là sai rồi, nay lại đấu tranh chống nó thì lại sai tiếp. Vấn đề là thiện và ác thôi. Ông nên đi vào thiền, yoga, khí công, nhân điện… là thấy thanh thản ngay!”.
Những lời tác giả Bút Chì nói, về năng lượng, cách năng lượng được tạo ra từ nỗi tức giận và lan truyền, v.v. không có gì khác ngoài việc lặp lại lối ngụy biện “cao đạo, lẩn tránh” mà TS. Hà Sĩ Phu đã chỉ ra từ 20 năm trước.
Chính quyền (độc tài) nào chắc cũng chỉ mong người dân cao đạo, tránh khẩu nghiệp, gìn giữ năng lượng, để đừng tham gia chính trị và nhất là đừng làm gì đòi hỏi, thúc ép, thách thức nhà nước.
Nhưng là một công dân tốt, không thể nào tránh né việc có một thái độ chính trị theo hướng bảo vệ nhân quyền, trong đó có quyền tham gia chính trị và quyền biểu đạt chính kiến, của những người khác.
© Nguyễn Anh Tuấn – Trịnh Hữu Long – Phạm Đoan Trang
Theo Đàn Chim Việt
No comments:
Post a Comment