QUẢNG NAM (NV) - Sáu mươi tấn hóa chất “lạ” nhập từ Trung Quốc đã và đang gây ra nỗi lo cho cả người dân và chính quyền huyện Phước Sơn, nhưng cơ quan chức năng vẫn thờ ơ bảo “chờ kết quả.”
Các container chứa hóa chất vẫn bỏ ngoài trời và không có người trông coi. (Hình: Người Lao Động)
Khi kiểm tra và phát hiện 60 tấn hóa chất nhập từ Trung Quốc chưa rõ chủng loại nhưng đã để hơn 3 năm qua tại công ty Vàng Phước Sơn và công ty khai thác vàng Bồng Miêu đều thuộc công ty Besra Việt Nam, tháng11, 2014 tỉnh Quảng Nam đã yêu cầu hai doanh nghiệp này khẩn trương xử lý, tiêu hủy.
Theo tờ Dân Trí, bà Nguyễn Thị Như Lê, phụ trách truyền thông của công ty Bersa Việt Nam, cho biết, “Tháng 8, 2011, Besra Việt Nam đã đặt mua 60 tấn cyanua từ công ty hóa chất Tianjin Haina, China cho hai công ty vàng với giá khoảng 2,1 tỷ đồng (khoảng $100,000), song toàn bộ số hàng nhận được là hàng giả, không phải là cyanua.”
Sở Công thương tỉnh Quảng Nam được giao nhiệm vụ theo dõi, giám sát quá trình tiêu hủy và báo cáo trước ngày 30 tháng 12,2014. Tuy nhiên đến nay, số hóa chất trên vẫn chưa được xử lý.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, phó chủ tịch huyện Phước Sơn, nói, “Kể từ khi biết có hàng chục tấn hóa chất lạ tại địa phương, cả người dân và chính quyền hết sức lo lắng, mong sao chúng được xử lý nhanh chóng, bởi chưa biết đó là hóa chất gì, độc hại ra sao. Thế nhưng phương án xử lý như thế nào, trên vẫn chưa cho biết.”
Theo ông Hà, các container chứa hóa chất đang được lưu giữ tại thị trấn Khâm Đức, nơi có nhiều người qua lại nên hết sức nguy hiểm. Càng nguy hiểm hơn khi các container này vẫn bỏ ngoài trời và không hề có người trông coi.
Đồng tình, ông Bùi Quang Minh, chủ tịch xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh, cũng cho rằng việc xử lý số hóa chất trên quá chậm trễ, làm mất lòng tin của người dân.
Tuy nhiên, ông Phạm Bá Huyên, trưởng phòng Kỹ Thuật An Toàn-Môi Trường, Sở Công Thương tỉnh Quảng Nam chỉ nói, “Chúng tôi đã lấy mẫu hóa chất gởi phân tích tại Viện Khoa Học Địa Chất và Khoáng Sản, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường. Việc nhanh hay chậm phụ thuộc vào kết quả của các cơ quan phân tích chứ chúng tôi không thể hối thúc được.”
Một chuyên gia về hóa chất cho Dân Trí biết, việc xử lý các loại hóa chất độc hại, đặc biệt như cyanua, không hề đơn giản. Cách đây 10 năm, chi phí để xử lý 1 tấn chất độc cyanua đã lên tới 500 triệu đồng và phải tuân theo quy trình chặt chẽ. Như vậy, số tiền để xử lý 60 tấn cyanua ít nhất cũng phải là 30 tỷ đồng. (Tr.N)
01-05-2015 5:35:23 PM
No comments:
Post a Comment