Marianne Brown
VOA-06.01.2015
Các công ty Việt Nam đang tìm cách học hỏi các phương pháp kinh doanh hiện đại để gia tăng lợi nhuận.
Khuyến khích đổi mới trở thành một cụm từ thông dụng để phát triển các nền kinh tế như của Việt Nam, nơi các công ty đang tìm cách học hỏi các phương pháp kinh doanh hiện đại để gia tăng lợi nhuận. Để hỗ trợ cho mục tiêu này, một nhóm các kinh tế gia Việt Nam đã thực thiện một cuộc khảo sát để xem các doanh nghiệp ứng dụng các phương pháp đổi mới làm ăn thế nào và họ đánh giá các phương pháp sáng tạo đó ra sao. Thông tín viên Marianne Brown của đài VOA gởi về bài tường trình từ Bến Tre.
Hàng trăm chai rượu đế đang được dán nhãn tại nhà máy tư nhân Phú Lễ ở tỉnh Bến Tre. Công ty này lấy tên của xã, nơi người dân địa phương đảm nhận khâu nấu rượu.
Phó Giám đốc Lê Thanh Trúc cho biết mỗi tuần nhà máy nhận 5.000 lít rượu gạo nguyên liệu.
"Chúng tôi có bốn tổ nấu rượu trong xã, mỗi tổ khoảng mười người. Các tổ đó nấu và đưa rượu nguyên liệu đến đây."
Công ty Phú Lễ phát triển mạng lưới phân phối qua người dân trong xã, và tìm cách quảng bá thương hiệu bằng cách truyền miệng thay vì những chiến dịch quảng cáo thiếu dấu ấn cá nhân. Một điểm quan trọng của cách làm này là phải duy trì một mối liên hệ mật thiết giữa nhà sản xuất với khách hàng.
"Tôi chia sẻ thông tin với mọi người trong công ty và khách hàng trong kênh phân phối sản phẩm. Tôi đặt ra cách thu nhận những ý kiến mới từ cả công nhân lẫn các nhà quản lý. Chúng tôi thu nhận những ý kiến mới bằng cách họp với nhau. Tôi có những kênh thu nhập thông tin, email, Facebook, chia sẻ ý kiến và sau khi thu nhận ý kiến từ cuộc họp hàng tháng, chúng tôi bàn thảo về những ý kiến đó."
Công ty này cũng tham gia cuộc khảo sát i2Metrix, được phát động hồi năm ngoái, để đánh giá khả năng sáng tạo của các doanh nghiệp trong 10 lãnh vực, trong đó có chất lượng của nguồn nhân lực, mức độ hỗ trợ của tổ chức, và khả năng điều chỉnh để bắt kịp các xu hướng thị trường.
Mục đích của các đánh giá này là để giúp các doanh nghiệp ứng dụng nhiều hơn những sáng kiến của họ để tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Cuộc khảo sát cung cấp sự hiểu biết sâu rộng hơn về ý nghĩa của các phương pháp đổi mới, vốn rất cần thiết cho các doanh nghiệp của Việt Nam -- như nhận xét của ông Trần Trí Dũng, người đồng sáng lập công ty Phú Lễ.
"Nếu bạn hỏi người Việt Nam, nhất là các nhà doanh nghiệp và những người làm ăn rằng sáng tạo có quan trọng không – họ ngay lập tức trả lời rằng sáng tạo là quan trọng nhất. Nhưng nếu bạn hỏi họ tiếp rằng sáng tạo bằng cách nào – thì họ không trả lời được."
Một phần lớn của việc này liên quan đến hệ thống giáo dục, mà lâu nay vẫn làm theo cách học từ chương và không khuyến khích suy nghĩ sáng tạo.
"Nhiều người cứ nghĩ rằng đổi mới là một cái gì chỉ một sớm một chiều là có được. Nhưng điều mà chúng tôi đang cố gắng truyền đạt là phương pháp đổi mới là một quá trình dài lâu, đòi hỏi rất nhiều sự kiên nhẫn, nguyên tắc và phương pháp. Không có những điều đó, bạn không thể đạt được ước mơ của mình."
Hàng chục công ty đã tham gia cuộc khảo sát này, từ những doanh nghiệp mới thành lập cho đến những doanh nghiệp lớn của nhà nước, trong đó có một công ty gia công ở tỉnh An Giang chuyên sản xuất đồng phục cho cảnh sát Mỹ.
Sáng tạo cũng có những ảnh hưởng ở mức độ toàn quốc, và có thể giúp tránh “bẫy bảo hòa thu nhập trung bình,” một tình huống kinh tế mà một nước có thể đạt đến một mức độ thu nhập nhất định nhưng rồi kẹt lại ở mức đó.
Việt Nam đã có được một giai đoạn tăng trưởng kinh tế tích cực. Nhưng phần lớn thành quả đó trong 10 đến 15 năm qua là nhờ vào sự khai thác tài nguyên thiên nhiên và đầu tư nước ngoài.
Giờ đây, nguồn lực cho tăng trưởng cần phải đa dạng – theo nhận định của ông Suhas Parandekar, chuyên gia cấp cao về Giáo dục Kinh tế của Ngân hàng Thế giới.
"Việt Nam đã tiến đến giai đoạn cần phải đa dạng hóa sâu rộng về sản phẩm, trong phân loại sản phẩm. Với những sáng kiến chúng ta có thể tăng năng suất, tăng đa dạng hóa sản xuất trong các loại hàng hóa được làm ra và đó là một phương cách để gia tăng thịnh vượng và tăng trưởng."
Như Thung lũng Silicon ở California đã chứng minh, nhiều sáng kiến trên thế giới xuất phát từ các công ty khởi nghiệp. Tuy nhiên, sáng tạo liên hệ đến mọi loại hình doanh nghiệp – theo nhận định của ông Parandekar – và tại Việt Nam còn có cả các doanh nghiệp nhà nước.
"Tôi không cho rằng bạn có thể nói là công ty X không thể có sáng kiến. Thực ra trong một nền kinh tế đa dạng hiện đại, mọi công ty đều cần phải có những phương pháp sáng tạo."
Bà Lê Thanh Trúc nói rằng tham gia cuộc khảo sát giúp bà suy nghĩ thận trọng hơn về cách thức kinh doanh của công ty bà. Các nhà làm khảo sát hy vọng trong năm nay sẽ có nhiều doanh nghiệp hơn nữa cũng nói lên một kết luận tương tự.
No comments:
Post a Comment