Monday, January 12, 2015

Những người ăn đêm ở Cà Mau

Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam 
RFA-2015-01-12    
Chợ đệm Cà Mau
Chợ đệm Cà Mau- RFA
Từ Sài Gòn, đi ngót nghét nửa ngày đường về đến Cà Mau, nơi địa đầu đất nước, đời sống bồng bềnh, trôi nổi của xứ sở miệt vườn và trôi sông lạc chợ hiện ra rõ nét. Nói miền Tây, đặc biệt Cà Mau là xứ sở miệt vườn và trôi sông lạc chợ là vì hiếm nơi nào có những miệt vườn thơ mộng, buồn và yên tĩnh như ở đây, cũng không đâu có nhiều số phận trôi nổi tha hương đất khách và trôi nổi ngay trên quê nhà như ở đây. Dường như đời sống ở đây đã phát triển một cách ngược chiều, kẻ giàu thì tiến một bước lên trời, người nghèo thì thụt lùi hàng thế kỉ.
Những miệt vườn thơ mộng
Một nông dân miền Tây tên Hiển, cho biết: “Tùy theo loại phân, có loại lên giá có loại vẫn quân bình. Vườn ở đây sây trái lẵm, chẳng hạn như vú sữa, rất nhiều trái, nhiều trái lắm. Ở đây ngày công lao động khoảng một trăm mấy – hai trăm ngàn. Nhưng mà kêu làm cỏ không à, còn lại nhà vườn tự làm. Trái cây ít xuất đi được vì Trung Quốc lấn…”
Ông Hiển cho rằng nói về miệt vườn, có lẽ hiếm nơi nào có miệt vườn độc đáo và đặc biệt như xứ Tây Nam Bộ. Bởi lẽ, một miệt vườn trung bình của người nông dân xứ Tây Nam Bộ có thể tương đương với trang trại của một đại gia ở xứ khác vì diện tích đất quá rộng, quá phì nhiêu và màu mỡ ở đây. Nhờ vào con nước lên nước ròng, miệt vườn Tây Nam Bộ không có khái niệm tưới tiêu, thủy lợi hay nộp thủy lợi phí hằng năm như ở nơi khác. Hầu như mọi hoạt động tưới tiêu đều dựa vào mực nước tự nhiên, chỉ cần đào mương dẫn nước vào vườn là xong.
Một miệt vườn trung bình của người nông dân xứ Tây Nam Bộ có thể tương đương với trang trại của một đại gia ở xứ khác vì diện tích đất quá rộng, quá phì nhiêu và màu mỡ ở đây
Ông Hiển
Nếu có chăng việc dùng máy bơm để tưới là vào mùa nắng, người ta bơm nước để phun lên những cành cây đang trĩu trái, làm như vậy cho trái cây khỏi bị hóp nắng, da mẩy. Và cũng nhờ vậy, trái cây miền Tây từ lúc ra trái cho đến lúc thu hoạch rất ít dùng đến thuốc trừ sâu hay chất hóa học. Chỉ khi vào tay nhà buôn, vì lợi nhuận, họ sẵn sàng bơm thuốc bảo quản để vận chuyển đi nơi khác. Và đương nhiên, tiền lãi của những lái buôn này rất cao vì khi mua họ đã hạ mức giá xuống thấp nhất nhằm trừ đi phần trái cây hỏng, phần hao hụt…
Và cũng nhờ vào nguồn nước dồi dào, đất đai màu mỡ, người nông dân chỉ cần siêng năng, tháo vát một chút có thể tự làm giàu trên mảnh đất của mình rất nhanh. Hơn hết là với diện tích rộng, chủng loại cây cũng phong phú, trái cây miệt Tây Nam Bộ nhanh chóng tạo thiện cảm với người tiêu dùng, nhanh chóng tạo ra uy tín trên thương trường. Nhưng đó là chuyện của cách đây vài năm, hiện tại, mọi chuyện đã thay đổi đi rất nhiều.
Ông Hiển nói rằng nếu như trước đây vài năm, người nông dân rất lạc quan với vườn cây của mình thì hiện nay, mối lo từ Trung Quốc đã khiến cho người nông dân mất ăn mất ngủ. Mối nguy kẻ phá hoại Trung Quốc hiện ra ngày càng rõ nét bởi độ đậm nhạt của phù sa cũng như sự hụt hẫng của con nước lên, nước ròng. Trước đây, phù sa đậm đặc và màu mỡ còn hiện nay thì phù sa rất loãng và không còn màu mỡ nữa. Hơn nữa, con nước lên vào mùa khô cũng rất kém, chỉ bằng một phần ba cao độ trước đây. Cảm giác như sông Cửu Long đã cạn nguồn.
Thu hoạch trái cây ở một miệt vườn miệt Tây Nam Bộ
Thu hoạch trái cây ở một miệt vườn miền Tây Nam Bộ
Chính hoạt động tích nước đầu nguồn của các nhà máy thủy điện Trung Quốc đã khiến cho dòng chảy Cửu Long trở nên khô cạn, trơ trọi vào mùa khô và cuồng điên vào mùa mưa bởi các thủy điện này xả nước nhằm giữ đập
Sở dĩ phù sa loãng và nước lên rất thấp vào mùa khô nhưng lại dữ dội gấp nhiều lần vào mùa mưa, theo ông Hiển là do các thủy điện của Trung Quốc móc đầy trên thượng nguồn sông Cửu Long. Chính hoạt động tích nước đầu nguồn của các nhà máy thủy điện Trung Quốc đã khiến cho dòng chảy Cửu Long trở nên khô cạn, trơ trọi vào mùa khô và cuồng điên vào mùa mưa bởi các thủy điện này xả nước nhằm giữ đập.
Và không có gì trở ngại cho người nông dân Tây Nam Bộ bằng sự thay đổi của con sông, nguồn nước ở các miệt vườn, ruộng đồng bị khô cạn vào mùa khô nhưng lại ngập lụt vào mùa mưa. Đây là nguyên nhân dẫn đến sự chết hàng loạt các loại cây ăn trái. Bên cạnh đó, thị trường trái cây Việt Nam bị các loại trái cây Trung Quốc tấn công quá mạnh khiến cho người nông dân Tây Nam Bộ không còn ung dung, nhàn hạ như trước mà phải thao thức ngày đêm để kiếm sống. Không ít người phải bỏ miệt vườn đi làm thuê, đi bán hàng đêm để kiếm thêm thu nhập. Bóng ma trôi sông lạc chợ vẫn cứ vất vưởng trên đầu người nông dân.
Những cuộc đời trôi sông lạc chợ
Bé Hiền, mười bốn tuổi, trước đây phụ cha mẹ làm vườn, hiện tại phải đi bán hàng đêm ở chợ Cà Mau để kiếm tiền mua sắm áo quần, sách vở, chia sẻ: “Thì bán nhiều loại hàng lắm, son môi, áo quần.. Nhưng mà ở đây ít người bán lắm, chỉ có gần Tết mới nhiều thôi, may mà ở nông thôn nên bán cũng đắt hơn thành phố. Chỉ có mấy người thương nghiệp họ mới giàu.”
Ăn đêm hiền và; Ăn đêm dữ. Ăn đêm hiền chỉ những người đi buôn bán ở chợ đêm, chạy xe ôm nhưng không làm bảo kê và những người bán hàng rong. Ăn đêm dữ ám chỉ những tay chạy xe ôm trá hình để dắt mối, bảo kê cho gái bán dâm
Theo cô bé này, những người làm việc về đêm được gọi một cái tên chung là “ăn đêm” và được phân thành hai loại: Ăn đêm hiền và; Ăn đêm dữ. Ăn đêm hiền chỉ những người đi buôn bán ở chợ đêm, chạy xe ôm nhưng không làm bảo kê và những người bán hàng rong. Ăn đêm dữ ám chỉ những tay chạy xe ôm trá hình để dắt mối, bảo kê cho gái bán dâm và những cô đi bán dâm ở các tụ điểm, gái đứng đường.
Cũng theo bé Hiền, tuy mới mười bốn tuổi nhưng bôn ba khắp các tỉnh miền Tây để bán hàng tại các chợ đêm, cô bé này cay đắng nhận ra một điều là làm việc lương thiện để kiếm sống quá khó khăn, quá vất vả và nguy cơ bị dính vào những con đường trụy lạc là rất cao, chỉ cần sơ hở một chút cũng có thể rơi vào con đường bán dâm.
Và ở tỉnh nào của miệt Tây Nam Bộ cũng ế ẩm đối với người bán hàng đêm, sau một đêm dài mệt mỏi từ 5h chiều cho đến 11 – 12h đêm, khoản tiền lãi kiếm được từ việc bán dép, bán mũ chừng 50 ngàn đồng, đó là những đêm trúng, những đêm ế, có khi chẳng được đồng nào.
Phần lớn những người ăn đêm ở các chợ đêm Tây Nam Bộ đều sang Campuchia, Thái Lan để mua hàng hoặc lấy hàng từ các đầu mối Thái Lan, Campuchia về bán, tuyệt đối không đụng đến hàng Trung Quốc. Thế nhưng thời gian gần đây, hàng Trung Quốc lại vòng sang Campuchia và Thái Lan để vào miền Tây Việt Nam với nhãn mác của các nước này. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe của người tiêu dùng cũng như uy tín của những người bán hàng đêm, khiến cho hàng đêm trở nên ế ẩm.
Riêng những kẻ ăn đêm như bảo kê, gái đứng đường, việc kiếm sống ở đây cũng khá vất vả, ế ẩm và khổ lụy, nhiều kẻ đã bỏ xứ mà đi bôn ba nhưng rồi cuối cùng, sức tàn, lực kiệt lại quay về với miền Tây não nùng, lại trôi nổi phiêu linh theo ngày tháng! Cuối cùng, đời sống vẫn nổi trôi cùng sông nước miên man.

No comments:

Post a Comment