Monday, January 12, 2015

Lãnh đạo Đảng CSVN không dám công bố sự tín nhiệm

HÀ NỘI (NV) - Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 11 (Hội Nghị Trung Ương 10), vừa kết thúc hôm 12 tháng 1. Hội nghị này khiến công chúng thất vọng vì thiếu minh bạch.


Từ trái, Nguyễn Phú Trọng - tổng bí thư, Trương Tấn Sang - chủ tịch Nhà Nước,
Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng. Cả ba đều là ủy viên Bộ Chính Trị, “đồng chí” của
nhau nhưng người ta tin rằng luôn tìm đủ cách để đốn hạ nhau.(Hình: Getty Images)

Trung bình, mỗi năm, Ban Chấp Hành Trung Ương của Đảng CSVN tổ chức hai “hội nghị trung ương.” Năm ngoái, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN chỉ tổ chức một hội nghị (Hội Nghị Trung Ương 9) hồi giữa tháng 5.

Theo dự kiến, Hội Nghị Trung Ương 10 sẽ diễn ra vào cuối năm ngoái nhưng hội nghị này - lần đầu tiên, các ủy viên của Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN bỏ phiếu bày tò sự tín nhiệm đối với 16 thành viên Bộ Chính Trị. Bàn về nhân sự lãnh đạo Đảng CSVN trong khóa 12 trước khi tổ chức Đại hội Đảng khóa 12 vào đầu năm 2016 - liên tục bị trì hoãn mà không thấy thông báo lý do.

Mại đến ngày 5 tháng 1 vừa qua, Hội Nghị Trung Ương 10 mới khai mạc.

Suốt tám ngày diễn ra Hội Nghị Trung Ương 10, các đảng viên và dân chúng Việt Nam chỉ được thông báo, Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đã bỏ phiếu để bày tỏ mức độ tín nhiệm đối với 16 ủy viên Bộ Chính Trị, bỏ phiếu để “giới thiệu bổ sung quy hoạch Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo,” bỏ phiếu để “bầu bổ sung 8 ủy viên Ủy Ban Kiểm Tra Trung Ương.”

Đồng thời nghe thông báo nửa úp, nửa mở về việc, các thành viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN đã nghe “đọc tờ trình của Bộ Chính Trị về việc xem xét giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng” và “biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật đảng như đề nghị của Bộ Chính Trị.”

Diễn biến chi tiết của Hội Nghị Trung Ương 10 không hề được tường thuật. Các kết quả của những hoạt động như, “Bỏ phiếu tín nhiệm 16 ủy viên Bộ Chính Trị,” “quy hoạch Bộ Chính Trị, Ban Bí Thư nhiệm kỳ 2016-2021 và các nhiệm kỳ tiếp theo,” “xem xét giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng,” “biểu quyết giữ nguyên hình thức kỷ luật đảng như đề nghị của Bộ Chính Trị”... không hề được công bố.

Trò chuyện với BBC, bà Phạm Chi Lan - một chuyên gia kinh tế, từng là phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Phòng Thương Mại-Công Nghiệp Việt Nam, nhận định, kết quả bỏ phiếu tín nhiệm 16 ủy viên Bộ Chính Trị của Đảng CSVN cần được công bố với dân chúng, không nên “giữ kín trong phạm vi nội bộ” vì cá nhân lãnh đạo Đảng CSVN không chỉ lãnh đạo Đảng CSVN.

Theo bà Lan, Hiến Pháp Việt Nam xác định Đảng CSVN lãnh đạo toàn diện và chịu trách nhiệm về sự lãnh đạo đó thành ra dân chúng có quyền được biết những thông tin liên quan đến các cá nhân là lãnh đạo cao cấp trong đảng đã được Ban Chấp Hành Trung Ương đánh giá như thế nào.

Trong cuộc trò chuyện với RFI, ông Phạm Chí Dũng - một nhà báo tự do thì đề cập đến “tin đồn” mà theo đó, ông Nguyễn Tấn Dũng - thủ tướng đương nhiệm, là người đạt tỉ lệ tín nhiệm cao nhất, khi Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN bỏ phiếu tín nhiệm 16 ủy viên Bộ Chính Trị, trong Hội Nghị Trung Ương 10.

Tin đồn” này làm nhiều người bất ngờ. Hồi giữa năm 2012 - thời điểm Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN khóa 11 họp Hội Nghị Trung Ương 6 - ông Dũng từng bị đưa ra cho Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng CSVN xem xét, nhằm định đoạt hình thức xử lý vì phạm hàng loạt sai lầm dẫn tới khủng hoảng kinh tế và xã hội. (G.Đ)

01-12-2015 3:09:26 PM

No comments:

Post a Comment