Thursday, December 4, 2014

Kênh Truyền hình VTV và Người trẻ Việt hải ngoại

Chân Như, phóng viên RFA 2014-12-03
surveytvvn-622.jpg
Hình minh họa một số kênh truyền hình VN.Screen capture
Vừa qua Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký phê duyệt dự án phát triển truyền hình ra hải ngoại với ngân sách 20 triệu mỹ kim. Đây là việc làm cho thấy Việt Nam đang khao khát việc chinh phục khối người Việt ở hải ngoại và đặc biệt là Hoa Kỳ. Và để bắt tay vào dự án này, Việt Nam đã bắt đầu cho ra hàng loạt các hoạt động như khảo sát ý kiến của các bạn trẻ ở hải ngoại bằng phương tiện facebook. Họ có hẳn luôn một mục quảng cáo trên trang facebook nhắm vào giới trẻ Việt hải ngoại. Đây cũng là chủ đề cho chương trình diễn đàn bạn trẻ kỳ này cùng với các bạn đang làm việc trong lãnh vực truyền thông tại hải ngoại, để nghe các bạn đánh giá thế nào về dự án này của chính quyền Việt Nam.

Tạo chỗ đứng tại hải ngoại?

Chân Như: Xin chào Quốc Huy, Phương Nam và Trang Lê, trước hết xin hỏi các bạn là từ trước tới giờ, Việt Nam có 1 kênh truyền hình được phát ra nước ngoài và VTV4, trong các bạn đây đã có ai xem qua kênh này chưa?
Quốc Huy: Kênh truyền hình VTV4 tôi cũng theo dõi từ thời trong nước. Thật sự VTV4 họ biên tập lại của các chương trình VTV khác. Họ phát ra nước ngoài có thêm phần phụ đề anh ngữ; cũng có những chương trình về văn hóa dân tộc, nhưng đặc biệt là chương trình thời sự hằng ngày, đó là những gì tôi được coi trên VTV.
Nếu như bây giờ có thêm các đài truyền hình Việt Nam ở Mỹ thì mình nghĩ tác dụng của nó cũng chẳng được bao nhiêu.
-Trang Lê
Phương Nam: Còn riêng mình thật sự mà nói bao nhiêu lâu nay mình vẫn biết là truyền thông của CSVN lúc nào cũng chỉ là tuyên truyền dối trá nên mình không bao giờ coi. Tuy nhiên, cũng có một vài lần được xem qua những trích đoạn của các đài truyền hình Việt Nam do các bạn trên Facebook trích dẫn, mình cũng có được xem qua vài đoạn.
Trang Lê: Mình cũng có nghe từ lâu Việt Nam có đài truyền hình VTV4 phát hình ở vùng Washington từ năm 2009. Tuy vậy, cá nhân Trang chưa xem qua chương trình này. Mình có dò hỏi những người đã từng xem, họ nói nếu có coi thì cũng chỉ coi phim bộ thôi.
Chân Như: Xin mượn câu hỏi của bên phía chính quyền Việt Nam trong bản khảo sát trên facebook đó là các bạn nghĩ sao nếu có thêm các đài truyền hình của Việt Nam tại Mỹ?
Quốc Huy: Huy có nhìn nhận về việc này như thế này. Phần VTV4 họ phát qua đây rất lâu rồi nhưng thật ra việc họ đến được với người xem hay không, nó lại là chuyện khác. Bởi vì chúng ta nên nhớ rằng, ở hải ngoại này riêng cộng đồng người Việt Nam chúng ta ở mỗi tiểu bang ít nhiều gì cũng có một đài truyền hình Việt ngữ. Riêng về VTV, Huy nghĩ rằng từ trước đến giờ, không bao giờ họ đem được văn hóa hoặc sự tuyên truyền qua được tới bên này. Bởi vì xét về mặt văn hóa dân tộc thì hầu như các chương trình của các đài Việt ngữ bên này có đầy đủ, từ chương trình thậm chí là những chương trình ca nhạc còn hay hơn ở trong nước. Có nhiều ý kiến các bạn cho là họ đầu tư qua đây đến 20 triệu đô nhưng Huy nghĩ rằng nó không thấm vào đâu so với hệ thống truyền hình và phát thanh của người Việt bên nước ngoài này.
surveytvvn3-400.jpg
Hình minh họa một số kênh truyền hình VN. Screen capture.
Phương Nam: Theo nhìn nhận của Phương Nam, chương trình này họ chỉ muốn nói với người dân trong nước và dư luận quốc tế là họ đã tạo được chỗ đứng trong giới truyền thông ở hải ngoại. Chứ để họ chiếm được lòng tin của người Việt tị nạn CS thì mình nghĩ sẽ không có, bởi vì qua những gì Huy mới tường trình là ở ngoài này rất nhiều chương trình cho giới trẻ; Họ thích thú hơn nhiều chứ không phải những chương trình rẻ tiền. Hoặc khi họ coi tin tức thì họ mong coi được những tin tức nóng bỏng trung thực, chứ không muốn coi những tin tức được gọi là tuyên truyền một cách dối trá. Chính vì vậy mình nghĩ sẽ không thích thú đối với những đài truyền hình Việt Nam đưa qua đây.
Trang Lê: Căn cứ theo đề án của chính phủ Việt Nam trong giai đoạn từ 2015 đến 2020 thì Việt Nam sẽ cung cấp tổng cộng là 20 kênh truyền hình với 4 kênh phát thanh để phục vụ người Việt Nam ở nước ngoài. Họ gọi là nền tảng công nghệ truyền hình internet. Đánh giá chung của mình về đài VTV4 ở Mỹ, mình nghĩ không ai có thể nắm chắc được số lượng người theo dõi. Như lời chị Phương Nam nói hồi nãy, người Việt Nam trẻ ngày nay, họ có rất nhiều chương trình giải trí của các kênh truyền hình của Mỹ. Bởi vậy nếu như bây giờ có thêm các đài truyền hình Việt Nam ở Mỹ thì mình nghĩ tác dụng của nó cũng chẳng được bao nhiêu. Hầu hết khán giả lớn tuổi nếu có coi thì cũng chỉ coi những bộ phim của Hong Kong, Hàn Quốc hay của Việt Nam. Chứ còn người lớn tuổi cũng như trẻ tuổi họ không hứng thú coi những chương trình truyền hình không có giá trị cao, cũng như những chương trình mang nặng tính tuyên truyền của Việt Nam.

Tuyên truyền?

Chân Như: Theo như những ý kiến của các bạn vừa rồi thì Chân Như cảm nhận được ý của các bạn là cho dù họ có thêm nhiều kênh truyền hình từ VN đem hải ngoại đi chăng nữa thì cũng không có tác dụng. Nếu vậy thì nguyên nhân gì khiến chính quyền VN lại quyết định chi ra con số 20 triệu đô la này?
Phương Nam: Theo mình nghĩ nguyên nhân chính của họ chỉ để cho vấn đề tuyên truyền vận để tiếp tục lừa dối nhân dân và đồng bào trong nước mà thôi; chứ còn thật ra đối với ở ngoài này họ cũng sẽ chẳng làm được gì hơn. Cũng như theo mọi người biết, số tiền 20 triệu đó đưa ra ngoài này, thì tiền mà gọi là “hải ngoại vận” có lẽ họ sẽ chiếm hết 70 hoặc 80 phần trăm. Họ chỉ sử dụng 20 phần trăm để cho vấn đề tuyên truyền này thôi. Thiết nghĩ vô túi riêng của họ chứ chưa chắc gì chương trình sẽ được gì , ngoại trừ những việc làm như mình nói là dơ bẩn để đánh phá những cơ quan truyền thông ở hải ngoại của những người Việt tị nạn cộng sản.
Chân Như: Cám ơn các chia sẻ vừa rồi của các bạn, Theo Chân Như hiểu thì việc đưa thêm các kênh truyền hình của Việt Nam qua Mỹ không phải chỉ để tuyên truyền cho những người lớn tuổi, mà có vẻ như người trẻ, rành rỏi tiếng việt, các du học sinh, hoặc những bạn trẻ mới được định cư bên Mỹ theo diện bảo lãnh. Đó là đối tượng mà họ muốn nhắm tới?
Theo mình nghĩ nguyên nhân chính của họ chỉ để cho vấn đề tuyên truyền vận để tiếp tục lừa dối nhân dân và đồng bào trong nước mà thôi.
-Phương Nam
Quốc Huy: Nếu chúng ta nhìn giống như Chân Như nói, nếu nói về giới trẻ có sự lựa chọn, đương nhiên họ phải chọn cái tốt cái đẹp hơn họ coi, cái hay hơn họ coi. Chúng ta đã thấy được trong giải trí. Chẳng hạn như thấy được từ hồi nào đến giờ có hai trung tâm băng nhạc lớn ở hải ngoại này Asia và Thúy Nga. Thấy được rằng họ đã đi được về trong Việt Nam. Người Việt Nam nhiều khi coi Thúy Nga coi Asia còn thích hơn là coi những chương trình ca nhạc trong nước nữa. Chúng ta cứ coi cuộc khảo sát trên mạng xã hội thì chúng ta sẽ thấy điều đó. Lúc nãy Chân Như có nói việc họ nhắm vào giới trẻ. Bên này có 2 dạng giới trẻ: một giới trẻ là các bạn du học sinh, một giới trẻ là các bạn lớn và sinh ở bên này hoặc các bạn qua bên này từ nhỏ. Các bạn du học sinh qua đây thường khi họ coi họ chán những chương trình trong nước rồi. Họ qua bên này, họ thấy thêm được một cái nữa tức là hằng ngày họ vẫn coi các chương trình của các đài Việt ngữ của Việt Nam bên này. Còn các bạn trẻ (sinh và lớn lên) bên này họ có thêm kênh truyền hình của Mỹ. Và nếu các bạn nào quan tâm đến chính trị và thời sự thì các bạn có thêm rất nhiều các thông tin chẳng hạn như CNN, hay các kênh truyền hình của Mỹ. Họ đưa tin tức thời sự hằng ngày. Như vậy, đương nhiên chương trình thời sự của Việt Nam họ không coi rồi. Hoặc mới đây để khảo sát, họ lập một trang gọi là lấy ý kiến của mọi người (Huy không nhớ rõ là lấy ý kiến của ai) “nếu mà có một kênh Việt Nam ở bên Mỹ”. Những comments mà đến hôm nay họ đã xóa , cách đây mấy ngày Huy có coi. Có nhiều bạn trẻ họ vô, họ viết bằng tiếng Anh. Khi họ viết bằng tiếng Anh như vậy thì Huy nghĩ họ là các bạn trẻ lớn lên bên này. Họ nói Việt Nam không có nhân quyền, dân chủ, không có gì hết; Đưa kênh truyền hình qua bên này mà chương trình không có gì coi. Huy khảo sát gần 1.000 cái (lời bình) trong một đề tài đến ngày nay họ xóa đi. Chỉ cần có một cái nhìn như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng việc họ phát triển thêm một kênh truyền hình hoặc mở rộng thêm vài kênh truyền hình nữa thì ở bên này, Huy nghĩ tính tuyên truyền không hiệu quả. Tuy nhiên, cái này là việc họ phải làm; Giống như gom được ai họ gom, vớt vát được gì họ vớt. Rõ ràng tính chất tuyên truyền của nhà nước đến ngày hôm nay không còn hiệu quả nữa trong thế giới mở này.
Trang Lê: Theo Trang thấy, thực tế sau nhiều năm nhà nước Việt Nam triển khai nghị quyết 36 để tiếp cận với lôi kéo người Việt Nam sống ở nước ngoài mà họ không đem lại kết quả như Hà Nội mong muốn. Con số Việt Kiều về thăm quê hương trong mỗi dịp tết có tăng nhưng họ về bởi chỉ vì tình yêu với quê hương với tình cảm gia đình chứ không phải với tình cảm của họ với chế độ hiện tại. Mình chỉ cần nhìn vào số liệu thống kê đã được công bố tính đến nay thì mới chỉ có 4 ngàn trên con số là 4 triệu người Việt Nam ở hải ngoại xin được nhập quốc tịch ở Việt Nam thôi, có nghĩa chỉ chiếm 0,1%; Cho nên đó có thể gọi là một thất bại mà chính quyền Việt Nam họ cũng nhìn thấy. Do vậy, họ mới thúc đẩy bằng chiến dịch tuyên truyền truyền thanh và truyền hình. Đây là 2 phương cách mình thấy dễ tiếp cận nhất và cũng thông thường nhất để có thể đi đến với từng gia đình người Việt Nam ở Hải Ngoại. Chính vì hy vọng đó nên họ mới bỏ ra một số tiền lớn để đầu tư cho công tác này. Tuy nhiên, mình thấy có vẻ họ đã thất bại. Mình không nghĩ chương trình của họ đạt được hiệu quả cao như họ mong muốn.
Chân Như: Trang Lê cho rằng sẽ không đạt được hiệu quả cao, Chân Như cũng cảm thấy như thế. Một điển hình nhỏ mà chúng ta có thể lấy làm ví dụ đó là những shows trên youtube của các bạn trẻ còn lôi cuốn và được xem gấp triệu lần các chương trình truyền hình của Việt Nam đúng không Phương Nam?
Phương Nam: Đúng rồi đó anh Chân Như, thật sự nãy giờ Huy với Trang đã nói rất nhiều. Phương Nam chỉ thêm vô là hiện nay tất cả các giới trẻ (như em mình) hầu như ở nhà họ không có thời giờ để mà ngồi coi TV nữa. Nếu họ muốn xem cái gì họ lên internet họ search để coi kể cả tin tức lẫn phim ảnh hoặc những chương trình gì giải trí hoặc những Youtube hay họ đều lên internet hết. Họ không có thời giờ và cũng không quan tâm đến TV. TV hiện nay thật sự đối với ở nước Mỹ cũng chỉ thu hút giới lớn tuổi cũng như giới trung niên thôi. Giới trẻ họ hoàn toàn không chú trọng về TV. Mình có những đứa em ở nhà nó lớn lên ở đây, nhưng mà cũng chẳng bao giờ coi chương trình TV. Chính vì vậy việc CSVN đưa 20 triệu đô la ra ngoài này để hòng nhắm vào giới trẻ thì hoàn toàn thất bại. Đó là quan điểm của mình.
Chân Như: Như Phương Nam, Trang Lê và Quốc Huy chia sẻ nãy giờ thì có vẻ là dự án 20 triệu Mỹ kim này của chính quyền Hà Nội sẽ là một thất bại?
Trang Lê: Theo Trang nghĩ nó sẽ thất bại, và nó cũng chỉ là một cái dự án để tiêu tốn tiền thuế của người dân Việt Nam mà thôi.
Quốc Huy: Trong việc này thì giống như vừa rồi Huy có dẫn chứng bây giờ truyền thông nhà nước đấu không lại bloggers thì làm sao họ tuyên truyền được hiệu quả. Thành ra để được đón nhận bên này Huy nghĩ việc tuyên truyền của họ không hiệu quả.
Chân Như: Vâng một lần nữa xin cám ơn ba bạn Phương Nam, Trang Lê và Quốc Huy đã dành thời gian cho cuộc trao đổi ngày hôm nay, hy vọng chúng ta lại có những chủ đề như thế này vào các dịp sau, xin cám ơn ba bạn. Chân Như cũng cám ơn phần lắng nghe của quý vị và các bạn cho tạp chí Diễn Đàn Bạn Trẻ kỳ này, và mong hẹn lại quý vị và các bạn vào kỳ sau. Mến chào tạm biệt.
Các bạn có thể gởi email về cho Chân Như qua địa chỉ email: hoangc@rfa.org hoặc theo dõi Chân Như qua facebook tại facebook.com/Channhu.rfa

No comments:

Post a Comment