Ông Trần Văn Truyền là cựu quan chức đầu tiên bị Ban Bí thư Đảng yêu cầu thu hồi nhà đất
"Tuần tới thành phố sẽ họp về vấn đề [nhà công vụ], [nếu thấy] cần thiết [thì] sẽ thanh tra," báo trong nước dẫn lời Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Hà Nội Vũ Hồng Khanh trả lời chất vấn của các đại biểu trong phiên họp Hội đồng Nhân dân Thành phố vào sáng 4/12.
Việc các quan chức được cấp nhà công vụ tại Hà Nội nhưng không hoàn trả sau khi nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác lâu nay đã là chủ đề được nói tới nhiều.
Là trung tâm đầu não chính trị, Hà Nội là nơi tập trung nhiều cán bộ cao cấp có tiêu chuẩn được cấp hoặc cho thuê nhà công vụ, nhất là các trường hợp chuyển từ các tỉnh thành khác tới.
Trong buổi chất vấn hôm 4/12, các đại biểu đòi thanh tra trách nhiệm cá nhân trong việc để xảy ra tình trạng không thu hồi được nhà công vụ, đồng thời yêu cầu phải minh bạch, công khai việc quản lý các biệt thự công trong thành phố.
Theo quy định hiện hành về việc quản lý, sử dụng nhà công vụ, việc thu hồi nhà sẽ được thực hiện nếu người thuê nghỉ hưu hoặc hết tiêu chuẩn được thuê, chuyển công tác sang địa phương khác hoặc chết.
Ngoài ra, nhà còn được thu hồi trong trường hợp người thuê muốn trả lại, khi người thuê sử dụng nhà sai mục đích hoặc không thực hiện nghĩa vụ của người thuê.
Việc thu hồi được thực hiện dựa trên quyết định xử lý thu hồi của cơ quan quản lý nhà công vụ, theo Thông tư 01 của Bộ Xây dựng.
Lỗi cơ chế?
Tuy nhiên, trên thực tế, việc thu hồi dường như vẫn chưa có trình tự rõ ràng.
Trong lúc công chúng tỏ thái độ giận dữ 'vì sao không chịu trả nhà' thì những người được thuê lại có lập luận khác.
Theo báo Tuổi Trẻ, một số cựu quan chức nói rằng họ chưa trả nhà là bởi 'không biết trả cho ai' và 'không thấy ai đòi'.
Cựu Thứ trưởng Tài nguyên Môi trường Nguyễn Văn Đức, người nay chủ yếu sống ở Thành phố Hồ Chí Minh và để căn nhà được phân ở Hà Nội cho người em sử dụng, được trích lời nói: "Đến giờ này chưa thấy cơ quan nào đưa cho tôi quyết định thu hồi lại nhà, cũng chưa có ai ở cơ quan nhà nước lên tiếng đòi nhà, và nhiều nhà công vụ cũng không ai đòi."
Có suy nghĩ tương tự là cựu Thứ trưởng Giáo dục Đào tạo Đặng Huỳnh Mai: "Trong quyết định phân nhà công vụ mà tôi còn giữ không hề ghi thời hạn phải trả nhà và khi tôi nghỉ hưu cũng không thấy ai nói gì."
"Chỉ cần có công văn yêu cầu những người đã thôi công tác quản lý phải trả lại nhà công vụ thì ai cũng sẵn sàng trả lại hết," bà Đặng Huỳnh Mai nói thêm.
'Đòi nhưng không trả'
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp được cấp nhà công vụ đều 'không thấy ai đòi'.
Được nhắc đến nhiều nhất tại Hà Nội là vụ ông Hoàng Văn Nghiên, người giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố trong thời gian 1994-2004, và khu biệt thự ông được thuê từ 2001.
Chuyện thu hồi căn biệt thự của ông Hoàng Văn Nghiên được nêu nhiều trên báo chí
Năm 2006, tức là hai năm sau khi nghỉ hưu, ông Nghiên làm đơn xin mua lại căn biệt thự này nhưng không được chuẩn thuận.
Tuy nhiên, ông được tiếp tục ký hợp đồng thuê cho tới cuối 2006 thì ông và đại diện thành phố đã cùng có biên bản dừng hợp đồng cho thuê nhà, với điều kiện ông vẫn tiếp tục được ở tại đó miễn phí, cho tới khi hai bên thu xếp được chỗ ở mới phù hợp cho ông.
Việc ở miễn phí này được kéo dài từ đó cho tới nay, khi mà yêu cầu về 'chỗ ở mới phù hợp' của ông Nghiên là quá cao, thành phố không thể đáp ứng.
Hay một trường hợp khác cũng gây nhiều ồn ào, là vụ cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền từng bị ra quyết định thu hồi đất hồi 2007 và chính ông cũng làm đơn xin trả đất, nhưng trên thực tế vẫn tiếp tục chiếm giữ, sử dụng lô đất.
Ông Truyền, người mới đây bị ra quyết định thu hồi một số nhà, đất được cấp ngoài tiêu chuẩn, cũng từng được cho thuê nhà công vụ tại Hà Nội trong lúc đã được nhà nước bán cho một căn nhà ở Bến Tre và cho thuê một căn ở Thành phố Hồ Chí Minh, trong cùng năm 2003.
Căn nhà ở Hà Nội chỉ được ông trả lại vào đầu năm 2014, hơn hai năm sau khi ông nghỉ hưu và trở về sống ở Bến Tre.
No comments:
Post a Comment