Thursday, December 4, 2014

Việt Nam nhập khẩu than:Nghịch lý bán đi rồi lại mua về

(Baodatviet) - Những loại than Việt Nam nhập trước đây đều rất xấu, không bao giờ nước khác chịu bán mỏ than tốt cho Việt Nam.

Đó là cảnh báo của ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam trước thông tin Việt Nam ký nhập 20 triệu tấn than/năm.
Không gì bằng "của nhà trồng được"
Theo thông tin từ Bộ Công Thương, đến nay, Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) đã ký 10 Biên bản ghi nhớ, 1 Hợp đồng nguyên tắc với một số công ty than của Indonesia, Australia; Công ty Sojitz, Marubeni, Sumitomo của Nhật Bản và 1 Thoả thuận cung cấp than dài hạn với Công ty ASPECT Resources của Australia với tổng khối lượng than đã ký kết khoảng trên 20 triệu tấn/năm. Dự báo năm 2016, Việt Nam sẽ phải nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn; năm 2020 khoảng 35 triệu tấn và tới năm 2030 khoảng 135 triệu tấn.
Trong khi đó, theo Tổng cục Thống kê, tính chung 9 tháng năm nay, than đá xuất khẩu của Việt Nam giảm 35,19% về lượng (3,2 nghìn tấn) và giảm 33,2% về kim ngạch (216,1 triệu USD) so với cùng kỳ năm ngoái.
Bàn về những con số này, ông Nguyễn Văn Ban, nguyên Trưởng ban Nhôm - Titan thuộc Vinacomin cho rằng, việc xuất khẩu, nhập khẩu than ở các nước là chuyện thường tình.
Trước đây, Việt Nam bên cạnh việc sản xuất than đáp ứng nhu cầu trong nước vẫn thừa ra để xuất khẩu. Điều này giúp Việt Nam giải quyết tình trạng thiếu vốn đầu tư phát triển các ngành, giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Đến nay, dù trữ lượng than của Việt Nam đã ít dần đi nhưng vẫn có những loại than chất lượng cao trong nước ít sử dụng trong khi bán lại được giá nên xuất khẩu than hoàn toàn có thể hiểu được.
Một nguyên nhân khác thúc đẩy Việt Nam nhập than, theo ông Ban, đó là do Việt Nam cần đúng loại than mà trong nước trữ lượng không nhiều nên buộc phải nhập.
"Việc tính toán xuất, nhập cái gì xuất phát từ thực tế nguồn tài nguyên Việt Nam có sẵn và nhu cầu phát triển nền kinh tế. Vấn đề là phải tính toán sao cho hợp lý, cân đối giữa nhu cầu trong nước, đảm bảo an ninh năng lượng với việc xuất khẩu để tạo nguồn thu".
Xuất khẩu một khối lượng lớn than, để rồi giờ đây Việt Nam lại đang đứng trước nghịch lý phải nhập khẩu.
Xuất khẩu một khối lượng lớn than, để rồi giờ đây Việt Nam lại đang đứng trước nghịch lý phải nhập khẩu.
Nguyên Trưởng ban Nhôm-Titan của Vinacomin dẫn ví dụ về nguồn boxit của Việt Nam. Theo đó, trữ lượng boxit của Việt Nam khá lớn, có thể xuất thô để tận dụng tối đa tài nguyên ấy cho việc phát triển.
"Có thể chấp nhận cho xuất khẩu quặng thô trong một thời gian nhất định để lấy tiền đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển các ngành chứ không nhất thiết khư khư chính sách không xuất thô tài nguyên".
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Trọng Khiêm, Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam cũng cho rằng, ở bất kỳ nước nào cũng có chuyện nhập thì vẫn nhập, xuất thì vẫn cứ xuất, nhất là khi có những loại than tốt nhưng nhu cầu trong nước hạn chế, xuất đi một mà được lời hai, ba lần. Ngoài ra, các nước phát triển nào cũng phải trải qua giai đoạn bán quặng thô, sau khi có tích lũy, trình độ thì mới giải quyết được tình trạng này.
"Tuy nhiên, nhập khẩu than không hề đơn giản. Trước đây, Việt Nam đã bàn nhiều lần chuyện mua mỏ của nước ngoài nhưng là người làm việc lâu năm trong ngành, tôi cho rằng việc đó quá viển vông. Việt Nam lấy đâu tiền để mua than với cái giá đắt đỏ, thứ hai chẳng có nước nào chịu bán mỏ tốt cho Việt Nam. Thời gian qua Việt Nam đã nhập than của Indonesia, Nga nhưng chất lượng than rất xấu", ông Khiêm chia sẻ.
Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam ủng hộ quan điểm: không gì bằng "của nhà trồng được".
"Bể than Quảng Ninh có trữ lượng lớn nhưng không thể khai thác nhiều ở đó được. Theo tôi, chỉ khai thác khoảng 50-60 triệu tấn/năm cho đến lúc nào hết thì thôi chứ không thể đưa sản lượng lên 70-80 triệu tấn. Thay vào đó phải xúc tiến nhanh dự án than Đồng bằng sông Hồng. Không gì bằng của nhà trồng được", ông Khiêm chỉ rõ.
Bán than Antraxit rồi lại nhập than Antraxit?
Theo ông Nguyễn Trọng Khiêm, việc nhập khẩu than đã được Vinacomin thí điểm từ vài năm trước. Năm 2011, tập đoàn này đã nhập hơn 9.500 tấn than từ Indonesia để cung cấp cho thị trường phía Nam.
Theo tính toán từ Vinacomin, giá than nhập khẩu từ Indonesia cộng với chi phí vận chuyển nếu cung ứng cho các nhà máy điện tại miền Trung và miền Nam, kinh tế hơn so với việc khai thác và vận chuyển than từ các mỏ phía Bắc.
Vào thời điểm đó, ông Lê Minh Chuẩn, Tổng giám đốc Vinacomin cho biết, giá nhập khẩu số than này theo giá FOB là 73,6 USD/tấn và cước vận chuyển về cảng Cát Lái (Đồng Nai) là 27 USD/tấn. Như vậy, chi phí giá là 100,6 USD/tấn, mức giá này tương đương than cám 10b2 mà Tập đoàn xuất khẩu với giá 108,6 USD/tấn.
Tiếp đó, đến tháng 8/2014, Vinacomin nhập 41.500 tấn than Antraxit từ Liên bang Nga về cảng Hòn Nét của tỉnh Quảng Ninh. Số than nhập khẩu này được trộn với than trong nước theo tỷ lệ 4-6, sau đó cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện.
Chủ tịch Hội Địa chất Than-Khoáng sản Việt Nam cho biết, thực ra, trữ lượng than Antraxit của Việt Nam rất lớn, hiện ở Quảng Ninh có khoảng 10 tỷ tấn, toàn là than Antraxit "chính cống".
Lý giải nghịch lý Việt Nam xuất khẩu than Antraxit rồi lại nhập khẩu chính loại than này, ông Nguyễn Trọng Khiêm nói: "Không phải Việt Nam muốn mua gì cũng được. Thực tế khi tìm hiểu các thị trường, có rất nhiều loại than khác. Như Indonesia, Úc chẳng hạn, họ đều bán than lignite nhưng do giá cả và nhiều vấn đề khác không phù hợp nên Việt Nam không mua được. Trong khi đó, Nga lại bán than Antraxit với giá hợp lý thì Việt Nam mua".
Ông Khiêm cũng chỉ rõ, hiện Việt Nam sử dụng than Antraxit cung cấp cho nhiệt điện vô cùng lãng phí vì nhiệt năng của loại than này quá cao, thành ra phải trộn với các loại than khác. Có những loại than chỉ 3.500 Kcal/kg cũng đã chạy được nhiệt điện, đó chính là than lignite, có trữ lượng "khủng" ở Đồng bằng sông Hồng. 
"Trong quy hoạch đã tính toán Việt Nam phải nhập khẩu than với số lượng rất lớn", ông Khiêm nói.
Thứ Năm, 04/12/2014 07:07
  • Thành Luân

No comments:

Post a Comment