28.08.2014
Hà Nội và Bắc Kinh hôm qua cam kết sẽ đàm phán để giải quyết các tranh chấp về lãnh hải nhằm tránh tình trạng căng thẳng dâng cao sau khi Trung Quốc đưa giàn khoan dầu vào vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc thềm lục địa của mình.
Cam kết đó được loan báo sau cuộc gặp giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và ông Lê Hồng Anh, đặc phái viên của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng trong quan hệ giữa hai nước sau khi Bắc Kinh triển khai giàn khoan hồi tháng Năm.
Truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV dẫn lời ông Tập nói rằng ‘trong khi mâu thuẫn giữa các quốc gia láng giềng là điều không thể tránh khỏi, điều quan trọng là cách thức xử lý cũng như thái độ của hai bên’.
Tân Hoa Xã thì đưa tin rằng đôi bên sẽ cùng hợp tác để tìm ra một giải pháp lâu bền mà cả hai bên cùng chấp nhận.
Theo hãng thông tấn của nhà nước Trung Quốc, Hà Nội và Bắc Kinh cũng đồng ý không có các hành động làm phức tạp tranh chấp cũng như đồng ý duy trì ổn định mối bang giao Việt – Trung và vùng biển Đông.
Trong khi đó Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay ông Lê Hồng Anh đã đề nghị lãnh đạo hai nước ‘chỉ đạo các cơ quan hữu quan của mỗi bên nghiêm túc thực hiện thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam- Trung Quốc, kiểm soát tốt tình hình và giải quyết ổn thỏa mọi tranh chấp bất đồng trên biển, duy trì hoà bình, ổn định trên Biển Đông, đáp ứng nguyện vọng và lợi ích căn bản, lâu dài của nhân dân hai nước, đóng góp vào hoà bình, ổn định, phồn vinh của khu vực’.
Vị đặc sứ một lần nữa bày tỏ hy vọng quan hệ giữa hai nước sẽ ‘sớm khôi phục và phát triển lành mạnh’.
Nhận định về chuyến đi kéo dài hai ngày của ông Lê Hồng Anh theo lời mời của phía Trung Quốc, ông Nguyễn Trọng Vĩnh, cựu đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, nói:
“Ông Lê Hồng Anh đi thăm Trung Quốc trong cái thế là Trung Quốc vẫn tấn công mà Việt Nam ở thế yếu. Thế yếu mà đi cầu hòa thì không bình đẳng được với kẻ mạnh. Tôi cho rằng muốn thông báo công khai thế nào thì không biết, nhưng mà chắc là cũng bị Trung Quốc họ áp đặt cho những điều kiện nào đó mà trong bí mật thôi, không công khai ra. Bên yếu mà đi cầu hòa thì bên mạnh họ phải áp đặt cho chứ. Ví dụ như là họ áp đặt rằng là bây giờ phải gác tranh chấp, cùng khai thác như luận điệu của họ từ trước tới giờ, hoặc là họ nói thôi, không được kiện Trung Quốc nữa. Ba là họ nói rằng những việc trước đây, không đấu tranh về Hoàng Sa, Trường Sa gì cả. Tôi nghĩ là họ phải áp đặt một số điều kiện."
Cựu giới chức ngoại giao Việt Nam còn nhận định rằng trên cương vị đặc phái viên, ‘những lời ông Lê Hồng Anh nói là lời của ông Tổng bí thư’.
Chuyến đi của ông Lê Hồng Anh là chuyến công du cấp cao đầu tiên của một giới chức Việt Nam tới tiếp xúc với Bắc Kinh sau chuyến thăm Hà Nội của Ủy viên Quốc Vụ Viện Trung Quốc Dương Khiết Trì hồi tháng Sáu.
Tin cho hay, đặc sứ Việt Nam đã chuyển lời của ông Nguyễn Phú Trọng, mời Chủ tịch Trung Quốc sang thăm Việt Nam.
Nguồn: VOA, AP, MOFA
No comments:
Post a Comment