(Baodatviet) - Bất cứ ai không đạt yêu cầu, có là con ông nào, cháu ông nào cũng sẽ bị loại ra
Làm thường xuyên
Lời tuyên chiến với "con ông, cháu cha" của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với cán bộ, nhân viên Tổng Công ty quản lý cảng, quản lý bay nhanh chóng trở thành hiện tượng nóng trong toàn xã hội.
Các chuyên gia lo ngại nhiều khó khăn về lợi ích, quan hệ giữa bộ nọ, bộ kia, người này với người khác là nguyên nhân khiến bộ trưởng khó có thể thực hiện được.
Tuy nhiên, khẳng định quyết tâm của bộ trưởng không chỉ dừng lại ở lời nói, hay việc hô hào những khẩu hiệu. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho rằng, tinh giản biên chế, thanh lọc bộ máy là chuyện bình thường, không có gì là khó khăn với bộ
Xử lý công chức yếu kém không thể tùy tiện |
"Bộ không đặt vấn đề con ai, cháu ai mà chỉ có khái niệm là công chức, viên chức, cấp trên với cấp dưới, lãnh đạo và nhân viên... đã được tuyển dụng vào cơ quan nhà nước để làm việc phải đáp ứng được yêu cầu từng vị trí, tính chất công việc. Bất cứ ai không đạt yêu cầu, có là con ông nào, cháu ông nào cũng sẽ bị loại ra", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường nói.
Cũng theo ông Trường, việc rà soát lại chất lượng cán bộ, nhân viên công chức là việc làm thường xuyên của cơ quan quản lý nhà nước. Từ việc thực hiện rà soát, đánh giá lại chất lượng cán bộ công chức. Với những cán bộ, công chức trình độ thấp có thể cho đi đào tạo lại, nâng cao chất lượng. Với những cán bộ sắp nghỉ hưu có thể chuyển vị trí cho phù hợp. Ai không đáp ứng được buộc sẽ phải cho nghỉ việc.
Không thể tùy tiện?
Trước quyết tâm của Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia bày tỏ lo ngại "Bộ trưởng nói như vậy nhưng không biết bộ trưởng có làm được không"?
Theo phân tích của vị chuyên gia này, phải đi vào từng tình huống rất cụ thể mới có được cách thức xử lý cụ thể. Để đi từ lời nói tới một cách giải quyết cụ thể lại phải tuân thủ những quy trình, ở đây là cơ quan nhà nước nó không giống với trách nhiệm cá nhân, hay cơ quan tư nhân.
Một thực tế rất rõ ràng, một công nhân muốn sa thải phải đánh giá theo đúng quy trình, mức độ vi phạm. Với cơ qua nhà nước phải có ý kiến cấp trên, cấp dưới, có đánh giá, nhận xét, có họp kỷ luật, có giàng buộc hợp đồng... tất cả phải tuân theo luật không thể tùy tiện coi cơ quan nhà nước như công ty của mình thích cho ai nghỉ là cho.
Đó là còn chưa nói tới việc quyết định đó có đụng chạm tới ai không, mối quan hệ, lợi ích nào không...
Thứ hai, quyền lợi của người lao động có được đảm bảo đủ không? Nếu cho nghỉ, chính sách chế độ thế nào, quy trình thủ tục như thế nào. Việc này không hề đơn giản trong cơ chế hiện nay.
Nếu còn tâm lý "đả chuột sợ đánh vỡ bình quý" thì phải cần thận nếu không cuối cùng cũng chỉ là cái bẫy để bẫy mấy chục triệu cán bộ, công chức. Tất cả phải giải quyết theo luật pháp chứ không phải tùy tiện quyết định.
PGS Nguyễn Hữu Tri cho rằng, muốn giải quyết triệt để phải cần sự vào cuộc của cả hệ thống, chỉ dựa trên một sự vụ rồi đi xử lý theo kiểu giải quyết tình huốn sẽ không bao giờ giải quyết được vấn đề.
Theo đó, chỉ có cách thu gọn dần bộ máy hành chính nhà nước, chuyển sang họat động theo hình thức xã hội hóa, theo cơ chế thị trường. Cán bộ, viên chức cũng làm việc theo cơ chế thị trường.
Có 3 mô hình sẽ dần chuyển đổi là: doanh nghiệp, cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp. Khi chuyển sang hoạt động theo cơ chế thị trường chất lượng cán bộ, công chức, viên chức sẽ bị thanh lọc theo đúng yêu cầu của thị trường.
Bán ghế, luật hóa chạy chức?
Cho rằng, nếu công khai hóa việc chạy chức chạy quyền bằng luật tức là "bán ghế", thì người dân vẫn giám sát được và cơ quan nhà nước cũng dễ quản lý.
Obama phải ‘chạy’ vào Nhà Trắng, Putin phải ‘chạy’ vào nhà đỏ, trên thế giới không ai không muốn chức quyền thì việc chạy vào chức, quyền của Việt Nam cũng là dễ hiểu. Không thể đổ lỗi cho việc chạy chức, chạy quyền trong khi cả thế giới đều có như vậy, điều này cho thấy cơ chế quản lý yếu kém của Việt Nam chứ không phải lỗi của người chạy chức, chạy quyền hay lỗi của "con ông, cháu cha".
PGS Nguyễn Hữu Tri cho biết, không nên nghỉ nếu luật hóa chạy chức, chạy quyền thì chỉ người có tiền mới làm quan chứ không chọn được người tài. Vấn đề này, các nước tư bản đã làm rồi, điều kiện đầu tiên để một người tham gia vào vị trí nào là phải có mức tài sản cố định là bao nhiêu.
Đi cùng với đó là cơ chế chịu trách nhiệm, nếu không đáp ứng được yêu cầu dù có chạy tiền vào cũng sẽ bị loại ra. Nghĩa là không lo chỉ người có tiền mới làm được quan vì có tiền mà không có tài thì cũng mất cả "chì lẫn chài". Tuy nhiên, việc này ở Việt Nam chưa làm được do cơ chế, chính sách còn vướng.
Tức là cơ chế hiện nay của Việt Nam chưa đặt hiệu quả, chất lượng công việc lên đầu. Về nguyên tắc phải phân tích công việc rồi trên cơ sở đó mới tìm người đặt vào đó nhưng ở Việt Nam lại đang làm ngược lại bố trí người rồi mới đẻ ra việc.
Tức là cái quan niệm, có cũng được, không có cũng không sao. Như vậy thì không thể tránh khỏi tình trạng bộ máy ì ạch, quan liêu. Càng tinh giản bộ máy càng phình to.
Thứ Ba, 09/12/2014 07:25
- Hiếu Lam
No comments:
Post a Comment