Công tác thanh tra tại Việt Nam được tiến hành khá thường xuyên.
Nhân Ngày Quốc tế Chống Tham nhũng 9/12, chương trình Chuyển động 24h của VTV đã làm một phóng sự về “Bức tranh toàn cảnh về tham nhũng của khu vực châu Á” trong thời gian vừa qua.
Việt Nam đứng ngoài?
Trong khi vấn đề tham nhũng ở Việt Nam (cũng thuộc châu Á) còn đang nan giải nổi bật là vụ việc của cựu Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền và cựu Chủ tịch Hà Nội Hoàng Văn Nghiên thì chương trình lại tập trung vào công tác phòng chống của một số nước khác.
Trung Quốc thì có chiến dịch “Đã hổ diệt ruồi” và tiến hành hợp tác với Mỹ.
Thủ tướng Ấn Độ ngay sau khi nhậm chức cũng đề ra một loạt biện pháp như “lập 75 triệu tài khoản ngân hàng cho người dân để họ có thể nhận được đầy đủ các khoản phúc lợi xã hội hay lập đường dây nóng để người dân có thể liên hệ trực tiếp”.
Indonesia thì “nhận thức việc chi tiêu chính phủ cũng có những tác động tương đương với việc tham nhũng tiền”, tân Tổng thống Widodo đã “cắt giảm chi phí hội họp du lịch và yêu cầu các quan chức không tham dự những bữa tiệc xa hoa”
Không thấy nhắc tới Việt Nam, phải chăng chương trình gián tiếp thừa nhận nước ta không có giải pháp hiệu quả nào, hay công cuộc phòng chống tham nhũng của chính phủ quá bí mật nên không ai có thể tiếp cận?
VTV24 đã quên phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khi nhậm chức: “Tôi kiên quyết và quyết liệt chống tham nhũng. Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức ngay” hay chiến dịch “Đánh chuột giữ bình” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Với hàng loạt các vụ tham nhũng nổi cộm ở Việt Nam gần đây mà người dân nào cũng biết, VTV24 chỉ biết đưa ra những cái tên của quan chức tham nhũng ở nước ngoài.
Hay là Việt Nam không có tham nhũng để được nói tới trong ngày Quốc tế phòng chống tham nhũng? Hoặc một giả thuyết khác: hôm nay là ngày “Quốc tế phòng chống tham nhũng” chứ không phải ngày “Việt Nam phòng chống tham nhũng”.
Do Mỹ và phương Tây?
Bộ trưởng Y tế VN mới đây gửi công văn hỏa tốc nhờ Bộ Công an và Sứ quán Hoa Kỳ điều tra nghi án hối lộ cả triệu USD.
Chuyển động 24h dẫn báo cáo của Tổ chức minh bạch Thế giới về chỉ số nhận thức tham nhũng 2014: “Ba nước trong sạch nhất trong năm nay vẫn là Đan Mạch, New Zealand và Phần Lan trong khi Somali, Triều Tiên đứng cuối bảng xếp hạng. Trung Quốc thì tụt tới 20 bậc xuống đứng thứ 100” – chương trình nhấn mạnh.
Nhưng VTV24 lại tiếp tục bỏ qua một đất nước xa xôi nằm ở Nam Bán cầu (tuy có nằm sát Trung Quốc) và chắc chắn nằm trong bảng xếp hạng: Nước Việt Nam tụt 3 bậc so với năm ngoái, đứng thứ 117 (thấp hơn cả Trung Quốc).
Chương trình tiếp tục đưa ra thông tin: “Các nước đang phát triển bị đánh giá là những nơi tham nhũng nhiều nhất trên thế giới”, nhưng “đa số những kẻ đưa hối lộ đều đến từ những quốc gia phát triển”
“Mỹ thì luôn được đánh giá là một trong những nước có ít tham nhũng trên thế giới” nhưng “doanh nhân Mỹ lại dính dáng nhiều nhất đến các vụ tham nhũng vượt xa các quốc gia phát triển khác” nên “theo các chuyên gia để ngăn chặn tình trạng tham nhũng thì không chỉ các quốc gia đang phát triển cần nỗ lực mà các quốc gia phát triển cũng phải đảm bảo việc không xuất khẩu tham nhũng ra nước ngoài” – VTV kết luận.
Kỳ lạ là các nước không có hoặc ít “tài nguyên tham nhũng” lại có thể xuất khẩu thứ đó ra nước ngoài. Thế có khác nào bắt Nhật xuất khẩu dầu thô hay ép Iran xuất khẩu gạo?
Không có công ty nào trên thế giới muốn phải chi thêm tiền đồng thời lo lắng về hậu quả sau này. Họ bắt buộc phải làm điều đó vì nếu không biết “văn hóa” làm ăn tại các nước sở tại thì nên cuốn gói ngay từ đầu. Đó là điều ai cũng biết, chắc chỉ trừ có VTV.
Đành rằng là trích dẫn từ một “chuyên gia” nào đấy, nhưng trách nhiệm của người làm báo là phải biết lọc những thông tin, những ý kiến đánh giá chính xác, xác đáng nhất trong rất nhiều những thông tin và luồng tư tưởng.
Nếu không thấy đúng thì nên có thể phản bác. Còn đã đưa lên như một lời khẳng định chắc nịch, thì đó chính là quan điểm của chương trình rồi.
Cứ theo tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật” thế này, công cuộc phòng chống tham nhũng của Việt Nam xem ra vẫn còn xa vời vợi.
Bài viết thể hiện văn phong và quan điểm của tác giả.
No comments:
Post a Comment