(NLĐO)- Đó là lời nhận xét của Phó Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Hữu Tín, sau khi nghe giám đốc Sở GTVT đánh giá về chương trình chống ngập tại kỳ họp lần thứ 16 HĐND TP HCM khóa VIII.
Trong phiên thảo luận tổ chiều 9-12, tại kỳ họp lần thứ 16 HĐND TP HCM khóa VIII, nhiều đại biểu bức xúc chương trình chống ngập của TP trong thời gian qua chưa hiệu quả.
Đại biểu Huỳnh Thanh Nhân nói chống ngập thời gian qua chưa hiệu quả, chưa khoa học. Các cơ quan chức năng nâng đường rất cao để không bị ngập nhưng người dân sẽ khốn khổ khi nền nhà thấp hơn mặt đường. “Mình được lợi cho mình nhưng đẩy cái khó, cái khổ cho dân. Vậy phải tính toán sao cho hợp lý chứ để ảnh hưởng đến đời sống người dân”- ông Nhân đặt vấn đề.
Đại biểu Từ Minh Thiện thảo luận về chống ngập của TP HCM
Trả lời ý kiến các đại biểu về chỉ tiêu chống ngập tại TP HCM năm 2014 vẫn không đạt, ông Nguyễn Hoàng Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm chống ngập TP HCM cho biết kế hoạch năm 2015 sẽ tiếp tục xử lý 8 điểm ngập do mưa gồm: đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7), đường An Dương Vương (quận 8), đường Hồ Ngọc Lãm, đường Trần Đại Nghĩa (Bình Tân), đường Dương Văn Cam, Đặng Thị Rành, Hồ Văn Tư, Kha Vạn Cân (Thủ Đức) và hai điểm ngập do triều là đường Lương Định Của (quận 2) và đường Huỳnh Tấn Phát (quận 7). Thời gian gần đây, tại TP HCM các đỉnh triều cường tăng liên tục và hiện nay đang giữ mức 1,68 m tại trạm Phú An (sông Sài Gòn), do đó một phần diện tích của thành phố nằm thấp hơn so với đỉnh triều cường.
Ông Dũng cho biết theo kế hoạch, giai đoạn 2011 – 2015, thành phố xử lý 58 điểm ngập, trong đó ưu tiên xử lý ngập cho vùng trung tâm thành phố trước. Đến cuối năm 2013 đã xử lý được 47 điểm ngập, năm 2014 kế hoạch xử lý thêm 6 điểm ngập do mưa và 2 điểm ngập do triều. Tuy nhiên, đến nay rà soát lại cả năm 2014 chỉ xóa được 2/6 điểm ngập do mưa.
Đường Lương Định Của (quận 2) ngập nặng sau cơn mưa chiều 9-10
Ông Nguyễn Thành Chung, Giám đốc Sở GTVT TP cho rằng hiện đang tồn tại hai dạng ngập do triều và ngập do mưa. Một số vùng tại thành phố được quy hoạch cốt nền đảm bảo chống ngập ở mức 1,7 m và 1,58 m nhưng thực tế do tác động biến đổi khí hậu, trong năm 2014 mực triều cường lên rất nhanh, từ 1,32 m tăng lên 1,58 rồi đến 1,68 m và hơn 1,7 m. Các điểm ngập phát sinh mới cũng từ đây, ngoài ra ngập cũng do mưa … Nghe vậy, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP đã cắt ngang phát biểu của ông Chung: “Đồng chí nãy giờ nói thành phố ngập do mưa, do triều nhưng còn nguyên nhân nữa là ngập do ta. Đề nghị giám đốc sở nói thêm nguyên nhân ngập do ta”.
Thứ Ba, 17:10 09/12/2014
P.Anh. Ảnh: T.Thạnh-Thành Đồng
No comments:
Post a Comment