Tuesday, December 9, 2014

Trung Quốc “tàng hình hóa” kho vũ khí

Bắc Kinh cần phải thuyết phục quân đội các nước khác rằng những chỉ huy hải quân và lãnh đạo chính trị của họ đủ năng lực kiểm soát vũ khí hạt nhân

Trung Quốc chuẩn bị trang bị cho đội tàu ngầm tàng hình lớp Tấn (Jin) loại tên lửa hạt nhân có thể bắn đến Mỹ - bước đi nhằm “tàng hình hóa” kho vũ khí để có thể đáp trả các cuộc tấn công của kẻ thù cũng như ứng phó nhanh hơn trong trường hợp nổ ra một cuộc chiến tranh toàn diện. Báo cáo thường niên do Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung đệ trình lên Quốc hội Mỹ hồi tháng 11 đã cảnh báo những tàu ngầm hạt nhân này có thể bắt đầu tuần tra vào cuối năm nay, mang lại cho Bắc Kinh “khả năng răn đe hạt nhân tin cậy dưới biển đầu tiên”.

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (Jin) của Trung QuốcẢnh: AP

Tàu ngầm hạt nhân lớp Tấn (Jin) của Trung QuốcẢnh: AP

Chuyên gia Felix Chang tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại ở Philadelphia - Mỹ cho rằng chiến lược phòng thủ hạt nhân của Trung Quốc nhằm gây dựng năng lực trả đũa khi xảy ra tấn công hạt nhân từ các miền đất ở xa như Mỹ, hay gần hơn như Nga và Ấn Độ. Dù không coi Triều Tiên là nguy cơ hạt nhân trực tiếp nhưng giới chức Bắc Kinh cũng không khỏi lo ngại khi Bình Nhưỡng đe dọa Hàn Quốc hay Nhật Bản và khu vực trở nên bất ổn. Do đó, những chiếc tàu ngầm trang bị tên lửa hạt nhân sẽ là “hàng rào hữu dụng trước bất kỳ đe dọa hạt nhân tiềm tàng nào dù là nhỏ nhất” - ông Chang phân tích.

Tuy nhiên, việc triển khai tàu ngầm hạt nhân có thể đè nặng sức ép lên Bắc Kinh khi phải thuyết phục quân đội các nước khác rằng những chỉ huy hải quân và lãnh đạo chính trị của họ đủ năng lực kiểm soát loại vũ khí có sức mạnh hủy diệt này. Áp lực nặng nề hơn trong bối cảnh hải quân Mỹ và Trung Quốc đang “kèn cựa” ra mặt trên Thái Bình Dương, đồng thời Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong các tuyên bố chủ quyền đơn phương trên biển Đông và Hoa Đông, làm gia tăng nguy cơ xảy ra đụng độ.

Ông Malcolm Davis, phó giáo sư về quan hệ Trung Quốc - phương Tây tại Trường ĐH Bond (Úc), khẳng định: “Điều đó đòi hỏi Trung Quốc phải thiết lập cấu trúc chỉ huy và kiểm soát phù hợp để bảo đảm Quân ủy Trung ương luôn có thể liên lạc với các tàu ngầm này, dù ở trạng thái nổi hay lặn”. Vấn đề là giới chuyên gia tỏ ra chưa tin tưởng tuyệt đối vào khả năng kiểm soát của Bắc Kinh.

Đài Loan sốt sắng mua tàu chiến Mỹ
Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 9-12 dẫn lời Chủ tịch Công ty Công nghiệp Hàng không Trung Quốc (Avic) Lâm Tả Minh khẳng định chiến đấu cơ tàng hình J-31 do nước này mới sản xuất “chắc chắn có thể hạ gục” chiến đấu cơ tối tân F-35 của Mỹ trên bầu trời. Ông Lâm nhấn mạnh tham vọng của Avic nhằm cạnh tranh với Mỹ trên thị trường mới, đặc biệt là ở những nước mà Mỹ không bán thiết bị quân sự cũng như những quốc gia không đủ tiền mua F-35.
Cùng ngày, Cơ quan Quốc phòng Đài Loan công khai kế hoạch chi 186 triệu USD mua 2 tàu khu trục của Mỹ, đồng thời bày tỏ hy vọng Washington sẽ không dao động trước phản đối của Bắc Kinh. Trong khi đó, hàng chục người biểu tình hô vang các khẩu hiệu chống Bắc Kinh khi đoàn phái viên cấp cao của Trung Quốc - do ông Trần Đức Minh,  Chủ tịch Hiệp hội Quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan, dẫn đầu - tới Đài Loan.
Thứ Ba, 21:40  09/12/2014
 Thu Hằng
Theo NLDO

No comments:

Post a Comment