Giá điện nhập khẩu từ Trung Quốc thấp hơn một số nhà máy nhiệt điện chạy than, tuabin khí và cao hơn một số nhà máy thủy điện, ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết Điện lực (Bộ Công thương) cho biết.
Tại cuộc họp báo diễn ra chiều nay (30/12) ông Nguyễn Anh Tuấn đã giải đáp câu hỏi của báo chí liên quan đến vấn đề nhập khẩu điện từ Trung Quốc.
Theo đó, ông Tuấn cho biết, năm 2004, Việt Nam đã trải qua nhiều năm khô hạn, hệ thống các nguồn điện đang xây dựng chưa vận hành, thủy văn gặp khó khăn do đó thiếu điện trầm trọng ở phía bắc nên thời điểm này đã ký hợp đồng mua điện của Trung Quốc.
Song từ năm 2012 đến nay khi các nguồn điện mới xây dựng, đặc biệt một số nhà máy thủy điện phía Bắc vận hành và các nhà máy đã có điều kiện thủy văn thuận lợi, lượng điện nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm đáng kể.
“Năm 2012, EVN nhập 3,2 tỷ kWh, 2,29 tỷ kWh vào năm 2014 và dự kiến còn 1,8 tỷ kWh vào năm 2015, năm 2015 EVN hết hạn nhập khẩu điện từ Trung Quốc”, ông Tuấn dẫn số liệu.
Về mức giá, ông Tuấn cho biết, giá nhập khẩu thấp hơn nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than, tuabin khí và cao hơn một số nhà máy thủy điện.
“Nguồn điện từ Trung Quốc rất quý với Việt Nam thời điểm đó, nếu không có EVN sẽ phải tiết giảm điện với quy mô tương đối lớn”, ông Tuấn khẳng định.
Cũng về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó Giám đốc EVN bổ sung: “Việc mua điện là chuyện bình thường nhằm tăng công suất dự phòng khi gặp sự cố hoặc nguồn điện không đảm bảo khi nước về ít hoặc do các nguồn điện từ các nhà máy mới chưa vận hành”.
Ông Tri dẫn chứng trường hợp của Mỹ khi Mỹ mua điện Canada do giá mua rẻ hơn so với sản xuất.
Ngoài ra, ông Tri cũng cho biết, với các nước ASEAN, EVN đã liên kết với Lào, Campuchia, sắp tới liên kết với nhà máy điện của Thái Lan. “Điều này làm dự phòng hệ thống điện độ tin cậy cao, dư thừa của mình các nước xung quanh cũng tận dụng được, giảm sức ép đối với nhà đầu tư”, ông Tri phân tích.
Ông Tri cũng phản hồi liên quan đến ý kiến, nguồn điện đã đủ cung cấp nhưng vẫn nhập khẩu từ Trung Quốc do miền bắc đủ điện nhưng một số nơi biên giới như Móng Cái vẫn có điện áp thấp nếu lấy điện từ Cẩm Phả, Quảng Ninh do đó việc dùng điện của Trung Quốc gần hơn, ổn định hơn.
“Việc mua điện của Trung Quốc, Lào, Campuchia vì lợi ích của cả 2 nước, cả 2 bên cùng có lợi”, ông Tri kết luận.
Theo Bizlive
No comments:
Post a Comment