Thủ tướng CS Việt Nam Phan Văn Đồng (Trái) nâng cốc chúc mừng Hoàng thân Norodom Sihanouk (P) trong chuyến thăm Hà Nội 26 tháng 5 năm 1970. AFP photo
Kính Hòa, phóng viên RFA 2014-09-10
Ngày 20/8/2014 quyển sách tư liệu Đèn Cù của nhà văn Trần Đĩnh được Báo Người Việt ở Hoa kỳ xuất bản. Sau đây là ghi nhận phản ứng của các độc giả đầu tiên của quyển sách này.
Trước khi quyển sách được phát hành nhiều người quan tâm đến lịch sử Việt Nam đã rất quan tâm chờ đón. Kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh cho biết:
“Hiểu biết về một giai đoạn lịch sử rất là quan trọng. Trước khi đọc quyển sách này tôi mong muốn qua đó được hiểu thêm về một giai đoạn đất nước đã trải qua mà tôi nghĩ là chính quyền có nhiều điều người ta không nói, hoặc nói một cách không chân thật.”
Một độc giả nữ giấu tên tại Sài Gòn đang đọc quyển sách nói rằng chị mong muốn có nhiều thông tin:
“Trên Facebook mấy ngày này người ta nói nhiều về quyển sách này. Thực ra trước đó mình cũng chưa biết ông Trần Đĩnh là ông nào nữa. Nhưng sau khi tìm hiểu thì thấy hay. Với lại ở Việt Nam mình thì thông tin chỉ có một chiều thôi, thành ra khi có cái gì đó viết ngược lại thì … mình cũng không mong là nó giải thiêng hay gì đâu, nhưng mà nói lên dù là một chút sự thật lịch sử, nhất là cho giới trẻ thì là điều tốt.”
Sau khi đọc xong quyển sách anh Nguyễn Văn Thạnh nói rằng:
“Sau khi đọc xong quyển sách thì tôi thấy mãn nguyện vì đã biết được những thông tin mà lâu nay hệ thống thông tin của nhà nước không nói đến. Điều tôi tâm đắc nhất là sự vận động của các người cầm quyền lãnh đạo ở cấp cao, tiến hành cuộc cách mạng từ năm 1946 đến 1975, đặc biệt là giai đoạn mà lịch sử chính thống nói là kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Một điều tôi thấy thú vị là trong nội bộ lãnh đạo cấp cao cũng có những ý tưởng phản đối cuộc chiến này, giống như những phong trào phản chiến ở Mỹ và phương Tây trong giai đoạn 1965-1975. Điều đáng tiếc là tiếng nói của họ nhanh chóng bị dập tắt.”
Kỹ sư Nguyễn Lân Thắng thì chú trọng đến những vấn đề sự thực lịch sử của các bậc lãnh tụ đã được lịch sử chính thống phong thánh, và như thế có tác dụng rất lớn:
“Quyển sách rất là có giá trị, nó đã đề cập đến một mảng tối mà những tin đồn lâu nay nói về đời sống, về tư cách của các bậc lãnh tụ cách mạng cộng sản Việt Nam. Vốn những câu chuyện như thế từ trước đến nay người ta đồn đoán rất là nhiều. Nay lại có một quyển sách tràn đầy tư liệu và thông tin của một người viết tiểu sử cho các nhà lãnh đạo cộng sản Việt Nam. Nó sẽ đánh mạnh vào các thần tượng trong lòng quần chúng về các lãnh tụ cách mạng. Tôi cho rằng đấy là một điều hết sức cần thiết vì một xã hội muốn chuyển sang một thể chế dân chủ thì người dân cần biết được thực sự cái gì đã xảy ra, và xóa bỏ được sự thần tượng các lãnh tụ cộng sản.”
Sự xóa bỏ thần tượng này cũng được một độc giả từ Canada là ông Trần Giao Thủy, hiện làm trong lĩnh vực truyền thông, đồng ý
“Tôi xin mượn từ của ông Vũ Thư Hiên rằng đó là một công việc phá đền, chứ không phải là đi đập tượng. Tôi nghĩ họ không có ý định lột toang cái áo của ông Hồ Chí Minh, ông Lê Duẩn, ông Trường Chinh hay các lãnh tụ cộng sản khác. Họ không có ý đập đổ ông Hồ Chí Minh, tôi không nghĩ như vậy. Mà muốn phá cái đền, tức là họ muốn vạch trần cái sự thực cộng sản cho mọi người thấy.”
Bên cạnh đó ông Thủy cũng có nhận định về nhận thức của tác giả Trần Đĩnh về tự do:
“Ông sống trong lòng chủ nghĩa cộng sản nên không thấy rõ rằng tự do cá nhân không hề có xung đột mảy may nào với tự do của loài người. Tác giả là nạn nhân của bọn hoạt đầu chính trị, nhân danh đất nước và dân tộc, dùng đất nước và dân tộc để làm bệ phóng trong việc tranh giành quyền lực của họ. Thực chất cái chế độ tập trung dân chủ là mục đích sau cùng của những phong trào chính trị hay những cuộc cách mạng, đều núp sau cái bóng của chủ nghĩa dân tộc cực đoan, họ đòi xóa bỏ quyền con người, và tự do của cá nhân. Họ nhân danh quyền tối thượng của nhà nước, nhà nước đeo mặt nạ dân tộc để đi đến độc đảng, độc tài toàn trị.”
Ông Thủy cũng nói rằng cùng với các quyển Hồi ký một thằng hèn của Tô Hải, Nhân văn giai phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc của Thụy Khuê, Đêm giữa ban ngày của Vũ Thư Hiên, và Bên thắng cuộc của Huy Đức, Đèn cù sẽ là quyển sách được nhiều người đọc.
Sau khi quyển sách được phát hành, một bản điện tử được lưu truyền nhanh chóng trong cộng đồng mạng. Người đọc trong nước thường chia sẻ bản điện tử này, và rất khó khăn để có được bản in chính thức. Phản ứng trước việc này tác giả Trần Đĩnh và người chịu trách nhiệm xuất bản sách nói rằng họ không đặt lợi nhuận là quan trọng. Ông Thủy nói rằng cách ứng xử như vậy là tối ưu vì chính người đọc trong nước là những người cần đọc quyển sách nhất.
Nhiều độc giả sau khi có được bản điện tử mà không trả tiền, như Tiến Sĩ Trọng Hiền ở Úc, bỏ thêm tiền để mua bản chính thức. Và trên mạng xã hội hiện nay nhiều người cũng bàn nhau làm như Tiến sĩ Hiền.
Về phía nhà nước Việt Nam, cũng như các cơ quan văn hóa, tuyên truyền của nhà nước, vẫn chưa thấy có bình luận gì về sự ra đời tác phẩm Đèn Cù. Điều khá thú vị là ngay lúc này tại Hà nội lại đang diễn ra cuộc triển lãm về Cải cách ruộng đất. Theo báo chí Việt Nam thì cuộc triển lãm này cũng có phần nói về những sai lầm của đảng cộng sản trong cải cách ruộng đất. Tuy nhiên theo ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc bảo tàng quốc gia, khi trả lời hãng tin BBC thì đó không phải là chủ đề chính, trong khi đó thì sai lầm của cải cách ruộng đất hay những sự thực lịch sử liên quan đến cuộc cải cách ruộng đất ấy lại là chủ đề được nhiều độc giả quan tâm khi đọc tác phẩm Đèn cù.
No comments:
Post a Comment