(Baodatviet) - "Bây giờ đang có cái suy nghĩ tồn tại trong ý thức người Việt đó là vì miếng ăn có thể sẵn sàng cam chịu một cái gì đó".
PGS.TS Bùi Quang Thanh, Trưởng Ban nghiên cứu Văn hóa - Nghệ thuật nước ngoài - Viện Văn hóa nghệ thuật VN cho rằng đây là một nhận thức rất "dở".
Việc không làm vẫn xin thêm biên chế?
PV:- Vừa qua, theo khảo sát của Công ty nghiên cứu thị trường GCOMM, với sự tham gia của 1.005 sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ (18-35 tuổi) trên cả nước. Khi được hỏi về những đức tính của người Việt trong quá khứ và hiện tại, thì hầu hết đều lựa chọn đức tính cần cù, thân thiện, tỷ lệ lên tới hơn 80%. Quan điểm của ông ra sao trước kết quả này, đây có được coi là một tín hiệu đáng mừng trong nhận thức của giới trẻ?
PGS.TS Bùi Quang Thanh: - Về đức tính của người Việt các nhà nghiên cứu cũng đã nghiên cứu rất nhiều kể cả tổng quan hay nhận xét sơ bộ, trong đó có cả tính hay lẫn dở.
Nên chuyện điều tra XHH hiện nay, đưa ra tổng kết đức tính chung của người Việt là tính cần cù, với đối tượng là sinh viên, du học sinh, trí thức trẻ thì tôi cũng không mấy bất ngờ cho lắm, vì dù có hỏi ai, tầng lớp nào thì cũng đều tự nhận như vậy.
Chính vì vậy nó mới đặt ra những vấn đề mang tính chất cấp thiết nhưng đồng thời cũng là nhu cầu mang tính bức xúc trong xã hội, đó chính là cần phải nâng cao nhận thức của giới trẻ về văn hóa truyền thống.Còn hiện nay, giới trẻ Việt mà cần cù thì tôi hơi nghi ngờ, tôi thấy hiện nay, thế hệ trẻ có tâm lý chung ưa thích cái mới, cái lạ, quan tâm đến những cái đương đại, hiện đại nhiều hơn là truyền thống.
Cho nên con số điều ra này đưa ra theo tôi nó không phản ánh được điều gì, khi mà tôi biết chắc nó khác xa với thực tế.
PV:- Đúng như ông nhìn nhận, thực tế diễn ra hiện nay lại không như kết quả đánh giá. Tiêu biểu như con số hơn 30% số lượng công chức đang trong tình trạng sáng cắp ô đi, tối cắp ô về. Trong khi, năm 2013 phải chi tới 500 triệu USD để nhập khẩu hạt giống rau củ, trong khi chúng ta lại là một nước nông nghiệp. Rồi cho đến những mặt hàng như may mặc, đồ dùng sinh hoạt hàng ngày đều phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc.
Vậy chúng ta phải hiểu nghịch lý giữa nhận thức của giới trẻ và thực tế này như thế nào? Đó là thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận đúng không, thưa ông?
PGS.TS Bùi Quang Thanh:- Tôi cho rằng hiện nay, công việc nghiên cứu mang tính chất điều tra XHH nói chung của các ngành khoa học theo nhiệm vụ, chức năng cũng phải hết sức cẩn trọng với các con số, để cho chính xác.
Kết quả điều tra thì ai chả nói tốt, thế nhưng thực tế thì lại khác xa. Tôi chỉ nói ngay tới ví dụ như vừa rồi có nhóm nghiên cứu điều tra về cải cách hành chính ở Thanh Hóa, đưa ra kết luận 80% hài lòng với cải cách hành chính thì có đúng thực trạng không? Trong khi có sự bê trễ, cơ chế chính sách không phù hợp thực tiễn, bất cập, người dân còn đầy bức xúc, nói gì đến 80% hài lòng?
Vì vậy nên tôi cho rằng nên có quan điểm nhìn thẳng vào sự thật thì mới có các số liệu khách quan, đưa ra các giải pháp, biện pháp mà hành động được.
Việc công chức hiện nay 30% hiệu quả công việc rất thấp, đó cũng là một cái báo động cho các công sở. Thế mà buồn cười ở chỗ, trong khi người làm thì ít, người chơi thì nhiều mà HN vẫn xin thêm chỉ tiêu biên chế. Bởi vì cho rằng hiện nay rất nhiều công việc đang bị tồn, không giải quyết hết, nhân lực thừa, vẫn xin thêm.
Người Việt có tâm lý thích đi làm thuê
|
Mà dĩ nhiên cán bộ nhiều mà không làm thì lấy ai làm việc, nên đến những cái nhỏ nhất như hạt giống cây trồng hiện nay cũng nhập khẩu, chưa kể có khi một thời gian tới que tăm cũng được nhập khẩu.
Chính vì thế, theo tôi, đội ngũ quản lý nhà nước ở các cấp nên nhìn nhận thực trạng đánh giá một cách chính xác, chân thật, chứ không nên bao che, giấu đi cái dốt, cái kém. Mà tập trung hướng đến những thành tích ảo, căn bệnh thành tích đang xâm lấn dần vào ý thức của người Việt, thì nó sẽ rất nguy hại cho thực tiễn xã hội vô cùng.
Do du nhập văn hóa nước ngoài
PV:- Nếu như, đội ngũ quản lý nhà nước chưa có sự nhìn nhận đánh giá chính xác về thực trạng lao động của người Việt thì một doanh nhân người Nhật Ito Junichi, CEO công ty World Link Japan Inc đã chỉ rõ rằng người lao động Việt Nam ngày nay thích kiếm tiền nhưng lại không chăm chỉ. Khi ông mới đến Việt Nam 20 năm trước, ông thấy người Việt Nam cũng rất chăm chỉ như người Nhật. Nhưng giờ thì ông không còn cảm thấy điều đó nữa. Theo nhìn nhận đánh giá của ông, điều gì tác động dẫn tới sự thay đổi trong nhận thức này. Có thể nhìn nhận bệnh lười của người Việt đang có xu hướng phát triển lên hay không?
PGS.TS Bùi Quang Thanh:- Theo tôi đó chính là hệ quả của việc biến đổi của điều kiện sống, môi trường sống, hoàn cảnh sống, xuất phát từ việc giao lưu hội nhập với nền kinh tế cũng như văn hóa nước ngoài.
Cứ nhìn nhận trước đây, việc giao lưu với thế giới, sẽ hạn chế hơn rất nhiều, các phương tiện truyền thông để cung cấp tri thức cho con người, cũng không thể hiện đại như hiện nay.
Cho nên điều kiện văn hóa hiện nay mang tính đa dạng, cởi mở, lượng thông tin đa chiều, rất phong phú, dĩ nhiên trong lượng thông tin đấy có cả cái tốt, có cả cái xấu, có cả cái không chuẩn với giá trị cho nên nhiều khi người ta có nhận định không chính xác.
Tôi thấy hiện nay cái sự lãnh cảm, vô trách nhiệm của giới trẻ rất lớn, ý thức tập thể rất kém, nên phải nghiêm túc, nhìn nhận rất nguy hại, đáng báo động.
Cứ nhìn về bình diện văn hóa xã hội hiện nay, giới trẻ bên cạnh những đức tính tốt, như là nhu cầu ham mê cái mới trong khoa học, ham mê tiếp cận văn hóa các nước trên thế giới, ngày càng du nhập nhiều vào đời sống thanh niên trong nước, thì cũng có nhiều đức tính xấu, thích chơi, thích ỷ lại, không thích tìm tòi, sáng tạo, thích được hưởng thụ.
Cái gì cũng có hai mặt của nó, đặc biệt trong thời buổi hội nhập quốc tế hiện nay, vì song hành với việc tiếp thu đón nhận nét văn hóa tích cực, văn hóa mới, thì sẽ đi kèm với một số bộ phận nhất định, du nhập văn hóa không phù hợp. Đó là chính là nguồn gốc tiêu cực trong cách nhìn của người Việt.
PV:- Thưa ông, có phải chính sự thiếu quan tâm đến giới trẻ, mà dẫn đến tình trạng hiện nay, một số chuyên gia kinh tế nhìn nhận người Việt đang hài lòng với việc đi làm gia công, đi làm thuê, lười làm thích ăn sẵn. Kinh tế thì phụ thuộc vào khai thác nguồn tài nguyên có sẵn, dẫn đến cạn kiệt, rồi lại đi nhập khẩu ngược lại tiêu biểu như điện, xăng dầu, điều này sẽ dẫn tới hệ quả nào, thưa ông? Ai hay đơn vị nào sẽ chịu trách nhiệm cho tình trạng này?Tuy nhiên, nó cũng phụ thuộc vào trình độ nhận thức của học sinh, sinh viên, phụ thuộc vào tính định hướng của nhà trường, gia đình, các hội đoàn thể.
PGS.TS Bùi Quang Thanh:- Bây giờ người Việt chúng ta đang có cái suy nghĩ vì miếng ăn có thể sẵn sàng cam chịu một cái gì đó, rất dở ở điều đó. Chỉ cần được trả tiền lương cao, là bằng lòng với việc đi làm thuê cho họ. Tiêu biểu như các khu công nghiệp hiện nay, tại sao các DN nước ngoài chỉ tuyển lao động phổ thông là người Việt, không độc hại thì cũng là lao động tổn hại sức khỏe.
Chính điều này, ngay bây giờ đã thể hiện, việc sáng tạo để sản xuất ra sản phẩm của người Việt là rất ít, không thích sáng tạo, chỉ thích dựa vào cái có sẵn.
Mà chủ yếu là đẽo tài nguyên ra để ăn, chuyện này rất nguy hiểm, nói một cách thành thực là đúng như vậy. Chúng ta cứ nhìn ra bạn bè thế giới, ngay đến nước rất giàu có như Nga, tài nguyên họ cũng để trong nhà đóng kho không bao giờ dùng đến. Bên cạnh đó, họ kích thích con người lao động sáng tạo, không bao giờ được nghĩ đến việc bán tài nguyên để ăn.
Nhìn lại Việt Nam thì sao, chúng ta bán vô tội vạ, thậm chí sau này khéo con cháu sẽ không còn tài nguyên nào. Tâm lý thích ăn sẵn, chỉ thích hưởng thụ không thích làm này của người Việt rất nguy hiểm.
Bàn về vấn đề trách nhiệm, nếu nói ai sẽ chịu trách nhiệm cũng rất khó vì con người là sản phẩm của xã hội nên trách nhiệm sẽ thuộc về các nhà lãnh đạo, quản lý văn hóa, quản lý xã hội nói chung.
Cần loại bỏ ngay sự quan tâm thế hệ trẻ mà không mang tính thực tiễn, nhiều khi chạy theo bệnh thành tích. Dẫn tới hệ quả là những cái không đúng sự thật, nhiều khi mang tính tô hồng, tính chất ảo, nên đòi hỏi nhà quản lý phải có đánh giá, hướng lãnh đạo đúng.
Bởi vì, chạy theo thành tích dẫn đến nhận thức của con người với xã hội bị lệch đi, điều đó không hay ho gì.
- Xin cảm ơn PGS.TS về cuộc trò chuyện này!
Thanh Huyền
No comments:
Post a Comment