Wednesday, September 10, 2014

“Nhức đầu” đề toán, “đắng lòng” bài văn rập khuôn tại tiểu học

Theo Songmoi.vn-10/09/2014 - 07:41
Những tưởng kiến thức bậc tiểu học đơn giản như "hồi xưa" nên nhiều bậc phụ huynh rất tự tin chỉ bảo, hướng dẫn lũ trẻ làm bài. Thế nhưng, khi lao vào rồi thì họ mới biết mình cũng đang rơi vào "ma trận" như lũ trẻ khi đề bài toán thời nay "vô cùng khó" bởi tư duy giáo dục khác nhau và cũng bởi những cách ra đề có phần "tối nghĩa". Trong khi đó, nhìn sang môn văn cũng chẳng khá khẩm gì hơn khi nhiều cô giáo quyết không cho lũ trẻ "tả sự thật".


Bài toán gây tranh luận với các ý kiến trái chiều

 
Một bài toán đếm gà cho học sinh lớp 2, đọc lướt qua đề thì thấy đơn giản, dễ dàng tính ra đáp số thế nhưng lại gây ra tranh luận “nảy lửa” giữa các đáp án có trong đề. Đề bài toán này như sau: “Nhà Lan có 4 chuồng gà, mỗi chuồng có 8 con gà. Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà? Và đưa ra 4 phương án để học sinh lựa chọn: A. 4x8=32, B. 8x4=32, C. 4+8=12, D. 8:4=2.”

Nhìn qua thì phụ huynh dễ dàng tìm ra đáp số là 32 con gà, thế nhưng phương án A và B trong bài cũng như giáo viên cho rằng đáp án A là sai đã gây ra tranh luận tứ phía. Nhiều phụ huynh cho rằng phép nhân có tính giao hoán nên 4x8 hay 8x4 thì chẳng có gì khác nhau bởi đều có kết quả chung là 32 nên dù chọn A hay B đều đúng. Tuy nhiên, có ý kiến lại cho rằng vì đề bài hỏi là có tất cả bao nhiêu con gà nên phải lấy số gà x số chuồng nên chỉ có đáp án B là chính xác.

Cùng với các phụ huynh, ngay cả các chuyên gia giáo dục cũng bị thu hút và có những ý kiến trái chiều xung quanh bài toán này. Một vị tiến sỹ trao đổi với Chất lượng Việt Nam về bài toán đếm gà và cho rằng cả 2 đáp án đều đúng vì bài liên quan đến khái niệm “thứ nguyên”. Tức là ở đây, câu "mỗi chuồng có 8 con gà" phải viết chuẩn xác dưới dạng 8 gà/chuồng và đáp án chính xác cho bài toán là:

Số gà = 4 chuồng x 8 gà/chuồng = 8 gà/chuồng x 4 chuồng = 32 gà.

Tuy nhiên, TS Vũ Thu Hương (giảng viên khoa Giáo dục tiểu học - Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) lại cho rằng ở bài toán này cần phân biệt cho học sinh hiểu đâu là đơn vị tính đâu là số lần được gấp lên. Với câu hỏi “Hỏi nhà Lan có tất cả bao nhiêu con gà?”, số gà là đơn vị tính, sẽ viết phép tính là 8x4 (tức là 8 con gà gấp lên 4 lần). Còn viết 4x8 (sẽ được hiểu là số chuồng là 4 gấp lên 8 lần). Dù kết quả cuối cùng của phép tính đều là 32 nhưng trong khi đề yêu cầu tính số gà, vì vậy viết 4x8 sẽ sai về mặt bản chất.  Tươn tự, PGS Văn Như Cương cũng nhận định“Đáp án của cô giáo đưa ra 8 (gà) x4 =32 là đúng, phải tính số gà thì phải lấy số con gà rồi nhân với số chuồng.”
 
Và những bài toán ra đề tối nghĩa

Trước đó, vào cuối năm 2013, một bài toán kiểm tra của lớp 1 đã nhanh chóng lan truyền trên mạng và nhanh chóng thu hút được sự chú ý. Theo đó, bài toán có đề như sau: “Hai bác thợ cưa một cây gỗ dài 7m thành những đoạn dài 1m. Cứ 12 phút thì cưa xong một đoạn. Hỏi cưa cả cây gỗ đó hết bao lâu?” Nguyên nhân khiến bài toán trở nên “hot” như vậy là do sự khác biệt giữa bài giải của học sinh (cưa cả cây gỗ đó hết số phút là 12x6=72) và đáp án của giáo viên (cưa cả cây gỗ hết 12x7=84 phút).

 

Cách giải của học sinh được nhiều người lớn đánh giá là đúng và cho rằng “cô giáo rập khuôn”. Tuy nhiên, một số người lại phản bác rằng ở đây là cái cây đang sống nên phải cưa thành 7 đoạn nên đáp án của giáo viên là chính xác. Tương tự, đề Toáncũng cho học sinh lớp 1 với yêu cầu tìm số lớn hơn 60 và nhỏ hơn 80, trong đó có 2 phương án A: 61, B: 70 đã gây nên “bão” trong cộng đồng mạng. Bởi dựa theo đề bài thì cả 2 đáp án đều đúng nhưng khi học sinh chọn phương án A thì lại bị giáo viên chấm là sai và sửa lại là B. Cũng trong đề kiểm tra này, có câu hỏi “số 49 gồm”; có 2 đáp án gồm 4 và 9, 40 và 9. Kiểu đề bài ra theo kiểu đánh đố học sinh như thế này đã gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng mạng. Theo Tiến sỹ Lê Thống Nhất thì đề bài này rất tối nghĩa và nếu ra câu hỏi như trên thì 2 đáp án trên đều đúng.

Với Toán tiểu học mà nhất là từ lớp 1-3, các em bắt tay vào học chữ, học con số, học cách tính toán nên những câu hỏi mà đề bài đưa ra các em đều hiểu một cách đơn giản nhất. Thế nhưng, nhiều giáo viên vì vận dụng bài toán một cách rập khuôn, ủng hộ một lối suy nghĩ mà bác bỏ hoàn toàn những phương án còn lại. Chính vì vậy đã khiến nhiều đề bài toán viết một cách khó hiểu và gây ra nhiều tranh cãi trong cách giải.

 Không rập khuôn khó được điểm cao

 

Với đề bài “Kể về một người thân mà em yêu quý nhất”, một cô bé đã tả bà mình như sau “Bà ngoại em có mái tóc tém nhuộm màu vàng. Hằng ngày bà mặc váy ngắn, mang giày cao gót, đi làm trên chiếc xe máy tay ga…” Bài văn này em học sinh đã bị cô giáo cho 4 điểm vì “thiếu thực tế”. Theo quan điểm của cô giáo thì“Bà ngoại phải là tóc dài bạc trắng búi sau gáy chứ không phải tóc tém nhuộm vàng. Bà ngoại đi xe đạp hay đi bộ chứ làm sao cưỡi được xe máy tay ga. Bà ngoại mặc đồ bộ và mang dép hay guốc chứ không phải váy ngắn tới đầu gối và giày cao gót…”. Ở xã hội hiện nay có rất nhiều khi mới 50 tuổi nhưng đã lên chức “bà” và trong số này, không ít người rất “sành điệu” nên hình ảnh người bà mà em học sinh tả không có gì xa lạ mà là hết sức bình thường. Tuy nhiên, nếu như không tả thật giống như ngoài đời thì đa phần các em học sinh đều viết theo một khuôn mẫu như tóc bà bạc phơ, bà em rất hiền và tốt bụng, em lớn lên bằng lời hát ru ngọt ngào của bà…” mà không có nhiều sự sáng tạo.

Chính vì không thể tả thật như những gì mình thích nên những bài văn tả người thân, tả cô giáo, tả con vật…của các em cũng đều dựa theo một công thức chung. Chẳng hạn với đề tả người mẹ thì phải luôn hiền dịu, tần tảo sớm hôm để nuôi con ăn học; cô giáo thì phải có tóc dài, dịu dàng; ông ngoại thì phải có tóc bạc, hiền từ, nhân hậu…Thế nên mới xuất hiện những bài văn khá sáo rỗng và viết một cách máy móc khiến ai đọc cũng phải “cười ra nước mắt” như “Nhà em có cây chuối rất to, chiều nào em cũng leo lên cây chuối ngồi hóng mát. Khi em leo lên, cành chuối rung rinh” hay “Nhà em có nuôi một con gà trống rất đẹp, em rất yêu nó. Hằng ngày, em cho nó ăn. Chiều chiều, em dắt nó đi dạo mát 15 phút”…

Chính phương pháp dạy theo lối mòn đã khiến các em mất đi sức sáng tạo mà chỉ chăm chăm dựa vào những câu chữ đã được cô giáo hướng dẫn và phải thật mỹ miều, khác xa với sự thật thì mới đạt điểm cao. Thêm vào đó, do thiếu quan sát thực tế nên nhiều em đã “gắn” những câu chữ trong bài văn mẫu khác viết vào bài của mình khiến người lớn đọc văn của lũ trẻ mà phải "cười ra nước mắt". Thiếu trải nghiệm thực tế, thiếu hiểu biết kèm theo những hướng dẫn một cách máy móc đã khiến cho nhiều bài văn của các em học sinh phải “viết sai sự thật” và bài của em nào cũng na ná tương tự giống nhau vì đã có một “phom” hướng dẫn. Với cách dạy như hiện nay đã triệt tiêu đi sự sáng tạo của các em và biến các em trở thành những cái máy sao chép lời văn một cách sáo rỗng, rập khuôn.

Chỉ qua hai môn học chính ở bậc tiểu học là đã đủ thấy chương trình giáo dục lẫn tư duy người thầy nhiều khi chưa bắt kịp với sự phát triển của xã hội, khiến thế hệ trò ngày nay "thiệt thòi" hơn trò khi xưa vì không được miêu tả sự thật mà chúng quan sát thấy, để rồi xã hội sẽ dễ phải nhận những "lứa gà công nghiệp thải loại" vì những tư duy tính chuồng hay tính gà, cây sống hay cây chết kể trên.

Hải Băng
Tổng hợp

No comments:

Post a Comment