Đăng Bởi -
Nhúng một giọt “thần dược” Điền Phong, các loại quả xanh non sẽ chín chỉ sau một ngày.
Đang vào mùa mít, nên công việc của chị H vất vả hơn thường lệ. Hằng ngày, chị H đi xe máy đến các hộ dân ở một số xã thuộc thành phố Lào Cai hoặc các huyện lân cận như Bảo Thắng, Bát Xát để thu mua mít. Mỗi lần đi, chị H đều mua trên dưới một tạ mít.
Tuy nhiên, không phải ngày nào chị H cũng tìm được mít chín hay chuẩn bị đến độ chín để thu mua. Vì vậy, chị H phải mua cả những quả mít xanh, non, vừa đẹp mã, giá thành lại rẻ hơn.
Nhưng làm thế nào để những quả mít xanh, non dù để lâu vẫn không thối, có thể chín, bán được giá là cả một vấn đề. Tìm đủ mọi cách, nào ủ trong bao tải cùng lá xoan, giấm cùng đất đèn... nhưng những quả non, xanh mà chị H mua về không thể chín theo ý, mẫu mã xấu, thậm chí còn có quả bị thối.
Thấy những “đồng nghiệp” của mình mua mít non, xanh, nhưng hôm sau vẫn chín, thơm, mẫu mã đẹp, chị H tò mò học hỏi.
Nhúng vài giọt, quả non thành chín
Cuối cùng, chị H cũng tìm được bí quyết của các “đồng nghiệp”, đó là dùng “thần dược” Điền Phong xuất xứ từ Trung Quốc. Tất cả những hoa quả non, xanh như mít, chuối, hồng xiêm, đu đủ... sẽ chín như ý chỉ bằng 1 - 2 giọt nhỏ vào cuống hoặc ngâm vào dung dịch.
Để mua được “thần dược” Điền Phong rất đơn giản, chỉ cần ra cửa hàng tạp hoá ở các chợ, đặc biệt là khu vực giáp biên giới... hỏi là có ngay. Giá loại thuốc này không cố định, mua số lượng nhiều (trên 10 lọ) chỉ 2.000 đồng/lọ, nếu mua lẻ 4.000 đồng/lọ. Một lọ có thể dùng để ép hàng tạ mít non, chuối xanh chín chỉ sau 1 - 2 ngày.
Bên những quả mít lớn, nhỏ vừa mua từ các hộ dân ở huyện Bảo Thắng, chị H cho biết: Mỗi ngày mình thu mua hàng tạ mít, đủ các loại từ già tới non, nếu không có “thần dược” Điền Phong này thì thối hết. Những quả mít này chỉ cần lau sạch nhựa ở cuống, rồi nhỏ từ 1 - 2 giọt là ngày mai chín luôn, giữ được mã đẹp, để mấy ngày chẳng sợ thối.
Tất cả những hoa quả non, xanh như mít, chuối, hồng xiêm, đu đủ... sẽ chín như ý chỉ bằng 1 - 2 giọt nhỏ vào cuống hoặc ngâm vào dung dịch.
Không chỉ có mít, nhiều loại hoa quả khác dù non, xanh đến mấy, chỉ cần hoà một lọ vào chậu nước rồi nhúng vào là hôm sau chín ngay. Loại “thần dược” này không chỉ làm cho hoa quả chín mà còn giữ nguyên được màu sắc, mẫu mã bên ngoài bắt mắt, hấp dẫn người tiêu dùng.
Là dân buôn hoa quả chuyên nghiệp lâu năm ở thành phố Lào Cai, anh Đ cũng chẳng lạ gì việc dùng “thần dược”. Anh Đ còn cho biết: Có nhiều loại thần dược xuất xứ từ Trung Quốc ép hoa quả non, xanh chín nhanh, mẫu mã đẹp, nhưng thuốc Điền Phong được ưa chuộng nhất. Ngoài giá thành rẻ, tác dụng nhanh, thì việc giữ được mẫu mã bên ngoài đẹp, bắt mắt là những ưu điểm lớn nhất.
Việc sử dụng thuốc Điền Phong luôn được những người buôn bán hoa quả giữ kín, không để các cơ quan chức năng hay khách hàng phát hiện.
Chất độc cấm sử dụng
Các loại “thần dược” để ép chín quả non đã được người dân đồn đoán từ lâu, nhưng khi được người tiêu dùng đặt vấn đề về việc có sử dụng hay không, thì tất cả những người bán đều nói không.
Anh Trường, trên đường đi công tác qua xã Trung Chải (Sa Pa) bỏ ra hơn 100.000 đồng mua quả mít của một người dân địa phương, nhưng cuối cùng đành... ném xuống ao cho cá ăn.
Chia sẻ với chúng tôi, anh Trường bức xúc nói: Trước khi mua, anh đã hỏi người bán là mít có dùng thuốc ép chín không, chị bán hàng là người Mông trả lời tỉnh bơ: “Mít nhà mới trảy mà, chín cây đấy”.
Tin người dân thật thà, hơn nữa mẫu mã quả mít vẫn tươi, đẹp, mùi thơm thoang thoảng, nên anh không ngần ngại đồng ý.
Theo lời người bán, anh Trường về để thêm một ngày cho mít chín kỹ hơn mới ăn, nhưng khi bổ ra, các múi mít có màu trắng bất thường, sượng, có vị chua nhạt. Vì đã được nghe nhiều về chất lượng của mít chín nhờ “thần dược”, nên anh Trường không còn nghi ngờ gì, ném luôn xuống ao.
Không phải ai cũng “may mắn” như anh Trường vì phát hiện kịp thời mít dùng thuốc ép chín. Chị N, phường Pom Hán (thành phố Lào Cai) tỏ ra lo lắng khi cả gia đình đã ăn gần hết quả mít được cho là dùng thuốc ép chín.
Theo chị N, quả mít được chồng chị mua của một người bán hàng rong ngoài Quốc lộ 70. Theo lời “tiếp thị” thì quả mít này chín cây, mới trảy buổi sáng, nên rất ngon. “Khi bổ mít vẫn thơm, múi vàng nhạt, nhưng vị ngọt là lạ... Mời một chị hàng xóm sang ăn cùng, cả nhà mới biết nhiều khả năng mít bị ép chín bằng thuốc” - chị N chia sẻ.
Khi bổ ra, các múi mít có màu trắng bất thường, sượng, có vị chua nhạt. Vì đã được nghe nhiều về chất lượng của mít chín nhờ “thần dược”, nên anh Trường không còn nghi ngờ gì, ném luôn xuống ao.
Mặc dù rất lo nhưng cả gia đình chị N đã trót ăn rồi... chẳng biết phải làm thế nào. Chị N chỉ biết bảo chồng lần sau cẩn thận hơn trong việc mua quả ngoài đường.
Trao đổi với chúng tôi, ông Vi Văn Phát, Chi cục phó, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết: Tất cả các loại thuốc không có hướng dẫn sử dụng bằng tiếng Việt, không biết được nồng độ, thành phần, mức độ độc hại... đều rất độc hại, bị cấm sử dụng.
Như vậy, thuốc ép quả chín Điền Phong có chữ Trung Quốc không có trong danh sách được phép sử dụng. Những trường hợp buôn bán, sử dụng thuốc Điền Phong khi phát hiện được, chúng tôi sẽ xử lý nghiêm.
Theo những người có kinh nghiệm, cách tốt nhất để nhận biết hoa quả sử dụng thuốc để ép chín là từ mùi thơm và màu sắc bên trong. Khi chọn mua quả, người tiêu dùng nên bổ thử kiểm tra bên trong, nếu thấy có sự bất thường về màu sắc, hương vị thì không nên mua.
Nhưng không phải ai cũng là những người nội trợ thông thái. Để tránh gặp những hậu quả đáng tiếc, người nông dân, đặc biệt là người buôn hoa quả cần phải có tâm, không nên vì lợi nhuận trước mắt mà làm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Các cơ quan chức năng cũng cần khuyến cáo nông dân, thương lái... về hậu quả của việc sử dụng “thần dược” Điền Phong để ép hoa quả chín nói riêng, các chất bảo quản hoa quả cấm sử dụng nói chung.
Đồng thời, cần có chế tài xử lý nghiêm những trường hợp buôn bán, sử dụng trái phép “thần dược” ép chín quả, giúp người dân yên tâm hơn trong việc sử dụng hoa quả.
Theo LCĐT
No comments:
Post a Comment